BVR&MT – Thực trạng buôn bán các loài động vật hoang dã, trong đó có không ít loài quý hiếm diễn ra khá công khai và thách thức tại nhiều khu vực thuộc ĐBSCL nhưng việc phát hiện và xử lý vi phạm vẫn giậm chân tại chỗ với điệp khúc “không phát hiện gì cả”.
Bài liên quan:
Bài 1: Mùa nước nổi, mùa tận diệt
Tương tự như khu vực An Giang, Đồng Tháp, tại chợ nông sản Thạnh Hóa hay còn gọi chợ chim Thạnh Hóa thuộc tỉnh Long An cũng có đến hàng ngàn cá thể chim được bày bán la liệt, trong đó ấn tượng hơn cả là loài cò ốc với chiếc mỏ dài, “nhân vật chính” trong phim Khi cò ốc trở về của Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Tháp – bộ phim từng được trao giải nhất Liên hoan phim về môi trường tại Hà Nội đầu năm 2018. Câu chuyện cò ốc giúp nông dân diệt ốc bươu phá hoạt mùa màng với những hình ảnh đàn cò ốc bay thẳng cánh trên cánh đồng lúa xanh mướt đẹp đẽ biết bao, vậy mà trước mắt chúng tôi là hàng chục cá thể cò ốc bị giam trong lồng sắt, mỏ bị buộc, băng dính cuốn quanh thân, thậm chí bị vặt sống và nằm lăn lóc, trơ trụi tại các cửa hàng.
Ngoài cò ốc, khu chợ miền Tây còn bày bán la liệt các loài chim cắt, gà nước, đại bàng… cùng những chùm chim cút bị vặt lông sống đang cố gắng giãy giụa, kêu la thảm thiết; những con cò bị khâu mắt, giãy đành đạch khi bị sức nóng của ngọn lửa từ chiếc bình ga mini phun vào người… Tất cả những hình ảnh đó đều ám ảnh không nhỏ với nhiều người qua lại.
Rắn ở đây cũng nhiều vô kể. Vào mỗi buổi sáng, từng chiếc ô tô tải ùn ùn kéo đến với những thùng xe bịt kín chở đầy rắn, từ những loại rắn thông thường đến rắn hổ mang chúa nặng vài kilôgam.
Đặc biệt, nhóm ghi nhận có đến 10 gian hàng bày bán các loại rùa quý hiếm như Rùa ba gờ, Rùa răng, Rùa hộp lưng đen, Rùa núi vàng, Cua đinh với số lượng khoảng 200 cá thể, trong đó có cá thể rùa nặng tới 15 kilôgam, tất cả đều được nhốt chồng lên nhau trong một lồng sắt hoặc đậy kín trong những chiếc lu đựng nước. Đây đều là những loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IIB và những cá nhân, tổ chức săn bắn, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chúng đều có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm tù, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân) và từ 1 tỷ đồng tới 6 tỷ đồng (đối với pháp nhân) theo Điều 234 Bộ Luật Hình sự.
Ngoài ra tại chợ còn có kỳ đà, chồn, các loại chim lớn như đại bàng, giang sen,… với số lượng không thể đếm được trong khoảng 40 gian hàng bày bán liên quan đến động vật hoang dã ở chợ chim nổi tiếng nhất Việt Nam này. Chỉ ít ngày có mặt ở đây chúng tôi đã chứng kiến hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc mua bán, có những lô hàng lên đến trăm cá thể chim để tỏa đi các nơi, các nhà hàng trên khắp cả nước, có cả người từ Trung Quốc sang để tìm mua hàng…
Không chỉ cơ man các loại chim, rùa, khu vực chợ còn bày bán rất nhiều kỳ đà, chồn và các loại chim lớn như đại bàng, giang sen… Chỉ ít ngày có mặt ở đây, nhóm phóng viên chứng kiến hàng chục cuộc mua bán, có những lô hàng lên đến trăm cá thể chim, thậm chí có cả người từ Trung Quốc sang đặt mua.
…
Thị sát tại một số điểm “nóng” ở 3 địa phương, nhóm đã ghi nhận được rất nhiều hình ảnh, thông tin về các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tuy nhiên, khi liên hệ với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Đồng Tháp, Long An thì kết quả đều ngược lại. Vị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp cho biết: “Một số điểm mà phóng viên chia sẻ, anh em kiểm lâm đã đi kiểm tra nhưng không thấy gì. Kiểm lâm tỉnh đã lên kế hoạch kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh, khi có kết quả sẽ thông tin lại cho anh em”.
Tại Long An, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Long An gợi ý nhóm liên hệ với Hạt kiểm lâm sở tại, tuy nhiên, nhiều lần liên hệ với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa không được, nhóm đã phản ánh trực tiếp với lãnh đạo Cục Kiểm lâm. Khoảng 30 phút sau, tại khu vực chợ Thạnh Hóa, nhóm ghi nhận có 02 cán bộ kiểm lâm huyện Thạnh Hóa đi xe máy đến khu chợ rà soát nhưng chỉ hỏi han chốc lát rồi quay trở ra. Về phía các chủ hàng, dường như họ đã nhận được thông báo trước đó nên dọn dẹp hàng cấm rất khẩn trương. Tuy nhiên, ngay sau khi cán bộ kiểm lâm rời đi, các mặt hàng rùa, rắn, chim… lại được bày bán như thường, và cuộc gọi tiếp theo mà nhóm nhận được đến từ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An với thông báo: “Đã cho anh em kiểm tra nhưng không thấy gì cả”.
Trao đổi lại với Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa, nhóm được Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thạnh Hóa Nguyễn Văn Sung xác nhận: “Do anh em quen mặt nên họ biết, đến là họ cất hết, nếu mặc thường phục đến mà kiểm tra thì sợ họ đánh. Tôi sẽ cho anh em đến phối hợp với các anh đi kiểm tra lần nữa”. Tuy nhiên, nhóm đợi khoảng 30 phút cũng không thấy bất cứ lực lượng kiểm lâm nào đến, liên hệ lại thì vị Hạt trưởng nói: “Anh em về nấu cơm ăn ở trụ sở hết rồi”, dù khi trao đổi mới hơn 11h trưa.
Nhiều tiệm vàng công khai bán các sản phẩm từ ngà voi
Không chỉ ghi nhận tình trạng buôn bán động vật hoang dã sôi động tại các chợ vùng biên, nhóm phóng viên còn thị sát một số tiệm vàng, tiệm cầm đồ, tiệm bán đá phong thủy… tại một số tỉnh Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang và tất cả các chủ hàng đều khẳng định buôn bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi. Trong vai người mua hàng, phóng viên ghé vào tiệm vàng Đ.K 3 trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, chủ hàng chào giá một bức tượng phật làm bằng ngà voi với mức 25 triệu đồng kèm lời giới thiệu “là ngà thật, khách có thể mua để trang trí hoặc lấy may” . Ngoài ra, cửa hàng còn bày bán rất nhiều mặt tượng phật bằng ngà voi được khắc tinh xảo, bọc vàng… với giá trên dưới 10 triệu đồng. Cách đó không xa, hiệu cầm đồ S.S trên đường Hùng Vương, thành phố Mỹ Tho, địa điểm nằm cận kề trụ sở các cơ quan ban ngành của tỉnh Tiền Giang cũng bán rất nhiều vòng tay, nhẫn, thậm chí cả khúc ngà thô nếu khách có nhu cầu. Chủ hàng còn đem cả thước ngoàm ra đo cổ tay cho khách trước khi chào bán các sản phẩm vòng tay làm từ ngà voi. Tại thành phố Long Xuyên, An Giang; thành phố Rạch Giá, Kiên Giang và cả thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, không ít tiệm vàng, tiệm cầm đồ, tiệm bán đồ lưu niệm cũng khẳng định buôn bán các sản phẩm từ ngà với giá từ vài triệu tới vài chục triệu đồng. Các chủ hàng đều cho hay “tất cả đều là hàng thật, ngà thật, đây là hàng cấm, có giá trị nên buôn bán cẩn thận, chủ yếu hàng nhập về chứ không phải tự chế tác”. Riêng tại An Giang, sau khi ghi nhận tại một số điểm có dấu hiệu buôn bán hàng cấm, nhóm phóng viên đã thông báo cho Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh An Giang. Tuy nhiên, điệp khúc “chưa phát hiện đơn vị được phản ánh có hành vi tàng trữ vòng tay làm từ ngà voi như phản ánh” một lần nữa được lặp lại. Một số địa phương khác hiện vẫn đang trong quá trình điều tra và xác minh nội dung phản ánh. Được biết, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam trở lên sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 244, Bộ Luật Hình sự với mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm năm tù. Đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua, bán, chế biến ngà voi dưới 2 kilôgam không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng không đúng với nội dung hồ sơ, các đối tượng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 22 và Điều 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp với mức phạt tiền từ 180 triệu đồng đến 360 triệu đồng và/hoặc kèm hình thức xử phạt bổ sung. Văn Hoàng |
Nhóm phóng viên