BVR&MT – Sau thời điểm “cát tặc” Bắc Ninh… uy hiếp lãnh đạo tỉnh, các địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã siết chặt cấp phép, quản lý khai thác cát. Việc lập lại trật tự hoạt động khai thác cát trên cả nước đang là giải pháp “giải cứu” hàng trăm con sông, suối. Nhưng khi nguồn cung khan hiếm, giá thành của các loại cát tăng cao, đằng sau đó là nhiều chuyện đáng bàn.
Từ thu lợi nhờ khan hiếm…
Giữa tháng 6/2017, UBND tỉnh Bắc Giang họp với đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bàn về việc thu hồi dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm tại sáu đoạn cạn từ Km 00 đến Km 56 trên sông Lục Nam của Công ty TNHH Xây dựng Đông Bắc Bộ (tạm gọi, Công ty Đông Bắc Bộ).
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn đề nghị Bộ GTVT chấm dứt, thu hồi dự án (DA) có thời gian thi công trong ba năm (kể từ năm 2015) này. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, Công ty Đông Bắc Bộ đã ký hợp đồng triển khai DA với Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT), thực hiện đăng ký tận thu cát, sỏi với UBND tỉnh Bắc Giang và được chấp thuận cho tận thu 496.611 m³. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bắc Giang, DN này đã không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của UBND tỉnh về thủ tục và kỹ thuật trong quá trình triển khai DA, cũng không có thiết bị, phương tiện thi công, mà thực hiện theo hình thức “phát canh, thu tô” kiểu bán “lốt” cho tàu khai thác trong khu vực DA.
Nhưng phản ánh từ Công ty Đông Bắc Bộ lại “vẽ” nên một thực tế khác. Cụ thể, từ khi DN này dừng khai thác, có rất nhiều tàu hút cát khác đã hoạt động trên vùng DA của DN. “Phần lớn là tàu một DN khác có DA khai thác đã hết hạn, hoặc tàu của đầu gấu”, một cán bộ của Công ty Đông Bắc Bộ cho biết. Song “cứ khi chúng tôi ra ngoài đó là họ rút tàu, nên có báo chính quyền thì cũng chẳng có cách nào chứng minh đó là tàu vi phạm”…
Thông tin này phần nào được “chứng minh” bằng thực tế đến ngày 27/6, Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện ba tàu hút đang khai thác cát trên tuyến sông Lục Nam thuộc địa phận xã Chí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tiến hành kiểm tra, các chủ tàu đều không có mặt, và những người trên ba tàu đều không có bất kỳ giấy tờ nào có liên quan phương tiện, con người, hay giấy phép khai thác cát… Đó cũng chỉ là phần nhỏ của thực tế khai thác cát hiện nay ở các địa phương, khi dừng thực hiện hợp đồng với một DN bất kỳ, lại không hàm nghĩa sẽ lập lại trật tự việc quản lý, khai thác cát ở mỗi địa phương.
Đó là thực tế “oái oăm”. Hiệu quả việc siết chặt khai thác cát, nếu nhìn từ thị trường cát, lại méo mó, thực dụng và chua xót hơn nhiều. Vị cán bộ của Công ty Đông Bắc Bộ cho biết, trước khi thị trường cát “chịu” siết chặt khai thác, giá cát bán từ tàu lên bãi vào khoảng từ 10.000 – 15.000 đồng/m³, bán vào công trình từ 90.000 – 120.000 đồng/m³ đã đủ hóa đơn.
Nhưng sau khi các địa phương phát động chiến dịch “chặn” hoạt động hút cát của các DN ký hợp đồng thanh thải luồng, tận thu cát với Bộ GTVT, thì giá cát bán từ tàu lên bãi tại khu vực Lục Nam đã tăng gấp hai lần, lên mức 25.000 – 30.000 đồng/m³. Giá cát bán vào công trình xây dựng còn tăng mạnh hơn, từ mức 160.000 – 190.000 đồng/m³. Nguồn cung cát có phập phù hơn, nhưng không hề thiếu.
H., từng là phóng viên đã chuyển làm nghề san lấp, cho biết, cát san lấp và cát xây đều không thiếu, dù lượng cung khá phập phù. Về cát san lấp, giá cát san lấp bán từ tàu lên bãi khu vực từ Hưng Yên đến Hà Nội hiện vào khoảng 50.000 – 60.000 m³ tùy thời điểm, còn giá cát đổ bê-tông đến chân công trình thì hiện đã ở mức 330.000 đồng/m³, tăng khá nhiều so trước đây. Mức tăng mạnh nhất là cát xây, lý do vì hiện chỉ còn nguồn cung từ khu vực Trung Hà (Vĩnh Phúc) chở về. Giá cát xây hiện đã tăng khoảng hơn 50.000 đồng/m³.
Nhưng giá cát lại biến động theo khu vực, H. cho biết thêm, cùng là một m³ cát, nhưng chỉ chở từ Hưng Yên lên Hà Nội đã tăng thêm khoảng 30.000 đồng/m³. Tại khu vực Hải Dương, do bị chặn bắt rát, giá cát leo một mạch, tăng thêm khoảng 50.000 đồng/m³. Đồng thời, nguồn cung phập phù khiến người cung cấp không dám cam kết khối lượng. “Muốn mua bao nhiêu cũng được, nhưng vào được tàu nào thì nhận tàu đó, cho đến khi đủ”. H. rất tin tưởng chiến dịch chặn “cát tặc” sẽ giúp kiếm thêm kha khá tiền.
… Đến “công nghệ” trục lợi hoàn hảo
Theo báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tiêu thụ cát xây dựng những năm gần đây đã vượt dự báo tại quy hoạch ngành hàng chục triệu m³ mỗi năm. Theo cơ quan này, dù rất lạc quan ước tính, thì cát khai thác “có phép” chỉ đáp ứng khoảng 50 – 55%, còn lại là… cát khai thác trái phép. Nói lạc quan là vì, hàng trăm triệu m³ cát đang được khai thác để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng, việc tận diệt những bờ bãi, đê điều của những dòng sông… có thể là một nguy cơ lớn. Nhưng dường như nguy cơ ấy không lớn bằng tình trạng “thổi” giá cát tại các công trình xây dựng. Và dù phát động cuộc chiến chống “cát tặc” trên sông, thì cũng hoàn toàn chưa thấy các cơ quan chức năng phát động cuộc chiến chống nạn “thổi” giá cát, để từ đó chống được nạn dịch lớn nhất trong ngành xây dựng liên quan khai gian nguyên liệu đầu vào để trục lợi.
Chẳng hạn, bất kể chặn bắt thế nào, bất kể là cát có nguồn gốc, hay cát lậu, thì giá cát từ tàu lên bãi tập kết cũng chênh lệch thấp hơn nhiều lần giá cát bán vào tới công trình. Tại miền bắc, nếu giá cát bán vào công trình chênh lệch khoảng 5-6 lần so giá cát từ tàu lên bãi, đạt mức dưới 300.000 đồng/m³, thì tại miền nam, giá cát đã leo lên mức 500.000 -600.000 đồng/m³.
Cụ thể, thông tin báo giá vật liệu xây dựng ở một số tỉnh cho thấy, giá cát bán ra trong hai tháng gần đây liên tục tăng, đặc biệt tăng cao ở một số thành phố lớn không có nguồn cung tại chỗ. Tại tỉnh Đồng Tháp, từ nguồn khai thác, giá cát cho bê-tông, cát xây tô dao động từ 45.000 – 80.000 đồng/m³, giá cát hạt trung bình tại công trình từ 160.000 – 220.000 đồng/m³, cát hạt mịn từ 110.000 – 130.000 đồng/m³, cát đen 90.000 đồng/m³ và cát đã qua sàng rửa 180.000 đồng/m³.
Tại Hà Nội, giá cát khu vực Chèm, Bắc Từ Liêm gồm cát sông Lô là 280.000-380.000 đồng/m³, cát đen, tô trát và san lấp 100.000 – 140.000 đồng/m³. Trong khi cuối tháng 3, giá bán cát cho bê-tông từ 200.000 – 300.000 đồng/m³ và cát đen, tô trát và cát san lấp là… 80.000 đồng/m³.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã phải kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ TN&MT có ý kiến với UBND 19 tỉnh miền Đông Nam Bộ yêu cầu các DN tăng cường nguồn cung cát về TP Hồ Chí Minh để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng. Bởi, trong quý II-2017, giá cát có chênh lệch lớn giữa các địa bàn tại TP Hồ Chí Minh, có nơi tăng đột biến lên đến 560.000 đồng/m³ cát bê-tông, 436.364 đồng/m³ cát xây, tô, 231.818 đồng/m³ cát san lấp (giá chưa bao gồm thuế VAT).
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 23-6, một loạt tỉnh đã kiến nghị Chính phủ phải có phương án tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cát và đặc biệt là về giá cát cho các địa phương, khi ước tính giá cát đã tăng 200 – 300%. Theo chủ đầu tư BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, riêng chi phí tăng thêm do giá cát tăng tại DA này đã là… hơn 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn sẽ thấy, giá cát tăng không do chi phí khai thác tăng lên. Vì các loại chi phí dầu mỡ, lương… không thay đổi. Ngược lại, chiến dịch chặn “cát tặc” lại trở thành cơ hội cho giới đầu cơ tăng giá cát, lợi dụng thực tế nguồn cung phập phù.
Mặt khác, bất kể là cát có giấy phép, hay không phép, thì từ bãi tập kết vào tới công trình xây dựng của tư nhân hay nhà nước, cát đều đã có đủ thủ tục nguồn gốc. Do giá cát từ tàu lên bãi tập kết chênh lệch với cát tại công trình gấp nhiều lần, thì cũng có thể hiểu toàn bộ quá trình đẩy giá cát này lên đã “thực hiện” bằng thủ tục ở những khâu trung gian từ bãi tới công trình.
Sẽ không quá khó nếu qua kiểm tra, có thể thấy mỗi hạt cát từ bãi vào tới công trình thường “qua tay” vài DN, mà cứ mỗi lần qua tay ấy, giá cát lại được đẩy lên một giá mới. Về quy trình, quy định hiện nay có ít nhất bốn loại chi phí thu từ cát, gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí hoàn nguyên môi trường, thuế VAT… Tuy nhiên, việc thu này là tính trên khối lượng ghi tại giấy phép và trên hóa đơn. Tức là thu ngay tại đầu vào của quá trình khai thác cát. Do đó, nguyên tắc này dễ bị lợi dụng để quay vòng hồ sơ, hợp thức hóa cho cát khai thác không phép. Và đồng thời tăng nguy cơ làm cho nhà nước thiệt hại.
Chẳng hạn, nếu tổng các nguồn thu gồm thuế, phí… đánh vào cát khai thác theo giấy phép chiếm khoảng 30% giá cát khai thác, tương ứng khoảng 9.000 đồng/m³ với giá khai báo là 30.000 đồng/m³, thì trước khi vào công trình, nhà cung cấp bán với giá 180.000 đồng/m³ và từ đó được hưởng khấu trừ thuế VAT ở mức 10%, tương đương gần 18.000 đồng/m³. Tức là, nhà nước thu được vài nghìn đồng thuế, phí, nhưng mất hàng chục nghìn đồng tiền hoàn thuế trên mỗi m³ cát. Và tất nhiên, vốn đầu tư cho các công trình xây dựng của nhà nước và tư nhân còn đồng thời mất thêm hàng trăm nghìn đồng chênh lệch giá trên mỗi m³ cát sử dụng.
Quy trình ấy đã tồn tại nhiều năm, và do đó hoàn toàn có thể coi là “công nghệ” trục lợi hoàn hảo từ cát. Đương nhiên, khi đã là món lợi béo bở như thế, quá khó để tin việc chặn bắt ở đầu khai thác cát có thể góp phần ổn định thị trường, giảm chi phí xây dựng. Lợi ích tăng thêm sẽ chảy vào túi ai, một vài ông chủ đầu cơ cát, hay là cả chuỗi các cơ quan tham gia? Cuộc chiến chống “cát tặc” đang mang mầu sắc cuộc chiến quyết liệt để chiếm quyền quản lý thị trường cát theo cách ấy.