BVR&MT – Mức độ thực hiện cam kết bảo vệ động vật hoang dã ở mỗi quốc gia khác nhau, trong đó những quốc gia giàu có, phát triển lại thường ít cam kết nhất. Kết luận này được nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Động vật hoang dã Đại học Oxford (WildCRU) và tổ chức phi lợi nhuận Panthera đưa ra trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Global Ecology and Conservation.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá 152 quốc gia và xây dựng hệ thống Chỉ số Bảo tồn động vật lớn (Megafauna Conservation Index) nhằm đánh giá những đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu của từng quốc gia.
Kết quả nghiên cứu cho hay nhóm 5 quốc gia đứng đầu trong bảo tồn các loài động vật lớn là Botswana, Namibia, Tanzania, Zimbabwe ở châu Phi và Bhutan ở Nam Á. Trong khi đó, các quốc gia phát triển xếp hạng nhóm đầu lần lượt là Norway ở vị trí số 6, Canada đứng thứ 8 và Hoa Kỳ xếp thứ 9 – thấp hơn cả các quốc gia kém phát triển như Malawi và Mozambique.
Theo các chuyên gia, hoạt động của con người đã khiến mức độ suy giảm loài trong thế kỷ qua cao hơn ít nhất 100 lần mức trong lịch sử. Điều này càng củng cố cho suy đoán rằng chúng ta đang phải chứng kiến đợt tuyệt chủng toàn cầu lần thứ 6.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thời gian để cứu phần lớn các loài động vật lớn như voi, khỉ đột, sư tử, tê giác và hổ. Trong những loài đang tồn tại, 60% động vật ăn cỏ và 59% động vật ăn thịt lớn nhất thế giới đang nằm trong danh sách bị đe doạ tuyệt chủng do môi trường sống bị phá huỷ, tranh chấp không gian sống với con người, bị săn bắn quá mức, buôn bán trái phép cùng các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Giáo sư David Macdonal (WildCRU), sự cam kết bảo tồn động vật hoang dã của các quốc gia trên thế giới ở nhiều mức độ khác nhau. Chỉ số Bảo tồn động vật lớn đánh giá dựa trên ba tiêu chí nỗ lực bảo tồn chính của các quốc gia bao gồm: tỉ lệ động vật lớn sống sót, tỷ lệ diện tích mà các loài động vật lớn được đặt trong trạng thái bảo vệ và số tiền tính theo GDP mỗi quốc gia dành cho những sáng kiến bảo tồn trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu cho thấy, những quốc gia nghèo khó hơn lại tích cực bảo vệ đa dạng sinh học hơn những nước giàu có.
Theo nghiên cứu, 66/152 quốc gia được nghiên cứu đóng góp cho bảo tồn ở mức dưới trung bình, trong đó bao gồm cả 28 nước thực hiện bảo tồn kém hiệu quả. 96 quốc gia còn lại có đóng góp trên mức trung bình, trong đó có 19 nước đóng góp chính. Dựa theo điểm Chỉ số Bảo tồn động vật lớn, 70% quốc gia châu Phi và 67% quốc gia Nam Á được phân loại đóng góp trên trung bình hoặc đóng góp chính. Gần ¼ các quốc gia châu Á và châu Âu đóng góp ít hơn.
Nhóm tác giả khuyến cáo thứ tự xếp hạng này cần được cập nhật và công bố thường xuyên để “ghi nhận các quốc gia có nhiều đóng góp, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các quốc gia và xác định những giải pháp giúp các chính phủ nâng cao mức đóng góp cho bảo tồn”.
Ông Peter Lindsey (Tổ chức Panthera), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết có 3 cách để các quốc gia nâng cao điểm Chỉ số Bảo tồn động vật lớn là tái sinh các sinh cảnh tạo môi trường sống cho các loài động vật lớn và tăng phân bố của các loài này; thành lập các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và đầu tư nhiều cho bảo tồn hơn cả trong và ngoài nước.
Ông Lindsey và cộng sự cho hay có nhiều lý do giải thích vì sao việc suy giảm loài hệ động vật lớn là “cực kì đáng quan ngại”, một trong số đó là vì các loài động vật lớn đóng vai trò quan trọng với cả văn hóa và xã hội của loài người. Con người vốn gán cho các loài động vật lớn nhiều giá trị có thể khai thác. Chẳng hạn như Botswana, Kenya và các quốc gia Nam Phi đều khai thác sức hấp dẫn của các loài thú có vú lớn phục vụ cho ngành công nghiệp du lịch hoang dã, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Động vật lớn cũng đóng vai trò quan trọng trong từng hệ sinh thái riêng, giúp cân bằng chu trình dinh dưỡng và duy trì tỉ lệ ổn định giữa thú ăn thịt và con mồi. Đồng thời, động vật lớn cũng đóng vai trò then chốt trong quá trình phân tán hạt và các chu trình sinh thái thiết yếu khác. Ngoài ra, vì những loài này cần các khu vực bảo tồn lớn nên chúng thường phải đảm nhận vai trò “loài ô dù”, có tác dụng bảo tồn gián tiếp đến nhiều loài khác.
Ông Lindsey cho rằng các quốc gia, đặc biệt là các nước giàu chưa thực hiện tốt các cam kết cần nỗ lực hơn nữa, vì: “các động vật lớn trên toàn thế giới như hổ, sư tử và hà mã đang có nguy cơ tuyệt chủng do có quá nhiều mối đe doạ từ con người. Chúng ta không thể loại trừ khả năng sẽ mất đi nhiều loài động vật quan trọng nếu cộng đồng toàn cầu không chung tay hành động nhanh chóng, dứt khoát.”
Thu Hà (Theo Mongabay)