BVR&MT – Kết quả đánh giá Chỉ số quản trị tài nguyên (Natutal Resource Governance Index _ NRGI) 2017 cho thấy cơ hội cải thiện chất lượng quản trị tài nguyên tại một số quốc gia đang phát triển, nhưng cũng đồng thời chỉ ra những vấn đề đáng lưu tâm trong hiệu quả quản lý các quỹ đầu tư của chính phủ (sovereign wealth funds) và quyền tự do công dân trong việc tiếp cận thông tin về các khoản thu chi ở một số quốc gia.
Cụ thể, theo kết quả đánh giá của Chỉ số quản trị tài nguyên (NRGI) 2017, đa số chính phủ các quốc gia chưa quản lý, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực dầu khí và khai thác khoáng sản. 66 quốc gia được đánh giá là hạn chế, yếu kém hoặc thất bại trong quản trị ngành công nghiệp khai thác của quốc gia. Chưa tới 20% trong tổng số 81 quốc gia được đánh giá đạt được kết quả tốt hoặc đạt yêu cầu trong quản trị ngành công nghiệp khai thác.
Chỉ số Quản trị Tài nguyên bao gồm 89 bản đánh giá ngành tại 81 quốc gia (8 quốc gia được lựa chọn đánh giá đối với cả ngành dầu khí và khoáng sản). Chỉ số được tính toán dựa trên một bộ khung nội dung gồm 133 câu hỏi chủ chốt và được nghiên cứu, trả lời bởi 150 nhà nghiên cứu dựa trên gần 10.000 tài liệu hỗ trợ khác. Đối với mỗi đánh giá, NRGI đã tính toán số điểm tổng hợp dựa trên điểm của 3 hợp phần chính. 2 trong 3 hợp phần chính đó bao gồm các nghiên cứu mới dựa trên những câu trả lời từ bảng hỏi và trực tiếp đánh giá chất lượng quản trị tài nguyên khai thác của các quốc gia:
|
Kết quả đánh giá cho thấy Nauy là quốc gia đang quản lý, kiểm soát tài nguyên thiên nhiên tốt nhất, tiếp đến là Chile, UK và Canada, đều nằm trong danh sách các quốc gia thực thi tốt nhất. Eritrea là quốc gia được đánh giá thấp nhất trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm thất bại hoàn toàn trong việc quản lý, kiểm soát tài nguyên thiên nhiên, cùng với Turkmenistan, Libya, Sudan và Equatorial Guinea. Một số quốc gia thu nhập trung bình – như là Colombia, Indonesia, Ghana, Mongolia, Peru, Mexico và Botswana đều đạt tổng điểm ở mức tốt hoặc đạt yêu cầu. Burkina Faso là quốc gia có vị trí cao nhất trong số các nước thu nhập thấp đã được nghiên cứu; đạt vị trí thứ 20.
“Quản trị tốt ngành công nghiệp khai khoáng là bước cơ bản để chống lại nghèo đói cho 1,8 tỉ người dân ở 81 quốc gia được đánh giá trong Chỉ số Quản trị Tài nguyên”, ông Daniel Kaufmann, Chủ tịch của NRGI nhấn mạnh. “Điều đáng nói là dù các quốc gia đều có xây dựng và áp dụng hệ thống hoàn chỉnh các quy định và chính sách trong ngành công nghiệp khai khoáng, nhưng việc triển khai trong thực tiễn lại chưa mang lại hiệu quả tương xứng”. Tại các quốc gia mà tham nhũng là một vấn nạn mang tính hệ thống thì lỗ hổng giữa chính sách và thực tiễn trong ngành công nghiệp khai thác lại càng lớn hơn, đặc biệt trong các vấn đề chính sách như: tác động môi trường – xã hội, phân bổ nguồn thu từ tài nguyên giữa trung ương và địa phương; đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng tới cuộc sống của cộng đồng dân cư sống quanh khu vực có mỏ.
Chỉ số này cũng cũng đánh giá chất lượng quản trị và minh bạch của các quỹ đầu tư chính tại 33 quốc gia. Quỹ Bình ổn và tiết kiệm (the Saving and Stabilization Funds) của Colombia được đánh giá là Quỹ có chất lượng quản trị tốt nhất, tiếp theo là Quỹ Bình ổn của Ghana. Ủy ban Đầu tư Chính phủ của Quata, với số tiền lên tới 330 tỷ USD, và Quỹ Tài sản của Nigeria là những quỹ được đánh giá có chất lượng quản trị kém nhất. Ít nhất 1.500 tỷ USD hiện đang được quản lý bởi 11 Quỹ tài chính đầu tư của chính phủ trong nghiên cứu này được đánh giá là không đạt yêu cầu.
Công ty Khoáng sản Quốc gia Codelco của Chile là đơn vị được đánh giá có chất lượng quản trị tốt nhất, đặc biệt là về khía cạnh minh bạch và chất lượng quản trị doanh nghiệp, trong số 74 tập đoàn, doanh nghiệp quốc doanh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Đứng ở vị trí thứ 2 là Tập đoàn Dầu mỏ và Khí thiên nhiên của Ấn Độ. Có tới 48 tập đoàn, công ty quốc doanh của các quốc gia được đánh giá không đạt yêu cầu. Chỉ số này cũng đồng thời chỉ ra sự yếu kém trong quản trị của ông ty Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc, cũng như sự thất bại trong quản trị của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất Công ty Dầu Gabon, Turkmangas và Saudi Aramco của Ả rập Saudi.
“Kết quả đánh giá của chỉ số quản trị tài nguyên cho chúng ta thấy rằng các tập đoàn, công ty dầu khí, khoáng sản quốc gia cần thiết phải có cải tổ một cách nghiêm túc để có thể đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển của quốc gia”, ông Ernesto Zedillo, cựu Tổng thống của Mexico, đồng thời là thành viên hội đồng quản lý của Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên đã phát biểu. “Quản trị hiệu quả trong lĩnh vực dầu khí và khai khoáng không phải là thách thức không thể vượt qua – chỉ số quản trị tài nguyên đã đưa ra các ví dụ, bằng chứng về các quốc gia đang phát triển nhưng đã vượt lên trên được các định kiến và kỳ vọng để quản trị tốt tài nguyên thiên nhiên của họ.”
Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên (NRGI) là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, hoạt động với mục tiêu hỗ trợ con người nhận ra những lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu khí của mỗi quốc gia thông qua những nghiên cứu ứng dụng và cách tiếp cận sáng tạo, cũng như các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn kỹ thuật và vận động chính sách. Đối tác chính của NRGI là các cơ quan cấp Bộ của chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các nhà báo, các cơ quan lập pháp, khối tư nhân, và các thể chế quốc tế nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình và quản trị hiệu quả ngành công nghiệp khai khoáng. |
Trong những khuyến nghị được đưa ra cùng với các số liệu, Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên NRGI kêu gọi các chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới sự minh bạch (bao gồm việc thực hành và tuân thủ các tiêu chuẩn về dữ liệu mở) cũng như lồng ghép chúng trong các quy định, chính sách đòi hỏi công khai thông tin liên quan đến những đối tượng hưởng lợi thực sự từ lợi nhuận các công ty khai khoáng và dầu mỏ.
NRGI cũng kêu gọi việc chống lại xu hướng hạn chế quyền tự do công dân tại một số các nước giàu tài nguyên. “Nơi mà tự do công dân và tự do báo chí bị xâm phạm thì chất lượng quản trị ngành công nghiệp khai thác cơ bản sẽ bị suy yếu” ông Kaufmann nói. “Tiếp cận thông tin liên quan đến các hợp đồng, nguồn thu, công ty/tập đoàn quốc doanh hay các quỹ đầu tư chính phủ chỉ có giá trị khi công dân có thể tham gia giám sát và yêu cầu trách nhiệm giải trình từ phía chính phủ và doanh nghiệp”.
Có thể nói, nghiên cứu đánh giá chất lượng quản trị ngành công nghiệp khai thác do Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên (NRGI) công bố tháng 6/2017 là tài liệu toàn diện nhất cho đến nay. Đánh giá này dựa trên nền tảng các nghiên cứu mới về tác động của chất lượng quản trị của các quốc gia tới nhận thức về giá trị tiềm năng cũng như quản lý, sử dụng nguồn thu hiệu quả từ tài nguyên thiên nhiên. Tài liệu này cũng tích hợp các đánh giá hiện tại về một “môi trường thuận lợi” (Enabling Environment) – như thước đo về khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin của người dân, mức độ tham gia, bày tỏ ý kiến của người dân trong các quá trình ra quyết định cũng như trách nhiệm giải trình của chính phủ, chất lượng của các thể chế hành chính, pháp quyền và kiểm soát tham nhũng.
Theo công bố này, Chỉ số Quản trị Tài nguyên của Việt Nam xếp ở mức trung bình toàn cầu là 48/100. Trong đó chỉ số tốt nhất là môi trường thuận lợi với điểm số 59/100 và kém nhất là quản lý nguồn thu với số điểm 30/100.
Về các khía cạnh chính sách của quá trình ra quyết định, điểm thấp nhất của Việt Nam là dự toán ngân sách quốc gia, hệ thống thuế của Việt Nam cũng bị xếp thấp nhất trong 15 đánh giá ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do Việt Nam chưa có các yêu cầu bắt buộc về công khai báo cáo tài chính của công ty nộp thuế, cơ quan thuế quốc gia cũng không được kiểm toán thường xuyên. Sự thiếu minh bạch trong quá trình cấp phép, không công khai hợp đồng khai thác cũng dẫn đến điểm trừ về chỉ số này. Thêm vào đó, sự thiếu thông tin về sự mức độ tham gia của nhà nước và phương pháp chia sẻ lợi ích cũng góp phần làm giảm điểm trong chỉ số này. Việt Nam được đánh giá là đi đầu về các quy định đối với tác động ở khu vực khai thác trong số các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với nhiều quy định mạnh mẽ về việc công bố kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường, tuân thủ quy định và bồi hoàn môi trường ở các khu vực khai thác. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng chưa có đủ thông tin để đánh giá liệu Việt Nam có công bố các tài liệu này hay không và mức độ tuân thủ các quy định môi trường thực tế của các công ty, do vậy Việt Nam cần thiết phải thực hiện tốt hơn khâu công khai các thông tin này. |
Minh Phương