Mê Công – Lan Thương: Đối tác bình đẳng hay sự ban phát?

BVR&MT – Các nước trong lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là những quốc gia ở hạ nguồn con sông dài thứ bảy châu Á, đang cần một chiến lược tập thể để đảm bảo tương lai khi mà Trung Quốc kiểm soát phần thượng lưu và những thay đổi liên tục trong địa chính trị toàn cầu.

Dòng sông 4.909 km chảy từ Tây Tạng ở Trung Quốc qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nhưng chỉ phần hạ nguồn được điều tiết bởi một thỏa thuận quốc tế và một tổ chức.

Đáng chú ý là cả sáu quốc gia trong lưu vực đều tận dụng nguồn lực từ Mê Công để thực hiện các dự án xây đập trên dòng chính và dòng nhánh, phát triển giao thông, thủy sản nhưng lại không có thủ tục/quy định rõ ràng cho tất cả các bên nhằm đảm bảo quản lý hợp lý môi trường và phân phối tài nguyên một cách công bằng.

Sự khác biệt và cả những tranh chấp xung quanh việc sử dụng, quản lý tài nguyên nước đôi khi vẫn xảy ra trong thập kỷ qua khi một số hoạt động gây ra các tác động xuyên biên giới trong tiểu vùng. Đặc biệt, việc xây dựng và vận hành thủy điện dòng chính sông Mê Công ở Trung Quốc và Lào gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước hạ nguồn. Các con đập tạo ra sự biến động của dòng nước, ngăn chặn các tuyến giao thông thủy và luồng di chuyển tự nhiên của cá.

Bốn quốc gia hạ nguồn gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã ký một hiệp định vào năm 1995 để thiết lập các quy định về sử dụng dòng sông và thành lập Ủy hội sông Mê Công (MRC) nhằm điều phối cũng như thực thi hiệp định.

Tuy nhiên, với tư cách là tổ chức liên chính phủ, MRC cũng đang chật vật để tác động đến quyết định của các quốc gia có chủ quyền đối với việc sử dụng nước. Trong đó, Lào – một thành viên của MRC – đã quyết định thúc đẩy xây dựng đập Xayaburi và Don Sahong ở dòng chính Mê Công cùng nhiều con đập khác đang trong quá trình triển khai như Pak Beng, Pak Lay.

Cơ chế chính của MRC theo Hiệp định 1995 là Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận  (PNPCA), tuy nhiên, PNPCA bị đánh giá là không hiệu quả trong việc gây ảnh hưởng đến quyết định của các thành viên dù về sau, Lào đã quyết định thiết kế lại dự án Xayaburi theo hướng thân thiện với môi trường hơn.

Mặc dù mức độ tin cậy của PNPCA không cao – bằng chứng là nhiều nhóm/tổ chức dân sự đề nghị tẩy chay phiên điều trần công khai gần đây về đập Pak Lay – tuy nhiên, các quan chức MRC cho rằng cơ chế này vẫn là phương thức duy nhất trong khu vực để xử lý sự khác biệt về các dự án phát triển.

MRC và bốn thành viên hiện đang phải đối mặt với một thách thức lớn về quản lý lưu vực sông Mê Công vì năm 2016, Trung Quốc đã tài trợ cho việc thành lập cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mê Công (LMC), gom cả sáu nước Mê Công vào chung một khuôn khổ.

Thẩm quyền của MRC và LMC khác nhau, song vẫn có một số lĩnh vực chồng chéo, đặc biệt là trong quản lý tài nguyên nước.

Đã có những lời kêu gọi trong vài năm qua về việc mở rộng MRC theo hướng bao gồm cả thượng nguồn lưu vực Mê Công bằng cách mời Trung Quốc và Myanmar trở thành thành viên đầy đủ. Tuy nhiên, cả hai nước vẫn giữ vai trò là “đối tác đối thoại” từ năm 1996. Thậm chí, cán cân ngày càng nghiêng về LMC khi Bắc Kinh rót ngày càng nhiều nguồn lực và kinh phí nhằm thúc đẩy hợp tác song phương với các nước hạ nguồn.

Dù vậy, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người giám sát LMC, đã phủ nhận ý kiến cho rằng MRC đang bị lu mờ và gợi ý hai tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Ngược lại, MRC cũng cố gắng quan hệ chặt chẽ hơn với Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước của LMC.

Lính Thái Lan đứng gác ở Đồn Ban Kaen Kai trên bờ sông Mê Công, đoạn ở biên giới Lào – Thái Lan (Ảnh: Reuters).

Giám đốc điều hành MRC Phạm Tuấn Phan tại buổi gặp các quan chức cấp cao Trung Quốc bên lề Diễn đàn hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mê Công lần đầu tiên vừa diễn ra tại Côn Minh – để thảo luận về sự hợp tác hơn nữa giữa hai tổ chức – nhấn mạnh: “Trung Quốc hoan nghênh lời kêu gọi của chúng tôi trong việc tăng cường hợp tác giữa Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Lan Thương-Mê Công và MRC vì lợi ích của toàn bộ lưu vực sông Mê Công. Chúng tôi sẽ cùng nhau xác định các lĩnh vực hợp tác quan trọng vì sự phát triển bền vững của Mê Công và người dân lưu vực”.

Ông Hứa Hưng Quân, Trưởng nhóm làm việc chung của Trung Quốc cho biết LMC đang nỗ lực tìm ra phương cách phù hợp để làm việc với MRC và một trong những lĩnh vực quan trọng cần hợp tác là chia sẻ dữ liệu dự báo lũ từ đập Cảnh Hồng.

Theo ông Phạm Tuấn Phan, việc chia sẻ dữ liệu thủy văn trong mùa khô sẽ mang lại lợi ích cho việc lập kế hoạch phát triển và quản lý hạn hán ở sông Mê Công.

Năm 2013, Trung Quốc và MRC đã gia hạn thỏa thuận năm 2002 về việc cung cấp thông tin thủy văn trên sông Mê Công.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc cung cấp dữ liệu mực nước trong năm tháng mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10, hai lần mỗi ngày, từ hai đập trên sông Mê Công ở Trung Quốc. Thông tin này được đưa vào hệ thống dự báo lũ của MRC.

Trung Quốc đóng góp 13,5% phần trăm dòng chảy của sông Mê Công, theo một tuyên bố của MRC.

MRC cho biết cần hợp tác nhiều hơn từ Trung Quốc và LMC để cập nhật các kế hoạch chiến lược về chiến lược phát triển thủy điện và lưu vực bền vững.

Tiến sĩ Phan cũng cho hay: “Không lúc nào tốt hơn bây giờ để Trung Quốc hợp tác với MRC vì lợi ích của hơn 70 triệu người trên toàn bộ lưu vực”.

Thật vậy, đề xuất hợp tác chặt chẽ hơn giữa MRC và LMC đã được nhấn mạnh rõ ràng trong hội nghị thượng đỉnh MRC tại Siem Reap vào tháng Tư năm nay.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã không nói rõ về thuật ngữ “hợp tác”, thực tế là nhiều quốc gia chủ yếu dựa vào Trung Quốc theo nhiều chương trình hợp tác tiểu vùng khác.

Hợp tác theo nghĩa này không dựa trên bình đẳng và có đi có lại mà Trung Quốc ở nhiều khía cạnh đóng vai trò của một nước ” tài trợ”.

Nhật Anh (Theo Straitstimes)

CHIA SẺ