BVR&MT – Việc triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Ðảng về phát triển kinh tế đã giúp tỉnh Quảng Trị có bước chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế – xã hội giai đoạn 2015 – 2020. Tỉnh đã có nhiều cách làm đồng bộ, phù hợp, tạo cú huých phát triển công nghiệp với mũi nhọn đột phá là công nghiệp năng lượng, chú trọng xây dựng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững…
Ðột phá với công nghiệp, năng lượng
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng nhớ lại, sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2015 – 2020), với tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ nghiêm túc phân tích, nhìn nhận những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội cũng như những khó khăn, thách thức; mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém thực tại các mặt của địa phương. Từ đó, tỉnh xác định mục tiêu và định hướng phát triển, đề ra những nghị quyết quan trọng, nội dung công việc, tập trung chỉ đạo thực hiện trong các năm tiếp theo của cả nhiệm kỳ. Trong đó, có những nghị quyết rất quan trọng, đó là nghị quyết về tăng cường về sự lãnh đạo của Ðảng đối với Khu kinh tế Ðông Nam Quảng Trị, tạo cú huých mở đường phát triển công nghiệp của địa phương về phía biển, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững; nghị quyết định hướng xây dựng phát triển đô thị hài hòa, chú trọng quy hoạch tiến tới xây dựng đô thị ven biển; nghị quyết tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế các khu kinh tế trên hành lang kinh tế Ðông Tây trên cơ sở khu kinh tế thương mại Lao Bảo; nghị quyết cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ðể thực hiện hiệu quả các nghị quyết nêu trên, ngay từ đầu, Tỉnh ủy và HÐND tỉnh đã ra Nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ðây là nghị quyết được ban hành sớm, đúng, trúng để các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn khi đầu tư vào Quảng Trị.
Trong lĩnh vực công nghiệp, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Tỉnh quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp chủ yếu, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở cho việc bố trí sản xuất và đầu tư hiệu quả. Các chính sách về phát triển hạ tầng khu công nghiệp được ban hành, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ công nghiệp phát triển. Từ đó, sản xuất công nghiệp đã đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng nguồn thu nội địa trên địa bàn. Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Trương Khắc Nghi cho biết, Khu kinh tế Ðông Nam Quảng Trị mặc dù mới khởi động nhưng đã thu hút hàng loạt dự án với vốn đầu tư từ vài nghìn tỷ đồng đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Ðơn cử: Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 do Công ty Ðiện lực quốc tế Thái-lan làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với công suất 1.320 MW, tổng mức vốn đầu tư hơn 55 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn Gazprom của Nga đang xúc tiến đầu tư nhà máy điện khí công suất 340 MW lấy khí từ mỏ Báo Vàng. Công ty TNHH CFG Quảng Trị vừa khởi công xây dựng Bến cảng CFG Nam Cửa Việt với tổng vốn khoảng 640 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong quý I-2020, tại Khu kinh tế này, nhiều dự án lớn đã được khởi công, trong đó có thể kể đến dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy của Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy, có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100 nghìn tấn. Ngoài ra, dự án cảng hàng không Quảng Trị ở huyện Gio Linh cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, dự kiến được khởi công vào cuối năm 2020… Xác định mũi nhọn đột phá là phát triển công nghiệp, năng lượng, đến nay, Quảng Trị đã có gần 60 dự án điện gió với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Với ba vùng quy hoạch điện gió đã được phê duyệt, diện tích 6.707 ha, phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng điện gió đạt 5.000 MW, góp thêm mỗi năm cho ngân sách của tỉnh khoảng 5.000 tỷ đồng, sớm trở thành một trong những trung tâm năng lượng của khu vực.
Cùng với đó, ngoài việc tập trung, tranh thủ tối đa sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị chọn một chủ đề lãnh đạo phát triển. Cụ thể chủ đề năm 2019 là “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng tốc phát triển”; chủ trương “Ngày thứ bảy vì nông thôn mới”, “Ngày thứ bảy vì các dự án động lực”. Vì vậy, trong năm 2019 có 80 dự án được cấp chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký 41.500 tỷ đồng. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh, đã có 30 dự án trên các lĩnh vực với tổng vốn đầu tư hơn 111.320 tỷ đồng được lựa chọn để khởi công, đưa vào hoạt động, góp phần từng bước xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực, tiếp tục phát huy lợi thế phát triển của tỉnh. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng, năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 16. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm chính trị, khát vọng vươn lên, Quảng Trị nỗ lực phấn đấu thực hiện chủ đề năm 2020 là “Hành động quyết liệt, về đích toàn diện, tạo đà bứt phá”, phấn đấu khi kết thúc giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước, như Nghị quyết của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã đề ra.
Phát triển nông nghiệp làm bệ đỡ
Quảng Trị đặt niềm tin, kỳ vọng vào sức bật phát triển công nghiệp, song luôn chú trọng xây dựng nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững và công nghệ cao vì hơn 70% số dân của tỉnh sống bằng nông nghiệp. Dấu ấn đậm nét nhất thúc đẩy nông nghiệp Quảng Trị đạt hiệu quả cao là việc ra đời Nghị quyết 04/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; ưu tiên triển khai có hiệu quả bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh được xác định gồm sáu cây, hai con là cây lúa, cây hồ tiêu, cao-su, cà-phê, gỗ rừng trồng và cây dược liệu; chăn nuôi tôm và bò thịt để thúc đẩy phát triển sản xuất theo tín hiệu thị trường. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp cho nên tỉnh đã cơ cấu lại lâm nghiệp một cách quyết liệt. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 473.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng hơn 100.000 ha, ngành lâm nghiệp đã giải quyết việc làm thông qua trồng rừng, chế biến gỗ, tăng thu nhập, giúp hàng nghìn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ðiểm nhấn quan trọng không kém là Tỉnh ủy Quảng Trị chỉ đạo tiếp tục triển khai mạnh mẽ phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Với đường bờ biển dài hơn 75 km, nhiều loại hải sản ngon nổi tiếng, tỉnh luôn xác định đặc sản biển là tài nguyên quý giá đóng góp một phần quan trọng vào nguồn lực kinh tế địa phương. Cùng với đội tàu thuyền lớn gần 2.500 chiếc, Quảng Trị có thêm một đội tàu cá hiện đại được đóng mới theo Nghị định 67-NÐ/CP của Chính phủ. Ðịa phương đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị thăm dò cá hiện đại phục vụ ngư dân cùng ra khơi, bảo vệ biển và khai thác cá. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho rằng, điểm sáng cần nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện của Ðảng bộ, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, các cấp trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội trong thời gian qua. Công tác xây dựng Ðảng được chú trọng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức với nhiều điểm mới sáng tạo, hiệu quả. Ðảng bộ đoàn kết, sáng tạo, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng. Kết quả điều tra dư luận xã hội cho thấy, phần lớn các nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội 16 của Ðảng bộ tỉnh đề ra đều được nhân dân đánh giá có chuyển biến tốt, hiệu quả lớn. Năm 2019, tỷ lệ đánh giá tốt công tác xây dựng Ðảng đạt 66,9%. Con số này phần nào khẳng định chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng Ðảng cũng như việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết đột phá về kinh tế của tỉnh trong thời gian qua được nhân dân ghi nhận, đồng tình, ủng hộ, góp phần vào sự thay đổi, phát triển đi lên của tỉnh trong thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, ưu tiên phát triển công nghiệp, năng lượng, chế biến, xây dựng các đô thị… rất đúng với thực tiễn của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án cần được đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đi đôi với phương châm làm đến đâu chắc đến đó. Quá trình này cần tạo được sự đồng thuận của nhân dân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, gắn trách nhiệm của nhà đầu tư, Nhà nước và nhân dân trong vùng dự án. Ðể giải bài toán này không phải đơn giản, phải biết cách đeo bám, tuyên truyền tốt những định hướng, cũng như không được thu hồi đất của dân một cách vô cảm, mà phải phân tích rõ hiệu quả kinh tế để người dân biết được những lợi ích dự án đem lại trong phát triển kinh tế, thu hút lao động địa phương, cải thiện đời sống nhân dân. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Quảng Trị hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lần đầu tiên sau bảy năm, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,72%. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các chỉ tiêu về kinh tế tăng so cùng kỳ năm trước, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 49,5 triệu đồng, vượt mức kế hoạch đặt ra là từ 47 đến 49 triệu đồng, tăng 13,53% so với năm trước.