Châu Á cần chú trọng đánh giá rủi ro về nước

BVR&MT – Châu Á không có đủ nước để phục vụ cho nền kinh tế, sản xuất lương thực và năng lượng, trừ phi các nước xem xét lại một cách triệt để mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hiện tại. Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới công bố của China Water Risk (CWR) – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông.

Theo CWR, trung tâm của cuộc khủng hoảng nước này là 10 con sông chính của châu Á bắt nguồn từ vùng Hindu Kush Himalaya (HKH) – nơi cung cấp nguồn nước thiết yếu cho Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á.

“Amu Darya, Brahmaputra, sông Hằng, sông Ấn, Irrawaddy, Mê Kông, Salween, Tarim, Dương Tử và Hoàng Hà là những cái nôi của nền văn minh lục địa. Phần lớn dân cư và kinh tế châu Á tụ hợp ở đó. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu hiện đã bộc lộ rõ rệt, đe dọa đến lưu vực thượng lưu chung – Hindu Kush Himalaya.

Dòng chảy của 10 con sông lớn cung cấp nước cho 16 quốc gia này có thể bị ảnh hưởng. Cứ 2,5 người châu Á thì có một người sống dọc theo những con sông này và có hơn 4 nghìn tỷ USD được tạo ra trong 10 lưu vực sông nói trên nhưng có rất ít cuộc đối thoại về các mối đe dọa đối với Tháp nước Châu Á cũng như rủi ro về nước và khí hậu mà các con sông phải đối mặt.

Báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư nghiêm túc “đánh giá rủi ro về nước và khí hậu đối với tài sản nằm dọc theo các con sông, đồng thời cân nhắc lại mô hình phát triển bằng cách kết hợp hoạch định kinh tế với quản lý nước”. Mục tiêu của CWR là đưa thông điệp này tới giới kinh doanh và đầu tư.

CWR đã đổ nhiều công sức để vận động các chính phủ và các công ty tích hợp rủi ro nước vào việc ra quyết định liên quan đến tài chính. Trước đây, CWR đã hợp tác với HSBC để tìm hiểu rủi ro về nước trong ngành điện ở Trung Quốc và Ấn Độ. Với báo cáo này, đơn vị hợp tác với Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, sử dụng dữ liệu đầu vào từ Trung tâm Quốc tế về Phát triển hội nhập miền núi (ICIMOD).

Hồ được hình thành ở đáy sông băng Dagu khi nhiệt độ tăng lên ở phía đông nam Cao nguyên Tây Tạng.

Xem xét lại mô hình phát triển của châu Á

CWR đưa ra một trường hợp cần hành động khẩn cấp như: mô hình tăng trưởng hiện tại dựa vào xuất khẩu và cần nhiều nước là không bền vững, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan – nơi lượng nước bình quân đầu người thấp. Điều này khiến các chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm ra những sáng kiến giúp thúc đẩy GDP với việc sử dụng ít nước hơn và ít ô nhiễm hơn. Muốn vậy, CWR cho rằng cần chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế dịch vụ (tại một khu vực mà ngành nông nghiệp chiếm 82% lượng nước sử dụng), giải quyết ô nhiễm và rút ra khỏi các ngành công nghiệp cần nhiều nước, thay đổi giống cây trồng và nâng cao hiệu quả.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy thương mại cũng có thể được sử dụng. Châu Âu sử dụng ít nước hơn Mỹ vì chủ yếu “nhập khẩu” nước từ các quốc gia khác. Các nước châu Á có rất nhiều thứ để học ở đây. Đơn cử, cuộc khủng hoảng nước đang đe dọa Pakistan – nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm do xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì, gạo và bông.

Các dòng sông ưu tiên

Báo cáo xác định bốn “con sông ưu tiên” gồm sông Hằng, sông Ấn, Dương Tử và Hoàng Hà. Những con sông này không chỉ sở hữu các nền kinh tế lớn nhất với tổng GDP ước tính 3,8 nghìn tỷ USD mà còn là nơi cư trú của 1,5 tỷ người.

Cả bốn “con sông ưu tiên” đều dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu với sông băng và tuyết tan đóng góp từ trên 20% đến 80% dòng chảy ở thượng nguồn các con sông này. Đáng lo ngại hơn, các dự báo cho thấy toàn bộ lưu vực sông Hằng và sông Ấn có thể sẽ chứng kiến sự suy giảm dòng chảy vào năm 2055.

Sử dụng các mô hình từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, báo cáo ước tính nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng – với mức gấp đôi ở 6/10 lưu vực – trong khi tuyết rơi sẽ tiếp tục giảm. Tổn thất trong tương lai có thể tăng hơn gấp đôi đối với sông Ấn, sông Tarim và sông Hằng. Dòng chảy sông sẽ chịu tác động hỗn hợp, nổi bật là 4 con sông giảm lưu lượng. Những dự báo này giả thiết sự nóng lên toàn cầu chỉ hạn chế ở mức tăng 2°C.

Hiệu ứng lan tỏa có thể xảy ra với lớp băng vĩnh cửu tan chảy, gió mùa và hệ thống thời tiết trên phạm vi rộng hơn, tình trạng suy thoái các hệ sinh thái trọng yếu, cạn kiệt nước ngầm và sản xuất lương thực vẫn còn bất định.

Sự đô thị hóa ngày càng tăng cũng tạo thêm áp lực đối với tài nguyên nước khi người dân đổ xô đến hơn 280 thành phố lớn nằm trong 10 lưu vực sông. Biến đổi khí hậu sẽ hiển hiện nhiều hơn dưới các dạng thức như thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt và hạn hán. Bản chất xuyên biên giới của các con sông này làm tăng độ phức tạp để giải quyết những vấn đề này.

“Ấn Độ và Trung Quốc, những nước ở thượng nguồn, phải nhìn xa hơn các lợi ích quốc gia để bảo vệ nguồn nước chung và đi đầu trong cả hợp tác kinh tế xuyên biên giới và khu vực,” báo cáo kết luận.

Sự phơi bày mang tính hệ thống đang gia tăng ở cấp lưu vực cũng có nghĩa là “các ngân hàng cuối cùng sẽ phải đánh giá lại chính sách tín dụng về yếu tố rủi ro môi trường từ góc độ lưu vực”.

Khoảng trống dữ liệu

Thách thức lớn nhất khi viết báo cáo, theo nhóm nghiên cứu CWR, là thiếu dữ liệu và sự bất định của các mô hình khí hậu hiện tại. Nhóm ước tính tổng trữ lượng băng cung cấp lưu lượng cho lưu vực HKH là 7.574 km3 – theo dữ liệu từ ICIMOD và Kiểm kê dự trữ băng hà quốc gia lần thứ hai của Trung Quốc.

Sự tích tụ băng lớn nhất bên ngoài hai cực thường được gọi là Tháp nước châu Á. Từ năm 1970 đến năm 2000, Trung Quốc đã mất các khu vực băng hà lớn hơn diện tích đất liền của Thái Lan. Bước đầu tiên, CWR đề nghị sẽ lấp đầy những khoảng trống trong dữ liệu, giám sát và nghiên cứu đa ngành.

Làm thế nào để lấp đầy khoảng cách tài chính?

Mặc dù biến đổi khí hậu trong khu vực đã rõ ràng – từ tuyết không rơi vào mùa đông đến khô cạn sông suối và các vùng đất ngập nước – nhưng hiện vẫn chưa có những đánh giá cụ thể về tác động và lỗ hổng tài chính lớn cho cả thích ứng và giảm thiểu.

Vẫn không có con số có sẵn nào cho toàn cầu hoặc cho khu vực HKH về số tiền chúng ta cần phải chi để đảm bảo an ninh nguồn nước trong tương lai khi khí hậu thay đổi. Đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ADB ước tính chi phí thích ứng hàng năm tối thiểu là 40 tỷ USD. Tuy nhiên, những chi phí này có thể lớn hơn: nếu tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, chi tiêu cho nước và vệ sinh sẽ tăng lên tới 802 tỷ USD cho khu vực HKH vào năm 2030, theo ước tính của CWR.

Hiện nay, các tổ chức phát triển toàn cầu và khu vực đóng vai trò chủ đạo trong tài chính khí hậu đa phương cho khu vực. Tuy nhiên, riêng tài chính công là không đủ.

Ấn Độ và Trung Quốc phải đi đầu trong việc phát triển các chiến lược tài chính mới, hướng trực tiếp dòng vốn vào xây dựng khả năng phục hồi và tăng trưởng ít cần đến nước.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục hồi, hành động để thích ứng và giảm thiểu không chỉ là chi phí, như báo cáo chỉ ra, mà có thể tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm. Ví dụ, số lượng việc làm trong phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc đã vượt qua khai thác than.

CWR tin rằng những nỗ lực của Trung Quốc với việc phát hành trái phiếu xanh và quan hệ đối tác công-tư (PPP) để khơi dòng tài chính tư nhân là một khởi đầu. Và các sáng kiến tập trung vào khu vực như Sáng kiến Vành đai và Con đường, AIIB (Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á), cũng có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính.

Hãy cẩn trọng với mô hình Trung Quốc

Trung Quốc được nêu ra như ví dụ về một quốc gia đã tích hợp thành công hoạch định kinh tế với quản lý tài nguyên nước. Nước này áp đặt hạn mức về nước vào năm 2011, thể hiện qua giới hạn tăng trưởng GDP 5,7% trong giai đoạn từ 2020 đến 2030. Gần đây, Trung Quốc bắt đầu chuyển đổi các ngành công nghiệp cần nhiều nước và gây ô nhiễm sang kinh tế tuần hoàn, dịch chuyển từ nền kinh tế xuất khẩu sang nền kinh tế dịch vụ và thúc đẩy Sáng kiến đầy tham vọng mang tên Vành đai và Con đường.

Mặc dù chính sách xanh của Trung Quốc là đáng khen, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa lời nói và thực tế. Thách thức thực sự đến trong việc thực hiện các chính sách để quản lý nước tốt hơn tại một đất nước với diện tích mênh mông. Dù vậy, CWR không nhắc gì đến những thách thức này.

Cuộc tranh luận về việc Trung Quốc có kiểm soát được cuộc khủng hoảng nước hay không diễn ra gay gắt. Mặc dù có những tiến bộ nhất định, song chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục rót tiền vào công nghiệp nặng và quản lý nước theo nhu cầu thông qua các chương trình chuyển nước quy mô lớn hơn là cải thiện hiệu quả hoặc nâng cấp những ngành công nghiệp cần nhiều nước. Chính sách “kinh tế tuần hoàn” là một tham vọng đáng biểu dương, nhưng các khu công nghiệp thí điểm bắt nhịp rất chậm chạp.

Còn phải xem liệu Sáng kiến Vành đai và Con đường mang dấu ấn của chủ tịch Tập Cận Bình – xây dựng mạng lưới đường sắt, đường bộ, cảng biển và các đặc khu kinh tế trên khắp thế giới – có giúp châu Á tiến tới một mô hình phát triển bền vững hơn như đã hứa hẹn hay không. Nhưng có những lo ngại ngày càng tăng rằng sáng kiến này chỉ đơn giản là cung cấp thêm đầu ra cho Trung Quốc để xuất khẩu các ngành công nghiệp ô nhiễm và cần nhiều nước mà thôi.

Trong khi nền kinh tế nội địa của Trung Quốc bắt đầu chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, các ngân hàng của nước này tiếp tục đầu tư mạnh vào các dự án điện than ở nước ngoài và các công ty cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là ở Pakistan và Bangladesh. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và cần nhiều nước, từ xi măng đến dệt may, cũng đang chuyển dịch sang các khu vực khác của châu Á, những nơi không yêu cầu khắt khe về môi trường và giá nhân công rẻ hơn.

Nếu các quốc gia Vành đai và Con đường áp dụng cách tiếp cận “tăng trưởng là trên hết” để phát triển thì những rủi ro được nêu bật trong báo cáo này sẽ xảy ra sớm hơn dự kiến.

Hãy hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư sẽ lắng nghe.

Nhật Anh (Theo Thethirdpole.net)

Tags: ,
CHIA SẺ