BVR&MT – Năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 16,3 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách Nhà nước 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15,4% so với cùng kỳ)…
Ngày 8/1, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Họp báo định kỳ về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, phương hướng năm 2021.
Tại buổi Họp báo, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, lợi dụng sự bùng phát của dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra liên tục, trong năm 2020 các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn và ngày càng tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Đáng chú ý tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng, chống dịch, ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ giả mạo xuất xứ Việt Nam, gây thất thu ngân sách và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, với sự cố gắng, quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực, các lực lượng chức năng cả nước năm 2020 đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 16,3 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15,4% so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ với 3.502 đối tượng (tăng 28,3% số vụ và 49,46% số đối tượng so với cùng kỳ). Nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, nhiệm kỳ 5 năm qua, từ năm 2015 đến năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thể hiện tốt vai trò là trung tâm chỉ đạo, điều hành, điều phối hiệu quả các hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng từ Trung ương đến cơ sở trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình công tác đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, bắt giữ nhiều vụ việc lớn, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm; bên cạnh đó, chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm trong thực thi công vụ…
Cũng theo ông Đàm Thanh Thế, từ khi thành lập đến nay, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thực hiện tốt trọng trách, nhiệm vụ được giao, cùng các bộ, ngành, địa phương phương tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, xử lý 1.238.653 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 116.963 tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ, 12.398 đối tượng; góp phần từng bước kiểm soát, ổn định thị trường, đảm bảo an ninh quốc gia…
Năm qua, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đã tập trung lực lượng, tăng cường công tác nghiệp vụ theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, đã chủ động xây dựng và triển khai các Kế hoạch chuyên đề trọng điểm: triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội… đáp ứng cơ bản mục tiêu yêu cầu chương trình công tác năm 2020 đã đề ra.
Theo ông Đàm Thanh Thế, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt hàng giả, hàng nhái, hành vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian tới còn diễn ra phức tạp, nhất là các địa bàn trọng điểm. Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế chính sách, phối hợp lực lượng, trang bị phương tiện…
Vì vậy, theo ông Đàm Thanh Thế, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, một năm tiếp bước cần có sự đổi mới trong phương thức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cũng như là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra với Ban Chỉ đạo 389 và các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhằm phát hiện các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng./.