BVR&MT – Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2017, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện trong cả nước lên tới 12,2 triệu tấn, trong khi chỉ mới xử lý được 4 triệu tấn, nên lượng tồn kho hiện lên đến 25,2 triệu tấn.
Đặc biệt, căn cứ vào Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh đến năm 2030, sẽ có 46 nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 41.500 MW.
Do đó trong vài năm tới, nếu không có giải pháp giải quyết đồng bộ, nguy cơ lượng tro, xỉ gia tăng tới mức không còn chỗ để chứa.
Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Phạm Trọng Thực phân tích nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Trung bình để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9-1,5 kg tro, xỉ.
Như vậy lượng tro, xỉ phát sinh hàng năm từ 23 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành thải ra khoảng 12,2 triệu tấn. Trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%).
Vì vậy, cần phải đánh giá chính xác về nguy cơ này để có một chính sách toàn diện, hiệu quả cho việc quản lý, vận chuyển và xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện.
Dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã có chủ trương sử dụng tro, xỉ để sản xuất xi măng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng lượng tro, xỉ ngày càng tăng nhanh vì quá trình sản xuất còn nhiều vướng mắc và sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ.
Nguyên nhân trước hết là đa số người dân và doanh nghiệp xây dựng chưa tin tưởng vào chất lượng gạch không nung từ tro, xỉ.
Mặt khác, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa tro bay và bụi lò hơi có dầu từ các nhà máy nhiệt điện than vào danh mục chất thải nguy hại. Quy định này làm các nhà máy phải tốn kém kinh phí phân tích thành phần tro, xỉ.
Đồng thời hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu, trong khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chưa phù hợp với thực tế cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ hiện nay.
Chẳng hạn như tại Công ty Nhiệt điện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, trung bình mỗi năm Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê thải ra khoảng 650.000 tấn tro, xỉ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 17% lượng tro, xỉ của nhà máy này được sử dụng sản xuất vật liệu không nung và làm phụ gia xi măng.
Hiện tại, nhiều địa phương có nhu cầu san lấp mặt bằng rất lớn, trong khi đất, đá, nhất là cát ngày càng khan hiếm nên các Bộ, ngành chức năng cần sớm có quy định tiêu chuẩn về việc dùng tro, xỉ nhiệt điện để làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Bạch Đình Thiên, Viện Nghiên cứu ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới khẳng định, nếu xử lý tốt tro, xỉ, hàng năm nước ta có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản, hàng trăm hécta làm bãi chứa và đặc biệt là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ nhà máy nhiệt điện than, đảm bảo cho phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình vốn nhà nước, có hiệu lực thi hành từ 1/2/2018.
Cụ thể là các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.
Đối với các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và vùng Đông Nam Bộ, các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%…
Đặc biệt ngày 7/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ bàn giải pháp xử lý, chế biến tro, xỉ và tháo gỡ khó khăn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình quản lý, sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ.