TP.HCM sẽ không còn vườn chuyên canh rau trong nội đô từ 2030

BVR&MT – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết: Đến năm 2030, toàn bộ diện tích canh tác rau an toàn trong các quận trung tâm buộc phải di dời ra ngoại thành hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với quy hoạch của TP.HCM.

Hiện diện tích canh tác rau TP.HCM còn khoảng 3.500 ha, tương ứng với diện tích gieo trồng đạt 21.750 ha, sản lượng đạt 627.000 tấn, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, TP. Thủ Đức và Quận 12.

Ủy ban nhân dân TP.HCM đưa ra lộ trình dịch chuyển đối với các vùng canh tác rau để hiện thực hóa đề án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Các khu vực đất nông nghiệp hiện hữu ở TP Thủ Đức buộc phải chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để phù hợp với quy hoạch (Ảnh: Nguyễn Quang)

Theo đó 16 quận nội thành gồm: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11,12, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Thạnh, đến năm 2025 chỉ còn 1.950 ha đất nông nghiệp nằm phân tán, xen cài với các công trình, dự án và khu dân cư đô thị; đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp.

Cùng với những định hướng phát triển, TP cũng khuyến khích các mô hình nông nghiệp nội đô để tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho người dân.

Riêng TP Thủ Đức, đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 3.400 ha, phân bố dọc theo sông Sài Gòn và các rạch thuộc phường Tam Đa, Long Phước; đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp.

Hoàn tất việc di dời toàn bộ vườn rau nội ô TP.HCM ra ngoại thành vào năm 2030 (Ảnh: Nguyễn Quang)

Theo bà Lê Thị Nghiêm – Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, Thủ Đức được định hướng phát triển khoa học công nghệ với hạt nhân là đô thị Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao. Với đặc thù như vậy nên phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị không gian hẹp, tầng cao, các dải cây xanh phân cách, phân tán.

Các khu vực đất nông nghiệp hiện hữu phải chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cụ thể như mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Nông sản Hitech… là những đối tượng phải thay đổi hoạt động để tồn tại, phù hợp với quy hoạch.

TP.HCM nỗ lực hiện thực hóa đề án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ (Ảnh: Nguyễn Quang)

Bà Lê Thị Nghiêm cho biết: “Các khu vực đất nông nghiệp hiện hữu là nguồn đất dự trữ, dư địa cho phát triển đô thị các năm tới. Do đó, hướng chính là phát triển các vườn trồng rau, hoa kiểng để tạo cảnh quan. Khu vực không còn đất nông nghiệp sẽ khuyến khích người dân tận dụng khoảng không gian còn trống như giếng trời, sân thượng, hành lang… để trồng rau, hoa kiểng theo mô hình nông nghiệp cao tầng, thẳng đứng, khí canh, thủy canh, tuần hoàn”.

Mục tiêu đề án phát triển những vùng sản xuất rau an toàn, tập trung ở ngoại thành thuộc các huyện: Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn; giai đoạn từ nay đến năm 2025, diện tích canh tác rau hữu cơ, công nghệ cao còn khoảng 3.000 ha, đảm bảo sản lượng 446.000 tấn; đến năm 2030 diện tích canh tác rau chỉ còn 2.500 ha với sản lượng 387.000 tấn.

NGUỒNvov.vn
Tags:
CHIA SẺ