BVR&MT – Kể từ năm 1880, nhiệt độ trái đất bắt đầu thay đổi thất thường theo từng tháng. Nhiệt độ toàn cầu tăng khác thường trong vài năm qua khiến tháng ba năm 2017 trở thành tháng ba nóng thứ hai được ghi nhận, chỉ sau tháng ba của năm 2016.
Theo số liệu mới được NASA công bố, nhiệt độ tháng ba nóng hơn 1,12oC so với mức trung bình giai đoạn 1951-1980, chỉ thấp hơn nhiệt độ tháng ba năm 2016 với mức chênh 1,27oC.
Mặc dù nhiệt độ trái đất năm 2016 bị tác động bởi hiện tượng El Niño khiến nước biển phía đông Thái Bình Dương ấm hơn bình thường, nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu phần lớn là do con người gây ra. Theo một nghiên cứu mới đây, carbon dioxide – khí nhà kính chủ yếu dẫn đến gia tăng nhiệt độ toàn cầu – hiện đang ở mức chưa từng có trong lịch sử loài người, và có thể đạt tới mức cao nhất trong vòng 50 triệu năm nếu không có sự can thiệp.
Kể từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp, nồng độ carbon dioxide đã tăng từ 280ppm lên 400 ppm, và có thể sẽ đạt mức kỷ lục 410 ppm trong vài tuần tới.
Mặc dù hiện tượng El Niño đã kết thúc, song có một vài dấu hiệu cho thấy nó có thể trở lại vào cuối năm nay. Năm 2017 được dự đoán sẽ không chiếm ngôi nóng nhất của năm 2016 song cơ quan dự báo thời tiết U.K. Met Office cho rằng 2017 vẫn có thể là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử. Cho đến nay, dữ liệu nhiệt độ trái đất vẫn đang cho kết quả trùng khớp với dự báo này.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), trong số 17 năm nóng nhất, có tới 16 năm thuộc thế kỷ 21 và 5 năm trong khoảng từ năm 2010 cho đến nay. NOAA cũng sẽ đưa ra dữ liệu về nhiệt độ trái đất trong tháng 4 này, với bảng xếp hạng tương tự như NASA.
Hồng Anh/ Theo LiveScience