Đập lớn sẽ không có tương lai

BVR&MT – Nghiên cứu của 5 tác giả đến từ Đại học Michigan, Hoa Kỳ vừa được công bố trên Tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ kết luận nhiều dự án thủy điện quy mô lớn ở châu Âu và Mỹ thực sự tai hại cho môi trường.

Hàng tá các con đập đang được tháo dỡ mỗi năm, trong đó nhiều đập bị coi là nguy hiểm và không kinh tế. Tuy nhiên, điều khiến các tác giả lo ngại là bản chất không bền vững của các dự án thủy điện chưa/không được các nước đang phát triển nhận biết. Đây cũng là lý do khiến hàng ngàn đập mới đang được lên kế hoạch trên các con sông ở châu Phi và châu Á.

Thủy điện hiện cung cấp 71% năng lượng tái tạo trên khắp thế giới và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhiều quốc gia nhưng các nhà nghiên cứu cho biết việc xây dựng các đập ở châu Âu và Mỹ đạt đỉnh vào những năm 1960 và giảm dần kể từ đó, thậm chí số đập đang bị tháo dỡ nhiều hơn xây mới. Các đập hiện được loại bỏ với tốc độ hơn một cái mỗi tuần ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Riêng với Mỹ, thủy điện chỉ còn cung cấp khoảng 6% lượng điện của cường quốc này.

Vấn đề ở đây là các chính phủ bị lóa mắt bởi viễn cảnh điện giá rẻ mà không tính đến phí tổn môi trường và xã hội đầy đủ của các công trình này.

Hơn 90% đập được xây dựng từ những năm 1930 đắt hơn dự tính, gây hại cho sinh thái sông, buộc di dời hàng triệu người và góp phần gây ra biến đổi khí hậu do đất và rừng bị ngập nước, phân hủy và làm phát thải khí nhà kính.h.

Đập thủy điện Tam Hiệp ở Trung Quốc (Ảnh: BBC)

Giáo sư Emilio Moran, người chấp bút cho báo cáo nghiên cứu, phê phán: “Họ vẽ ra một bức tranh đầy màu hồng về những lợi ích không thể đạt được, còn phí tổn thì bị bỏ qua và đẩy sang phía xã hội sau này”.

Báo cáo của ông trích dẫn ví dụ về hai con đập trên sông Madeira ở Brazil được hoàn thành chỉ năm năm trước và được dự đoán chỉ gây tác động nhỏ đến biến đổi khí hậu.

Ở các nước đang phát triển, ước tính có 3.700 con đập lớn nhỏ đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó nhiều dự án đập lớn có thể gây ra những thiệt hại không thể khắc phục và bù đắp được đối với các con sông lớn có khả năng bị xây đập.

Trên sông Congo, dự án Grand Inga dự kiến sẽ sản xuất hơn 1/3 tổng lượng điện hiện đang được tạo ra ở châu Phi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra mục tiêu chính cho dự án 80 tỷ đô la này là cung cấp điện cho ngành công nghiệp.

“Hơn 90% năng lượng từ dự án này sẽ được truyền tải đến Nam Phi để phục vụ khai mỏ và người dân Congo sẽ không được hưởng nguồn năng lượng đó. Những người mà tôi nghiên cứu ở Brazil, đường dây điện chạy qua đầu họ và đi đến nơi cách đó 4.000km mà không có chút năng lượng nào thuộc về họ. Mục tiêu tốt đẹp của điện khí hóa nông thôn đã hoàn toàn bị phá vỡ bởi lợi ích nhóm đang thúc đẩy công nghệ này và các chính phủ đang sẵn lòng bị thuyết phục rằng đây là con đường cần đi”, Giáo sư Moran phát biểu.

Báo cáo cũng chỉ ra việc xây đập lớn trên các con sông lớn sẽ phá hủy các nguồn thực phẩm, đơn cử như 60 triệu người sống dựa vào nguồn thủy sản dọc theo sông Mê Công có khả năng bị ảnh hưởng sinh kế trị giá tới hơn 2 tỷ đô la. Các tác giả cũng tin rằng các con đập sẽ hủy diệt hàng ngàn loài trong các điểm nóng đa dạng sinh học của thế giới.

Tại Brazil, 67% điện năng là từ thủy điện, tuy nhiên, phản ứng của nước này trước tình trạng nguồn nước giảm do biến đổi khí hậu là xây dựng nhiều đập hơn. Và với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của ông Jair Bolsonaro thì việc tạm dừng xây dựng các dự án thủy điện mới có thể sẽ được đảo ngược và kế hoạch xây dựng 60 đập mới đã sẵn sàng.

Các tác giả khuyến nghị với áp lực rất lớn trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, các quốc gia cần kết hợp phát triển các nguồn năng lượng, bao gồm thủy điện, là cách tiếp cận bền vững nhất.

“Thủy điện quy mô lớn không có tương lai, đó là kết luận thẳng thừng của chúng tôi. Để giữ cho thủy điện là một phần tổng hòa của thế kỷ 21, chúng ta nên kết hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Nên đầu tư nhiều hơn vào năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và thủy điện khi thích hợp, miễn là chúng ta tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, thực sự minh bạch về chi phí và lợi ích”, Giáo sư Moran kết luận.

Nhật Anh (Theo BBC)

CHIA SẺ