Yêu thương và chia sẻ khó khăn với đồng bào

BVR&MT – Nhiều chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động trong thời điểm dịch COVID-19 đang căng thẳng. Nhiều người lao động mất việc, mất thu nhập, rất khó xoay sở. Đến lúc này, rất cần tấm lòng san sẻ với đồng bào của mình trong lúc khó khăn. Nếu không còn chỗ ở, người lao động sẽ đi về đâu? Sự thấu hiểu và sẻ chia cụ thể với người lao động gặp khó khăn: Giảm và miễn tiền trọ cho lao động nghèo mất việc – rất cần vào lúc này…

Chủ khu nhà trọ Bảo Ngọc (ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã quyết định miễn tiền phòng trong tháng 7 (1,1 triệu đồng) để chia sẻ khó khăn với người lao động trong dịch bệnh.

Cuối tuần trước, khi Chính phủ có yêu cầu hỗ trợ tiền điện, tiền nước cho bà con bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hầu hết người dân hoan nghênh, gửi phản hồi về Báo Điện tử Chính phủ, trang fanpage Thông tin Chính phủ. Trong những dòng tin nhắn, ý kiến đó, bên cạnh niềm vui được hỗ trợ, có nhiều ý kiến mong muốn giảm thêm một dịch vụ nữa – tiền thuê trọ, khoản chi phí không nhỏ trong ngân quỹ sinh hoạt của bà con. Việc này đòi hỏi tấm lòng của các chủ nhà trọ…

Đa số ý kiến từ các đô thị lớn, có số lượng lao động nhập cư đông như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…với chung nỗi lòng giữa đại dịch COVID-19 là mong được chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê, để bớt đi những khó khăn, gánh nặng trong lúc thất nghiệp vì dịch bệnh, “giảm được đồng nào, hay đồng ấy”. Có nhiều người mong mỏi được chủ nhà giảm khoảng 20-30% hoặc giãn việc trả phòng ra 1-3 tháng để bớt gánh nặng. Câu chuyện miễn, giảm tiền thuê nhà trọ rất được quan tâm trong những ngày này.

Nhiều con phố nhộn nhịp, sầm uất giờ đây phải cửa đóng, then cài bởi những hàng rào chằng chịt dây trắng đỏ, khoanh vùng phong toả. Ở trong những con hẻm chật chội, đông đúc thì cân gạo, bó rau, quả trứng… hay đến tiền thuê trọ sẽ giúp cho những gia đình nghèo, lao động thời vụ, mất việc làm cảm thấy ấm lòng.

Thực tế, nhiều chủ nhà trọ đã mở lòng giảm tiền trọ hoặc thậm chí miễn phí luôn tiền trọ cho công nhân lao động gặp khó khăn, thất nghiệp; có những người còn ôm từng bó rau, thùng mì để cứu đói cho những người thuê trọ. Những câu chuyện về những chủ nhà trọ tốt bụng được lan tỏa nhiều trên báo chí, mạng xã hội thời gian qua. Đó là câu chuyện một chủ nhà trọ ở TP. Thủ Đức, TPHCM đã quyết định miễn phí toàn bộ tiền phòng trọ cho 120 công nhân đang thuê ở. Không chỉ giảm tiền nhà trọ mà còn hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm như gạo, mỳ, trứng, rau, củ… bảo đảm bữa ăn cho công nhân, giúp họ hạn chế ra đường, tránh lây bệnh. “Người thuê cũng là người nuôi mình nên giảm tiền trọ là điều cần thiết trong lúc dịch khiến nhiều người khó khăn. Mình làm nhà trọ lâu nên cũng hiểu hoàn cảnh của họ, giờ lá lành đùm lá rách” là chia sẻ của chủ nhà trọ.

Anh Phan Ý, tạm trú tại khu nhà trọ Bảo Ngọc (ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) mới đây đã xúc động chia sẻ niềm vui của mình lên mạng xã hội khi được chủ nhà trọ miễn tiền phòng trong tháng 7 (1,1 triệu đồng) để chia sẻ khó khăn với người lao động trong dịch bệnh (như trong ảnh). Ở dưới phần chia sẻ của anh là hàng trăm bình luận bày tỏ sự cảm mến với tấm lòng người chủ trọ tốt bụng này. Khu nhà trọ nơi anh tạm trú có 13 phòng, hầu hết là công nhân lao động làm việc tại các nhà máy trên địa bàn Nhơn Trạch.

Tuy nhiên, vẫn có những chủ nhà trọ không có “động thái” nào trong mùa dịch. Cũng có ý kiến cho rằng, cần Nhà nước vào cuộc, miễn, giảm lãi vay ngân hàng cho chủ nhà trọ (nếu họ vay để xây nhà kinh doanh) hay có gói hỗ trợ tiền thuê nhà…. Có ý kiến nhìn nhận rằng việc này dựa trên tinh thần tự nguyện, tương thân tương ái hỗ trợ nhau, chứ không thể ép buộc; kêu gọi, vận động là chính. Tinh thần này cũng không phụ thuộc tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều xuất phát từ những tấm lòng, từ trái tim.

“An cư” là chống dịch. Theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, tại các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc các địa phương phải bảo đảm đời sống của người dân để họ có đủ điều kiện vật chất, tinh thần, sự yên tâm, tin tưởng thực hiện yêu cầu giãn cách.

Những ngày “sống chậm” của người dân, “ai ở đâu ở đó” là những ngày cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hối hả, tranh thủ “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để đẩy lùi dịch bệnh; bỏ lỡ một ngày là một ngày thua cuộc. Tuy nhiên, trong sự hối hả đó thì vấn đề quan tâm, chăm lo đời sống, miếng cơm, manh áo đối với từng hộ gia đình, từng người dân sẽ vô cùng khó khăn. Lúc này, cần sự góp sức của mỗi cá nhân để người có hoàn cảnh khó khăn ấm lòng hơn.

Biến chủng Delta có sức lây lan rất mạnh (trung bình một người có thể lây cho 8-9 người trong khi chủng gốc chỉ là 2 người), nhưng tình người, sự nhân văn còn lan tỏa mạnh hơn. Virus ác hiểm, chết chóc đến đâu thì “vaccine” tình người mạnh hơn đến đó. Sự đồng tâm, đồng sức đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng hơn bao giờ hết và đó là động lực, là sức mạnh giúp đất nước ta nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Được cùng chia, khó khăn cùng san sẻ sẽ là phương châm hành động trong hoàn cảnh khó khăn bởi đại dịch. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Hơn lúc nào hết, rất cần tấm lòng san sẻ của mọi người, dành sự quan tâm và giúp đỡ với người nghèo, người yếu thế để xã hội thêm tốt đẹp.