BVR&MT – Hơn ba tháng kể từ khi xảy ra thảm họa, các câu trả lời cụ thể vẫn bị thoái thác và những lùm xùm về tình trạng quản lý kém, tham nhũng hay nỗ lực cứu trợ mang tính chữa cháy vẫn tiếp tục dấy lên.
Vụ vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy đã đẩy hàng ngàn người dân thuộc tỉnh Attapeu ở phía nam Lào phải di dời chỗ ở và khiến ít nhất 43 người chết, 28 người mất tích, thậm chí có báo cáo cho hay số người chết lên tới ít nhất 800 người.
Tờ báo độc lập của Hàn Quốc mang tên The Hankyoreh mới đây tiết lộ Tập đoàn xây dựng SK Engineering & Construction (SK E&C) “đã cố gắng kiếm mức lợi nhuận quá đà với những thay đổi về kết cấu và thiết kế” và điều này đã góp phần khiến con đập bị sụp đổ.
Hankyoreh trích dẫn các tài liệu nội bộ của SK E&C được lấy từ nhà lập pháp Kim Kyung-hyup thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền. Tài liệu cho thấy vì chi phí bị cắt giảm khoảng 19 triệu USD nên “chiều cao của con đập bị sập và các đập phụ khác do SK E&C thực hiện trung bình thấp hơn 6,5m so với sơ đồ thiết kế cơ sở trong tài liệu”.
Bài báo cũng chỉ ra “dự án không chỉ đơn thuần là một nỗ lực kiếm lợi nhuận riêng mà còn nhận được nguồn vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc”, đồng thời cáo buộc “việc hỗ trợ doanh nghiệp mà không cần đến sự xem xét ngân sách từ Quốc hội cho thấy Chính phủ đã hành động vô trách nhiệm để cung cấp lợi nhuận cho SK E&C”.
Nhận định về nguyên nhân thảm họa, ông Kim Kyung-hyup khẳng định vụ vỡ đập là “nhân tai toàn diện” xuất phát từ tham vọng nhuận quá mức của SK E&C bằng cách thay đổi thiết kế, mặt khác, do chính phủ đã bỏ qua thủ tục giải ngân khoản vay”.
Trả lời tờ Asia Times trước những cáo buộc của ông Kim, phát ngôn viên của SK E&C cho hay Công ty sẽ chờ kết quả điều tra của Chính phủ Lào trước khi đưa ra bình luận. Được biết, bài báo của Asia Times mô tả những nỗ lực cứu trợ của SK E&C sau thảm họa là “năng động” bao gồm việc triển khai nhân viên cứu hộ, xây nhà ở tạm thời và chi ra 10 triệu USD tiền cứu trợ.
Không chỉ SK E&C, Chính phủ Lào cũng bị chỉ trích từ nhiều phía. Các nhóm xã hội dân sự đặt câu hỏi về số lượng người chết vênh nhau quá lớn và e ngại liệu có sự che giấu nào đó, còn các nhóm môi trường thì bày tỏ mối quan tâm về những nguy hiểm hiển hiện của việc Chính phủ Lào quyết tâm theo đuổi thủy điện một cách khinh suất. Ngoài ra, Chính phủ cũng bị lên án trước những nỗ lực viện trợ vẫn còn tiếp diễn cho hàng ngàn người dân mất chỗ ở, hầu hết họ vẫn đang sống trong năm trại tạm sau khi mất hết nhà cửa, sinh kế và tài sản.
Đáng chú ý là ngay trong việc xây nhà cho cho các nạn nhân vô gia cư cũng có lùm xùm. Leth Xaiyaphone, Tỉnh trưởng Attapeu, khi trả lời phỏng vấn một đơn vị truyền thông, đã nói rằng 228 ngôi nhà sẽ được nhập khẩu từ Thái Lan với chi phí 8.217USD/nhà và chi phí ước tính để giải phóng mặt bằng cho việc xây nhà sẽ là 3.287 USD/ha.
Tuy nhiên, ngay sau phát biểu này, một quan chức khác của Lào lại tuyên bố các nhà thầu địa phương có thể xây nhà chỉ với 5.283 USD/ngôi nhà và “chi phí thực tế giải phóng mặt bằng để xây nhà kiên cố chỉ là 5 triệu kíp (584 USD)/ha chứ không phải 28 triệu kíp như trong quyết định của tỉnh trưởng”.
Đáp lại thông tin mâu thuẫn này, Tỉnh trưởng Xaiyaphone đã thay đổi ước tính ban đầu của mình với lời đính chính “họ nói rằng chi phí giải phóng mặt bằng tại huyện Sanamxay là 28 triệu kíp/ha nhưng thực tế sẽ ít hơn, và mặc dù có những thông tin cho rằng mỗi ngôi nhà hiện đại sẽ tốn 70 triệu kíp nhưng đó là tin tức vô căn cứ bởi chúng tôi sẽ nhập rất nhiều ngôi nhà với chi phí rẻ hơn”.
Trong vô số các bài báo và báo cáo liên quan, đáng chú hơn cả là một tờ báo tiếng Anh của Thái Lan và một tổ chức phát triển lớn của khu vực với những bình luận bày tỏ sự lo ngại về trách nhiệm giải trình cùng mối nguy ngày càng tăng cho toàn khu vực ASEAN.
Trong một bài xã luận gần đây có tựa đề “Nguyên nhân của thảm họa vỡ đập ở Lào vẫn còn là điều bí ẩn”, tờ The Nation cũng châm biếm cuộc điều tra đang diễn ra của Chính phủ Lào là “cho đến nay vẫn chưa đưa ra được thông tin nào đáng kể”, và mặc dù “không có thông tin nào về tiến độ được công bố nhưng có sự lo ngại ngày càng tăng về sự thiếu minh bạch và không thể nêu tên những người chịu trách nhiệm. Hơn nữa, thế giới bên ngoài cần biết về tiến trình của cuộc điều tra vì dự án Xe-Pian Xe-Namnoy do các công ty Hàn Quốc và Thái Lan cùng thực hiện”.
Bài xã luận cũng lưu ý sự cố vỡ đập không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng tại Lào mà còn làm ngập lụt các khu vực cư trú xa xôi ở phía hạ lưu như tỉnh Stung Treng của Campuchia, đồng thời khơi gợi nhiều dấu hỏi về lợi ích của Thái Lan và Hàn Quốc trong phi vụ xây đập này: “Trong khi con đập tương đối nhỏ với công suất lắp đặt chỉ 410MW, điện sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu sang Thái Lan và là nền tảng trong tầm nhìn “cục pin châu Á” của Lào”.
The Nation nhấn mạnh “các nhà phát triển nước ngoài chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập bằng cách rót thêm hàng triệu đô la hỗ trợ cho các nạn nhân ở huyện Samanxay” nhưng “như thế không thể đủ để bù đắp cho hàng ngàn người bị mất người thân và trở thành vô gia cư. Tất cả các bên liên quan cần phải xem xét bức tranh lớn hơn về chiến lược phát triển và quản lý thiên tai vì lợi ích của người dân toàn khu vực”.
Trong một báo cáo công bố gần đây, Quỹ Châu Á lặp lại các nhận xét trên và tái khẳng định vụ vỡ đập là “một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro môi trường và an toàn tiềm ẩn từ sự phát triển cơ sở hạ tầng. Chất lượng của cơ sở hạ tầng hiện đang được xây dựng sẽ có tác động lâu dài đến khu vực theo hướng tốt hơn hoặc tồi tệ hơn trong nhiều thập kỷ tới khi các chính phủ có nghĩa vụ duy trì và vận hành các cấu trúc mới”.
Nhật Anh (Theo Aecnewstoday.com)