BVR&MT – Những năm qua, việc đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học kĩ thuật (KHKT) đã giúp nghề trồng na trên địa bàn thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng phát huy được giá trị kinh tế, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nhiều hội viên phụ nữ làm giàu trên chính quê hương mình.
Thị trấn Ba sao là vùng trồng na lớn nhất ở huyện Kim Bảng. Nơi đây, có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng giúp cây na phát triển tốt, cho ra trái chất lượng cao, vị ngọt thanh tự nhiên. Những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả của cây trồng, nhiều hộ trồng na đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, điều chỉnh rải vụ, ngắt lá tỉa cành, thụ phấn theo kỹ thuật mới cho cây na, để có thể thu hoạch 2 vụ/năm (1 vụ chính, 1 trái vụ). Đặc biệt, vào mùa na trái vụ đang cho thấy những ưu điểm vượt trội như: dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ, khắc phục được tình trạng “mất mùa được giá”.
Đến thăm vườn na của chị Nguyễn Thanh Duyên tại tổ 7, thị trấn Ba Sao, rộng 2,5ha với 1.800 gốc na đang trong thời gian đậu quả, được chị chia sẻ: Gia đình tôi gắn bó với nghề trồng na tới nay đã được 22 năm. Trước đây khi chưa áp dụng KHKT, mỗi năm cây na chỉ cho ra 1 vụ, năng suất, chất lượng thấp. Song song với đó, tôi cũng gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Năm 2012, sau lần đi tham quan mô hình trồng na được áp dụng KHKT ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn và tìm hiểu thêm thông tin từ nhiều kênh khác nhau tôi áp dụng kỹ thuật trồng na mới ngay trên chính vườn na của mình.
Áp dụng phương pháp trồng na rải vụ, mỗi năm chị cho na ra quả 2 vụ gồm vụ chính vào khoảng tháng 6 – 7 âm lịch, trái vụ từ tháng 10 – 11 âm lịch. Vào thời điểm na chính vụ vườn na của chị Duyên cho thu hoạch từ 15 – 17 tấn, na trái vụ cho ra từ 5 – 6 tấn. Do sản lượng ít nên na trái vụ tiêu thụ nhanh, giá bán cao gấp đôi so với na chính vụ. Giá bán na ra ngoài thị trường giao động từ 20 – 50 nghìn đồng/kg, sau khi trừ mọi khoản chi phí gia đình chị Duyên lãi khoảng 300 triệu đồng.
Rời nhà chị Duyên, chúng tôi tới thăm gia đình chị Lê Thị Hoa, cũng là một trong những hội viên có kinh nghiệm trồng na ở tổ 5, thị trấn Ba Sao. Chị Hoa cho biết: Năm 2014, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây na, gia đình tôi đã đầu tư trồng hơn 800 gốc na dai. Khi mới bắt đầu, tôi vẫn trồng theo phương pháp truyền thống, không tỉa cành, cứ để cây na mọc tự nhiên, vì thế, na không đậu nhiều trái, cây na cứ cao vống lên, năng suất thấp, sản lượng kém, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2016, chị Hoa bắt đầu tìm hiểu và áp dụng KHKT cải tạo lại đất, bổ sung thêm phân hữu cơ, phân lân. Sau đó chị bắt đầu đốn tỉa cành, tạo tán cho cây với mục đích nâng cao năng suất cho cây na. Để có thể trồng na rải vụ, cành cây yêu cầu phải già, tán phải tương đối thưa để nắng có thể lọt vào làm đâm chồi trên thân cây. Tận dụng đặc tính tái sinh của cây na, chị Hoa đã cắt chồi cũ để cây mọc ra những chồi mới có hoa, sau đó thụ phấn cho hoa để tạo thành quả na vụ muộn. Đối với na trái vụ, nếu chăm sóc tốt sẽ cho chất lượng quả ngon, ngọt vị, có mùi thơm đặc trưng. Nếu chính vụ cây na cho năng suất khoảng 15kg – 17kg /cây thì nghịch vụ chỉ cho ra khoảng 7 – 10kg/cây. Tuy nhiên, quả trái vụ hầu như đều mọc ở thân cây nên cho kích thước to và bán được giá hơn so với quả chính vụ. Sau mỗi vụ na gia đình chị Hoa thu hoạch được khoảng 16 – 17 tấn quả, đem lại cho gia đình nguồn thu nhập khoảng 170 triệu đồng/năm.
Bà Trần Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ba Sao cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có khoảng 500 hội viên phụ nữ trồng na, đây được xem là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo của địa phương. Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng KHKT vào trồng na nên nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn thị trấn Ba Sao đã có nguồn thu nhập ổn định từ 100 – 300 triệu đồng/năm. Thời gian tới, thị trấn Ba Sao sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các hội viên mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng hiệu quả KHKT, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả sản xuất hướng tới sự phát triển bền vững cho cây na.