BVR&MT – Nhằm đánh giá được thực trạng hệ thống và việc vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp, tỉnh Hà Giang đã xác định các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho việc nâng cấp, mở rộng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lâm nghiệp.
Cuối tháng 4/2017, UBND tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và Dự án Formis II (Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp) tổ chức Hội thảo Tham vấn phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lâm nghiệp. Dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học trong nước; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận.
Tham gia hội thảo, đại biểu được nghe các nhà khoa học trình bày báo cáo nghiên cứu về: Hệ thống CSDL lâm nghiệp Hà Giang, hiện trạng, nhu cầu cải thiện và những khuyến nghị; CSDL thông tin về chi trả dịch vụ môi trường rừng; ý tưởng xây dựng, phát triển hệ thống CSDL lâm nghiệp cấp tỉnh, huyện liên kết với hệ thống dữ liệu Formis; giới thiệu về Formis II và khả năng hỗ trợ xây dựng hệ thống CSDL cho Hà Giang.
Đồng thời đề xuất cho Hà Giang thí điểm ứng dụng CSDL về công nghiệp gỗ do Formis phát triển; đề xuất giải pháp cho hệ thống CSDL lâm nghiệp Hà Giang và tính nhất quán với hệ thống CSDL Quốc gia Formis; xác định được nhu cầu đầu tư, giải pháp cho các thiết lập, thực hiện và duy trì hệ thống CSDL lâm nghiệp của tỉnh.
Tỉnh Hà Giang có tổng diện tích tự nhiên gần 793 nghìn ha, trong đó đất quy hoạch lâm nghiệp gần 567 nghìn ha, chiếm gần 72% tổng diện tích tự nhiên. Hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được Dự án Formis II xây dựng với các hợp phần chính gồm: Ứng dụng trên máy vi tính, trên mạng và CSDL tài nguyên rừng Trung tâm.
Hệ thống này nhằm lưu trữ dữ liệu tài nguyên rừng thông qua dữ liệu điều tra kiểm kê rừng, hệ thống luôn cập nhật những diễn biến thay đổi hàng năm, từ đó cung cấp thông tin về rừng, đất lâm nghiệp một cách kịp thời, chính xác; hỗ trợ tích cực trong việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, công tác quản lý Nhà nước và thông tin báo cáo của các cấp.
Ngoài ra, hệ thống sẽ hỗ trợ quá trình tự động hóa cập nhật, chuyển dữ liệu từ cấp cơ sở đến Trung ương, đảm bảo số liệu luôn chính xác và đồng nhất. Đồng thời, giúp cho các cấp, các ngành, chủ rừng nắm được chính xác tình hình biến động về các loại rừng và đưa ra phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng trên địa bàn hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết: Tỉnh Hà Giang mong muốn đề xuất được khung hệ thống CSDL lâm nghiệp; cam kết của các tổ chức, dự án và cá nhân có liên quan trong việc phát triển, duy trì hệ thống CSDL của tỉnh; sự chấp thuận để Hà Giang trở thành tỉnh đi đầu ứng dụng hệ thống CSDL công nghiệp gỗ do Formis phát triển.
Với tỉnh Hà Giang, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ được hiểu là phát triển rừng ứng dụng công nghệ cao, như sử dụng giống tốt và áp dụng kỹ thuật thâm canh, mà còn là áp dụng các công nghệ cao, như công nghệ tin học, viễn thám, GIS,… vào quản lý bảo vệ tài nguyên rừng.
Văn Hoàng