BVR&MT – Bộ công cụ tiếp cận HCS (High Carbon Stock) là hệ thống hướng dẫn do các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nhất trí xây dựng áp dụng cho các công ty dầu cọ nhằm thúc đẩy việc thực hiện các cam kết giải quyết nạn phá rừng do hoạt động sản xuất của các công ty này gây ra.
Nhu cầu dầu cọ trên thị trường tăng, việc sản xuất các mặt hàng từ dầu cọ thường đi liền với nạn phá rừng ồ ạt, hủy hoại môi trường tự nhiên, lạm dụng nhân quền và lao động. Hiện tượng này đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Indonesia và Malaysia – công trường dầu cọ chính của thế giới.
Hàng loạt các công ty trong chuỗi cung ứng dầu cọ toàn cầu, từ các nhà sản xuất và kinh doanh đến các công ty sử dụng dầu cọ trong làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng khác, đã chấp nhận thực hiện Các Cam kết Không phá rừng (Zero Deforestation Commitments). Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các công ty cam kết là một chuyện, còn việc biến các cam kết thành này hiện thực lại là một chuyện khác. Nhiều công ty cho rằng họ cần thêm hỗ trợ từ các chính phủ mới có thể biến các cam kết này thành hiện thực.
Bộ công cụ tiếp cận HCS mới có thể giúp giải quyết vấn đề này vì nó được thiết kể để tiêu chuẩn hóa biện pháp bảo vệ các khu rừng nhiệt đới và xác định các cảnh quan phù hợp để sản xuất dầu cọ bền vững.
Cuối năm ngoái, hai phương pháp được đưa ra cạnh tranh để xác định những nhân tố cấu thành một cảnh quan lưu trữ carbon cao (High Carbon Stock) và hướng dẫn chuyển đổi đất đai sang trồng cây cọ dầu một cách bền vững: Một là phương pháp tiếp cận HCS, được phát triển từ năm 2010 bởi một liên minh các doanh nghiệp và nhóm xã hội dân sự và công bố lần đầu tiên vào năm 2015; và Phương pháp HCS +, được đưa ra vào năm 2015 trong Bản tuyên ngôn về Dầu cọ Bền vững (SPOM).
Ra đời vào tháng 10/2016, Nhóm Làm việc Tập trung (Convergence Working Group) HCS, gồm các nhà sản xuất và kinh doanh dầu cọ chính, các nhà bảo tồn rừng, các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn và nhân quyền, đã xem xét hai bộ công cụ và kết hợp hai phương pháp tiếp cận HCS và HCS+ với nhau.
Bộ công cụ tiếp cận HCS cập nhật đưa ra các yếu tố cơ bản của một phương pháp bảo tồn các khu rừng có trữ lượng carbon lớn và giá trị bảo tồn cao như các vùng đất than bùn. Không chỉ dừng lại ở mục tiêu Các Cam kết Không phá rừng, phương pháp tiếp cận HCS mới còn nhằm phát huy vai trò của rừng trong việc điều hòa khí hậu toàn cầu thông qua tích lũy carbon; cùng với đó là thực hiện các nguyên tắc FPIC (Đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin) đối với cộng đồng người dân bản địa gần rừng. Phương pháp mới này cũng đã giải quyết được sự bất đồng của hai phương pháp HCS và HCS+ về các vấn đề như phân vùng rừng, bảo toàn sinh khối dưới mặt đất và ra quyết định xung quanh việc tái sinh rừng thứ sinh.
Ông Grant Rosoman, nhà vận động bảo vệ rừng của Tổ chức Greenpeace, đồng chủ tịch Nhóm Điều hành HCS (High Carbon Stock Steering Group – một tổ chức thành viên đa bên được thành lập nhằm quản lý HCS Approach), cho biết bộ công cụ tự do nguồn mở này sẽ cung cấp những hướng dẫn kỹ thuật thiết thực và “mang tính khoa học mạnh mẽ” nhằm xác định và bảo vệ các khu rừng nhiệt đới.
Sau hai năm làm việc với phương pháp tiếp cận mới nhằm đưa Các Cam kết Không phá rừng trở thành hiện thưc, ông Rosoman cho rằng “Phương pháp HCS đã mở rộng các yêu cầu về mặt xã hội, mở rộng sự thừa nhận và tận dụng được các dữ liệu về trữ lượng carbon, kết hợp sử dụng các công nghệ mới như LIDAR (hệ thống được dùng để vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser), tối ưu hóa hiệu quả bảo tồn và sản xuất hàng hóa, đồng thời tăng khả năng thích ứng của các nông hộ nhỏ lẻ”.
Niềm hy vọng ở đây là hệ thống hướng dẫn này nhận được sự đồng thuận của cả các đơn vị sản xuất và các tổ chức xã hội trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để làm sạch chuỗi cung ứng dầu cọ toàn cầu.
Ông Rosoman chia sẻ: “Bằng việc cho ra đời công cụ mới này, chúng tôi đã thống nhất phương pháp tiếp cận sâu hơn đối với các chuỗi cung cấp các mặt hàng dầu cọ nhằm giảm nạn phá rừng nhiệt đới, đặc biệt ở các khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Châu Phi. Phương pháp tiếp cận HCS đang giúp ngăn cản sự tàn phá hàng triệu ha rừng, đảm bảo tất cả các sản phẩm trên thị trường có thành phần từ dầu cọ hoặc từ giấy đều không góp phần gây nên nạn phá rừng, khai thác và bóc lột các vùng đất than bùn.”
Ông Rosoman bổ sung thêm rằng Nhóm làm việc của ông sẽ nỗ lực mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng của phương pháp tiếp cận HCS. Sự ủng hộ HCS tiếp tục gia tăng và mở rộng sang các mặt hàng khác như cao su, ca cao và sang cả lĩnh vực tài chính. Sắp tới, Nhóm điều hành sẽ tiếp tục giúp các hộ gia đình nhỏ làm quen với phương pháp tiếp cận HCS, kiểm chứng thực địa về các yêu cầu xã hội, đưa ước tính carbon HCS vào tính toán trữ lượng carbon cấp quốc gia và xúc tiến thực hiện Các Cam kết Không phá rừng tại những khu vực có rừng.
Hiện tại, bộ công cụ HCS Approach phiên bản 2.0 đã được đưa vào sử dụng. Nhóm điều hành HCS sẽ tập trung vào các sáng kiến thí điểm áp dụng phương pháp đã được chỉnh sửa này, nâng cao các yêu cầu về mặt xã hội đối với các hoạt động trồng trọt quy mô lớn cũng như các nông hộ nhỏ.
Bà Deborah Lapidus, Giám đốc chương trình của Tổ chức Mighty Earth, thành viên mới của Nhóm Điều hành HCS cho rằng phương pháp tiếp cận HCS hiện đang trở thành chuẩn mực cho hoạt động sản xuất có trách nhiệm. Với hơn 4.000 công ty dầu cọ lớn đã đăng ký áp dụng phương pháp tiếp cận HCS và những hướng dẫn cụ thể về tiến trình thực hiện dưới sự hỗ trợ của bộ công cụ, không có lý do nào để các công ty như POSCO Daewoo và Korindo tiếp tục phá hủy các khu rừng. Theo bà, việc tuân thủ các tiêu chuẩn của bộ công cụ tiếp cận HCS không những mang lại lợi ích cho các khu rừng, động thực vật hoang dã và người dân sống gần rừng mà còn có lợi đối với các doanh nghiệp, cũng như các nhà đầu tư và người tiêu dùng toàn cầu đang nỗ lực tìm ra các chủ thể trong chuỗi cung ứng có trách nhiệm và loại bỏ các chủ thể không đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất bền vững.
Bà Lapidus cho hay Nhóm Điều hành sẽ tiếp tục thúc đẩy các nhà sản xuất và kinh doanh toàn cầu áp dụng các thành công của phương pháp HCS tại Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh nhằm đảm bảo công cuộc bảo vệ rừng toàn cầu và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đồng thời, Nhóm cũng sẽ hối thúc Hội nghị bàn tròn về Dầu cọ Bền vững (RSPO – tổ chức chứng nhận lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp dầu cọ) xem xét áp dụng rộng rãi HCSA khi xem xét lại các nguyên tắc và tiêu chí chứng nhận của họ vào cuối năm nay.
Dương Kim (Theo Mongabay)