BVR&MT – Xuất khẩu gạo của Việt Nam từng đứng hàng đầu thế giới nhưng khi chậm một nhịp về thông tin thị trường và chuyển đổi sản xuất lúa hàng hóa nên sụt giảm mạnh về giá trị. Ngược lại, ngành hàng trái cây lại kết hợp được thông tin thị trường từ quá trình đàm phán để đưa nhanh vào sản xuất nên đã có bước nhảy vọt trong giá trị xuất khẩu.
Ngành hàng lúa gạo là một trong những ngành lâu đời nhất của Việt Nam và cho đến nay vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện dân số tăng, đất nông nghiệp giảm do công nghiệp hóa, đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu.
Có thể nói, lúa gạo là một trong những lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu rực rỡ của ngành nông nghiệp khi từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã vươn lên tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo với sản lượng từ 7 – 8 triệu tấn mỗi năm. Hiện nay, hạt gạo của Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 150 nước trên thế giới, trong đó thị trường chính là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Bờ Biển Ngà… Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, sản xuất lúa gạo đang bộc lộ nhiều bất cập và dần đánh mất đi vị thế.
Ngay từ năm 2016, sản xuất lúa giảm mạnh cả về năng suất, diện tích và sản lượng xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng kéo dài đến 2 tháng đầu năm 2017, khi đó xuất khẩu gạo giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN&PTNT (IPSARD) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngành lúa gạo cần có sự đột phá thay đổi phương thức sản xuất. Đó là thay vì chạy theo số lượng, các địa phương nên tập trung nâng cao chất lượng. “Quy mô sản xuất có thể nhỏ lại nhưng chất lượng phải tăng lên. Lượng gạo xuất khẩu có thể giảm nhưng giá trị, hiệu quả và thu nhập của người trồng lúa phải được nâng cao thì sản xuất lúa gạo mới thực sự bền vững”, TS Đặng Kim Sơn chia sẻ.
Không chỉ riêng ngành hàng lúa gạo, tất cả các sản phẩm nông, lâm thủy sản của Việt Nam hiện nay đang gặp phải vướng mắc về vấn đề xử lý thị trường, tháo gỡ đầu ra cho sản xuất. Điều cần thiết là phải tổ chức một lực lượng nghiên cứu thị trường và xây dựng đội ngũ nghiên cứu về thông tin, xúc tiến thương mại bài bản…
“Tôi cho rằng, khâu quan trọng nhất gắn liền với phát triển thị trường là phải xây dựng bằng được chuỗi giá trị ngành hàng, nếu muốn có thương hiệu quốc gia phải bắt đầu từ việc xây dựng các chuỗi giá trị quốc gia. Chuỗi này quy mô từ vùng, tỉnh tới toàn quốc và toàn cầu. Trong một chuỗi có đại diện tất cả thành viên tham gia từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhất là nông dân. Phải có cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn thích ứng và khoa học công nghệ, vốn liếng kèm theo”, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Thực tế như câu chuyện từ xuất khẩu của ngành hàng trái cây, trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu trái cây liên tục lập kỳ tích về nhiều mặt, cả tốc độ tăng trưởng, kim ngạch và mở rộng thị trường, nhất là những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng…
Đặc biệt, năm 2017 xuất khẩu trái cây đã đạt hơn 3,5 tỷ USD, vượt xa so với mặt hàng gạo (ước tính 2,6 tỷ USD). The ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng rất tự hào khi xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu và đã vượt lúa gạo, dầu khí. Theo ông Đạt kết quả này có được là do cả quá trình chuyển đổi sản xuất thích ứng với các tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính. Cùng với đó việc đàm phán mở cửa các thị trường cũng diễn ra thường xuyên liên tục nên thông tin về thị trường cũng liền mạch.
“Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, các DN bên cạnh việc nâng cao chất lượng rau quả, an toàn thực phẩm thì cần phải chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và xuất khẩu được giá trị hàng hóa cao hơn.nhiều loại trái cây của Việt Nam đã được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… chấp nhận”, ông Đạt cho biết.
Trong cuộc trao đổi gần đây với Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận hạt nhân quan trọng của chuỗi giá trị sản xuất nông sản là các doanh nghiệp (DN).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Hiện nay đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, một trong những việc quan trọng của tái cơ cấu đó là phải hoàn thành được chuỗi sản xuất khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, công tác thị trường. Trong chuỗi này xác định DN là hạt nhân quan trọng, đó là hạt nhân liên kết thị trường với các HTX và với nông dân, chính vì vậy những chính sách phối hợp với DN được coi là nhiệm vụ quan trọng”.
Năm 2017 ngành nông nghiệp có một tín hiệu rất vui đó là năm đầu tiên sau nhiều năm, số DN tập trung vào khu vực nông nghiệp rất nhiều. Đến cuối năm có 1995 DN đã đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như TH Truemilk, Vingroup. Massan.. .
“Tuy nhiên để giữ chân DN và tạo dựng lòng tin thì trước hết phải tập trung cải cách hành chính để DN yên tâm vào ngành. Cùng với đó phải phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của DN chính là khó khăn của ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các Bộ và các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho DN. Cùng với đó, phải xác định đồng hành với DN, người ta khó cái gì phải cùng gỡ, nhất là vấn đề thị trường. Không chỉ riêng Bộ Công thương mà kể cả Bộ NN&PTNT phải tập trung cùng DN thực hiện chủ trương của Chính phủ để tháo gỡ vấn đề thị trường”, Bộ trưởng Cường nhìn nhận.
Sản xuất nông nghiệp đang chuyển mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa đòi hỏi việc điều hành cần có một tư duy mới, thoát khỏi thói quen của nền kinh tế kế hoạch mà phải sát với kinh tế thị trường. Có như vậy việc bảo vệ, làm giàu tài nguyên mới đi đôi với phát triển hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường được.