BVR&MT – Nhiệt điện than mặc dù có thể đảm bảo đủ nguồn cung trước mắt nhưng đang khiến Việt Nam gặp rủi ro lớn với thị trường và an ninh năng lượng trong nay mai. Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo được đánh giá hiệu quả hơn hẳn trên phương diện an ninh năng lượng và môi trường, đồng thời ít bị ảnh hưởng bởi biến cố thị trường. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Hiểu đúng về năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt nam tổ chức ngày 22/8 tại Hà Nội trong khuôn khổ Chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo 2017.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho hay “an ninh năng lượng” theo định nghĩa của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định ở mức giá đủ khả năng chi trả. Trong đó, an ninh năng lượng dài hạn là đầu tư kỹ thuật để cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế và đáp ứng môi trường bền vững. An ninh năng lượng ngắn hạn là tính sẵn sàng của hệ thống năng lượng để phản ứng lại những thay đổi bất ngờ trong cân bằng cung cầu.
Từ định nghĩa này, TS. Ngô Đức Lâm nhận định Việt Nam đủ năng lượng cho phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh xã hội, an ninh năng lượng và đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, an ninh năng lượng và tính bền vững trong phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung, phát triển điện lực nói riêng đang giảm dần và giảm nhanh. Đặc biệt, tổng sơ đồ của phát triển điện lực với tỷ lệ nhiệt điện than cao, với nguồn than phải nhập khẩu lớn khiến hệ thống an ninh năng lượng tổng thể gặp nhiều yếu tố rủi ro và dễ dẫn đến mất an ninh năng lượng.
Ngoài những quan ngại về thực trạng và định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh đến những thách thức mà ngành năng lượng đang phải đối mặt. Trong đó, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chỉ ra 5 thách thức, trong đó có 3 thách thức nổi bật.
Thứ nhất, Việt Nam có cường độ năng lượng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ sử dụng năng lượng tính bằng kg dầu quy đổi cho mỗi 1.000 USD GDP theo giá cố định năm 2005 của Việt Nam là 237 kg, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới (khoảng 208 kg). Cường độ năng lượng ở Việt Nam tăng lên trong thập kỷ qua phần lớn do tăng sử dụng năng lượng trong công nghiệp, chiếm khoảng 1/3 tổng năng lượng tiêu thụ.
Thứ hai, sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh hơn các nước trong khu vực với mức tiêu thụ nhiều nhất trong lĩnh vực điện. Cụ thể: Từ năm 2000 đến 2010, nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng khoảng 14% mỗi năm. Sản lượng phát điện năm 2011 (100.189 GWh) gấp 4 lần năm 2000 (25.694 GWh). Trong khi đó, do xu hướng tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa, cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong những thập kỷ tới, song dự báo cầu chưa tính đủ về khả năng sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng nên chưa thật xác đáng. Theo chính sách và quy hoạch hiện hành, tỷ trọng than sử dụng cho phát điện sẽ tăng từ 17% năm 2010 lên gần 60% vào năm 2030 và 80% than sẽ được nhập khẩu.
Thứ ba, sử dụng năng lượng kém hiệu quả là nguyên nhân chính khiến cường độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới. Điều này xuất phát từ chính sách đầu tư phát triển kinh tế của Việt Nam ít quan tâm đến hiệu quả năng lượng. Chẳng hạn: Việt Nam nôn nóng muốn có tăng trưởng cao nên không chú ý đến các ngành tiêu tốn năng lượng như sắt thép, xi măng trong khi hiện nay ngành này thừa rất nhiều. Ngoài ra, đặc quyền và ưu đãi với EVN trong sản xuất và độc quyền trong mua bán điện không khuyến khích hiệu quả năng lượng mà chỉ chú trọng phát triển nguồn cung. Cuối cùng, giá điện thấp cũng hạn chế động lực tiết kiệm năng lượng. Mặc dù Việt Nam đã tăng giá điện trung bình 44% trong giai đoạn 2010-2012 nhưng lạm phát tích lũy lên tới 53% khiến giá điện thực giảm đi.
Về giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy an ninh năng lượng, Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh Việt Nam cần tái cơ cầu nguồn cung năng lượng để đảm bảo môi trường sạch hơn, ít carbon và an toàn hơn, đồng thời đầu tư mạnh vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo theo một chiến lược dài hạn có lộ trình, thứ tự ưu tiên rõ ràng… Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế phát triển năng lượng. Cụ thể Cần tăng hợp tác công – tư, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng bằng các chính sách, quy định minh bạch, thực thi nghiêm túc; thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng; chú trọng phát triển năng lượng gắn với tiêu dùng và phát triển ngành, vùng; tăng cường tham vấn, tham gia, giám sát thực chất của người dân trong lĩnh vực năng lượng cũng như năng lực quản trị giám sát của nhà nước về phát triển năng lượng, nâng cao trách nhiệm giải trình trước doanh nghiệp và nhân dân…
Thêm điểm đáng lưu ý trong vấn đề phát triển năng lượng hiện nay là những bất cập liên quan đến nhiệt điện than. Hầu hết các đại biểu đều đồng thuận cho rằng tỷ suất nhiệt điện than vẫn chiếm con số quá lớn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam và đang tiếp tục được phát triển theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điều này rất đáng quan ngại bởi nhiệt điện than được nhận định là gây ô nhiễm môi trường và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt dễ gặp rủi ro về kinh tế và an ninh năng lượng khi Việt Nam không chủ động được nguồn nhập than.
Để giải quyết vấn đề nhiệt điện than, các đại biểu thống nhất cho rằng Việt Nam cần tăng cường phát triển năng lượng tái tạo. Chuyên gia năng lượng tái tạo Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, hiện tại phần lớn các loại hình năng lượng tái tạo đã có thể cạnh tranh với giá của điện từ nguồn hóa thạch. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần giảm áp lực về nguồn cung, cải thiện an ninh năng lượng và hướng tới hình thành một hệ thống năng lượng bền vững.
Bạch Dương