BVR&MT – Tổng thống Indonesia đã đặt mục tiêu đến tháng 3 tới sẽ có 29,55 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 được phân phối cho các địa phương, phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí.
Ngày 7/1, Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Indonesia Erick Thohir cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của nước này đã cấp phép cho công ty dược quốc doanh PT Bio Farma sản xuất 100 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.
Phát biểu tại cơ sở sản xuất của PT Bio Farma tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, Bộ trưởng Erick Thohir cho biết: “BPOM đã trao giấy phép sản xuất 100 triệu liều vắcxin. Quy trình sản xuất sẽ tuân thủ tiêu chuẩn của BPOM cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.”
Theo ông Thohir, PT Bio Farma chỉ còn phải đợi tiếp nhận các nguyên liệu để có thể bắt tay sản xuất vắcxin ngay. Các nguyên liệu thô này sẽ đến chuyển đến trong thời gian sớm nhất.
Tổng năng lực sản xuất của PT Bio Farma là 250 triệu liều vắcxin mỗi năm và 150 triệu liều vắcxin còn lại vẫn đang phải chờ giấy phép sản xuất của BPOM.
Bộ trưởng Thohir cũng cho biết PT Bio Farma đang phối hợp với Hội đồng giáo sỹ Indonesia (MUI) để đảm bảo rằng các vắcxin do công ty sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn Hồi giáo Halal.
Mới đây, Tổng thống Joko Widodo đã đặt mục tiêu đến tháng 3 tới sẽ có 29,55 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 được phân phối cho các địa phương trong cả nước, phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí.
Trong số đó, 5,8 triệu liều sẽ được bàn giao trong tháng 1, 10,45 triệu liều trong tháng 2 và 13,3 triệu liều còn lại trong tháng 3.
Trong tháng 12 vừa qua, Indonesia đã tiếp nhận hai lô vắcxin ngừa COVID-19 với tổng cộng 3 triệu liều do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Quốc gia này lên kế hoạch khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc vào ngày 13/1 tới.
Bộ Y tế Ấn Độ thông báo các bang và lãnh thổ liên bang của nước này sẽ sớm được cung cấp các lô vắcxin COVID-19 đầu tiên và đề nghị họ chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận những lô vắcxin này.
Trong một thông cáo mới đây, Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định: “Tất cả các bang và lãnh thổ liên bang có khả năng sẽ sớm nhận được các lô vắcxin COVID-19 đầu tiên. Về vấn đề này, các địa phương cần đảm bảo công tác chuẩn bị trước và sẵn sàng tiếp nhận vắcxin trong thời gian tới.”
Tổng cục quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) hôm 3/1 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước đối với các vắcxin Covishield của Oxford-AstraZeneca và Covaxin của Bharat Biotech.
Trước đó, hôm 5/1, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cung cấp vắcxin COVID-19 trong vòng 10 ngày kể từ ngày vắcxin được cấp phép, nhưng quyết định cuối cùng về thời gian sẽ do chính phủ quyết định.
Trong khi đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục tập dượt công tác tiêm phòng vắcxin COVID-19 ở tất cả các bang và lãnh thổ liên bang, ngoại trừ hai bang Uttar Pradesh và Haryana, vào ngày 8/1 để đảm bảo việc lập kế hoạch và quản lý hiệu quả công tác phân phối vắcxin tại các địa phương./.