Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị – xã hội

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10:

BVR&MT – Ngày 19/10, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm về hành trình tham gia các hoạt động chính trị của phụ nữ, cũng như những sáng kiến đổi mới của phụ nữ đối với sự phát triển của Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 – 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội có 1.587 đại biểu chính thức tham dự, trong đó có có 222 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 13,99%. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tọa đàm có sự tham dự của một số đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Chính phủ, các học viện, tổ chức xã hội và đối tác phát triển.

Theo nhận định của UNDP, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể so với các nước ở khu vực trong các hoạt động, nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong đời sống chính trị của đất nước. Theo báo cáo “Khoảng cách giới toàn cầu” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022, Việt Nam đạt 0,705 điểm trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia, tăng 4 bậc so với vị trí từ 87 năm 2021.

Kết quả của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2021 cũng cho thấy sự gia tăng số lượng nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV hiện nay là 30,26%, cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tương tự, tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong HĐND các cấp cũng tăng lên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo UNDP vẫn còn những tồn tại, hạn chế tạo ra thách thức trong quá trình tham gia hoạt động chính trị của phụ nữ Việt Nam, nhất là sự tham gia của phụ nữ ở cấp địa phương.

Theo kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) trong 2 năm qua, phụ nữ rất ít được đại diện ở cấp địa phương, đặc biệt là vị trí lãnh đạo thôn bản. Năm 2019, trong số 812 thôn được khảo sát, chỉ có 101 thôn (chiếm 12%) có lãnh đạo là nữ; 88% còn lại là trưởng thôn nam. Bằng chứng từ PAPI cũng cho thấy phụ nữ khó nắm giữ các vị trí lãnh đạo thôn bản ở khu vực nông thôn hơn so với khu vực thành thị.

Tại tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh chỉ còn 3 năm nữa để Việt Nam đạt mục tiêu 60% cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ vào năm 2025 và chỉ còn 7 năm nữa để đạt mức 75% cho tỷ lệ này cũng như mục tiêu đạt 35% đại diện của phụ nữ trong Quốc hội vào năm 2030.

Các đại biểu đã thảo luận để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cơ bản của tỷ lệ tham gia chính trị thấp của phụ nữ, chia sẻ các sáng kiến mới nhằm giải quyết vấn đề này cũng như các cách tăng cường năng lực lãnh đạo vốn là chìa khóa để thúc đẩy vai trò lãnh đạo nữ trong tương lai.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, phụ nữ ngày càng được coi là tác nhân tích cực của sự thay đổi – đóng vai trò thúc đẩy những chuyển đổi xã hội có thể làm thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người. Vì lý do đó, theo bà Ramla Khalidi, phương pháp tiếp cận của UNDP là trao quyền cho phụ nữ, đóng vai trò là những tác nhân thay đổi tích cực trong mọi khía cạnh xã hội, bằng cách thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của họ ở tất cả các cấp.

Dịp này, UNDP đã ra mắt podcast đầu tiên mang tên “Hậu duệ của Hai Bà Trưng”, phản ánh vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Được biên soạn kỹ lưỡng, mỗi tập trong podcast giới thiệu hành trình của những người phụ nữ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm vận động cộng đồng và hành động trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, kinh tế tuần hoàn; thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ban biên tập podcast mong muốn thông qua hình thức truyền thông này sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ và đảm bảo rằng tiếng nói của phụ nữ không bị ‘bỏ lại phía sau”, được lắng nghe ở mọi cấp độ.