BVR&MT – Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển.
Trải qua gần 60 năm được trồng đại trà và phát triển với quy mô lớn, cây chè đã góp phần quan trọng trong đời sống của người dân ở đây. Các sản phẩm từ cây chè mang hương vị độc đáo của núi rừng Tây Bắc đang từng bước khẳng định vị trí trong nước và quốc tế. Nhờ có cây chè, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở đây ngày càng ổn định, khấm khá hơn.
Thương hiệu lâu năm
Theo lời giới thiệu của các cán bộ nông nghiệp, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Đức Vinh, người được biết đến là nắm rõ về sự hình thành của cây chè trên cao nguyên Mộc Châu. Ông chính là một trong số hơn 1.600 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 tình nguyện ở lại cao nguyên này để xây dựng Nông trường quân đội, tiền thân của thị trấn nông trường Mộc Châu ngày nay.
Giờ đây, ông vẫn còn nhớ như in ngày mở chiến dịch khai hoang thử nghiệm đưa cây chè vào sản xuất trên cao nguyên Mộc Châu cũng là ngày thành lập nông trường Quân đội 8/4/1958.
Ông Đặng Đức Vinh chia sẻ, sau ngày thành lập nông trường, Đảng ủy Trung đoàn 280 đã vận động cán bộ chiến sĩ đưa vợ con lên xây dựng nông thôn mới. Khi nông trường quân đội trở thành nông trường quốc doanh đã huy động được hàng nghìn thanh niên xung phong từ các tỉnh miền xuôi như Thái Bình, Nam Hà, Nghệ An, Thanh Hóa… lên xây dựng kinh tế mới.
Sau hơn 5 năm khai phá tìm tòi thử nghiệm, nông trường quyết định lựa chọn hướng đi lâu dài là cây chè. Từ đó, diện tích cây chè tiếp tục mở rộng theo từng năm, trong đó được trồng nhiều nhất là ở thị trấn nông trường Mộc Châu và các xã Chiềng Sơn, Tân Lập, Phiêng Luông.
Sau gần 60 năm được trồng đại trà tại Mộc Châu, cây chè giờ đây đã trở thành loại cây chủ lực trong sự phát triển kinh tế của người dân. Hiện nay, hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định, ấm no nhờ cây chè.
Sinh ra và lớn lên với cây chè trong đó có hơn 30 năm theo nghiệp trồng chè, ông Đỗ Xuân Hùng ở tiểu khu Chè Đen 2, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu có lẽ là người hiểu và quý hơn ai hết giá trị mà cây chè mang lại với người dân Mộc Châu. Bởi chỉ từ 2ha trồng chè, ông đã nuôi cả gia đình và hai người con trai trưởng thành.
Ông Đỗ Xuân Hùng cho biết, ban đầu gia đình xác định là cây xóa đói giảm nghèo, mang lại việc làm ổn định. Sau đó, khi trồng cây chè thấy năng suất, sản lượng ngày càng tăng, giá cả được ổn định nên ông đã gắn bó lâu dài với cây chè.
Hiện nay, vùng nguyên liệu chè Mộc Châu phát triển mở rộng còn góp phần mang lại cuộc sống ổn định cho nông dân và xóa bỏ tình trạng du canh du cư của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao biên giới. Với diện tích trung bình khoảng 2 ha trồng chè, mỗi hộ dân ở đây thu hoạch được hơn 30 tấn chè/năm và mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng.
Nhờ tập trung phát triển trồng chè, đến nay trên địa bàn huyện Mộc Châu có 16 công ty, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh chè. Tổng diện tích trên 1.800ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 23.000 tấn. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho trên 3.000 hộ dân vùng nguyên liệu, ngoài ra còn khoảng 600 người lao động thường xuyên trong các công ty, doanh nghiệp.
Mở hướng phát triển bền vững
Để phát huy tiềm năng thế mạnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, những năm gần đây các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè trên cao nguyên Mộc Châu đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng đến chăm sóc chế biến theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ đó, đã đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu chè Mộc Châu ngày càng có uy tín. Sản phẩm chè đa dạng về các mẫu mã chủng loại, chất lượng từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong những năm gần đây các sản phẩm chè Mộc Châu đã từng bước được giới thiệu đến các thị trường nước ngoài. Phát triển cây chè theo hướng xuất khẩu cũng chính là hướng đi được huyện Mộc Châu chú trọng để phát triển bền vững cây chè trong những năm tiếp theo.
Tại Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve, huyện Mộc Châu, những container chứa hơn 50 tấn chè thành phẩm, giá trị khoảng 350 triệu đồng đang được chuyển lên xe để chuẩn bị đưa tới thị trường Afghanistan. Đây là một trong những thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp này hướng tới trong những năm gần đây.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve Nguyễn Văn Khiêm, hiện nay, 95% sản lượng chè thành phẩm của doanh nghiệp này đều đã được xuất khẩu. Tính riêng năm 2016, công ty đã xuất khẩu hơn 670 tấn chè với giá trị gần 5 tỷ đồng. Sản xuất chè đáp ứng các điều kiện để xuất khẩu là mục tiêu hàng đầu của công ty trong giai đoạn hiện nay. Ngoài Afghanistan, các thị trường tiềm năng để xuất khẩu chè còn bao gồm các nước như: Lào, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, cây chè đã trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở cao nguyên Mộc Châu. Không những thế, khi Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đang dần được hoàn thiện, thì những đồi chè trải dài ở đây sẽ trở thành dấu ấn đặc biệt với du khách gần, xa khi đến vùng đất này. Đây cũng là một trong những định hướng phát triển lâu dài mà tỉnh Sơn La đang hướng đến để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu cho biết, năm 2017 huyện đã xây dựng quy hoạch để bảo tồn các khu đồng cỏ, đồi chè để phục vụ du lịch. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương xác định sẽ tạo mọi điều kiện cho người nông dân Mộc Châu tham gia làm du lịch.
Hướng tới mục tiêu mỗi người dân Mộc Châu sẽ là một đại sứ du lịch để giới thiệu với bạn bè và du khách về cảnh đẹp, sản phẩm của Mộc Châu. Đặc biệt, với tiềm năng, lợi thế sẵn có cây chè sẽ là loại cây đa mục tiêu, mang lại nguồn thu cho người dân địa phương và là sản phẩm hấp dẫn của khách du lịch.