Yên Bái: Triển vọng từ cây hà thủ ô đỏ

BVR&MT – Thành công của đề tài khoa học về cây hà thủ ô đỏ sẽ góp phần phát triển và nhân rộng diện tích trồng, nâng cao giá trị dược liệu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và định hướng xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế, tạo sinh kế cho người dân, nâng cao giá trị về du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Giảng viên Đỗ Xuân Trường hướng dẫn các hộ dân tham gia dự án kỹ thuật trồng cây hà thủ ô đỏ đảm bảo mật độ và chăm sóc đúng kỹ thuật.

Hà thủ ô đỏ là một loài thực vật thuộc họ rau răm, có tên khoa học là Polygonum multiflorum. Đây là một loại thảo dược quý được biết đến như một loại thuốc bổ trong ứng dụng y học cổ truyền Việt Nam để hỗ trợ điều trị các bệnh về hệ thần kinh, tim mạch, chống lão hóa và đặc biệt có khả năng hỗ trợ và điều trị chứng rụng và bạc tóc sớm, kéo dài tuổi thọ. Hà thủ ô thường mọc hoang ở các tỉnh miền núi, tập trung chủ yếu là Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang…

Để mở rộng diện tích và đánh giá khả năng sinh trưởng của cây hà thủ ô đỏ tại Yên Bái, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên vừa phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Yên Bái, Hợp tác xã Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn tổ chức thực hiện Đề tài khoa học “Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến khả năng sinh trưởng của cây hà thủ ô đỏ”.

Thạc sỹ Đỗ Xuân Trường – Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết: Dựa trên kết quả nghiên cứu cây hà thủ ô đỏ trên vùng đất này trong vòng 3 năm qua và căn cứ vào các điều kiện về đất, nước và sinh thái để chúng tôi triển khai thực hiện đề tài này. Qua nghiên cứu, chúng tôi đánh giá cây hà thủ ô được trồng ở đây phát triển tương đối tốt và là loại dược phẩm quý phục vụ cho việc sản xuất các loại thuốc quý. Đây là cơ sở để các nhà sản xuất thuốc xác định và mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất”.

Đề tài này được thực hiện tại Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô, xã Thượng Bằng, huyện Văn Chấn nhằm xác định được ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến khả năng sinh trưởng của cây hà thủ ô đỏ, làm cơ sở xác định quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc đạt năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Yên Bái đề tài được giao cho hai em Trần Lê Phương Anh và Đặng Minh Thư thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo Vũ Thị Thành.

Em Trần Lê Phương Anh chia sẻ: “Việc tham gia giúp em nâng cao kiến thức và có thêm kỹ năng trong thực hiện các bước của đề tài và còn giúp em nâng cao khả năng làm việc theo nhóm, kỹ năng xử lý số liệu. Đây là một điều rất thú vị khi em được tham gia trải nghiệm, cùng làm và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những người nông dân và mong muốn Đề tài được thực hiện thành công để giúp nâng cao giá trị của cây hà thủ ô đỏ”.

Là giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài, cô giáo Vũ Thị Thành cho biết: “Đây là lần đầu tiên các em học sinh tham gia thực hiện đề tài nên bản thân giáo viên phụ trách phải thường xuyên động viên, nỗ lực cùng các em thực hiện. Qua thực hiện Đề tài sẽ giúp các em học sinh và bà con nông dân nắm rõ hơn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất cây cây hà thủ ô. Đây cũng là dịp để các em học sinh rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu, khả năng xử lý số liệu, làm việc theo nhóm, đặt giả thuyết khoa học… của học viên khi tham gia đề tài khoa học kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học thực nghiệm về lĩnh vực Sinh học của học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Thành công của Đề tài sẽ góp phần phát triển và nhân rộng diện tích trồng hà thủ ô đỏ, nâng cao giá trị dược liệu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và định hướng xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế, tạo sinh kế cho người dân, nâng cao giá trị về du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Ông Sầm Văn Nưa – Phó Giám đốc Hợp tác xã Lũng Lô cho biết: ” Chúng tôi được các giảng viên và cán bộ tham gia Đề tài hướng dẫn kỹ thuật rất tỉ mỉ. Mật độ cây trồng và quy trình bón phân được thực hiện đảm bảo đúng kỹ thuật. Việc trồng cây theo đúng mật độ (cây cách cây 60 cm, hàng cách hàng 60 cm) giúp bà con thuận lợi hơn cho việc chăm sóc, làm cỏ, bón phân và cây sẽ phát triển tốt hơn so với cách trồng truyền thống trước đây”.

Việc phát triển cây hà thủ ô đỏ không chỉ mở ra triển vọng thu nhập cho người dân mà còn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững đang được huyện Văn Chấn triển khai mạnh mẽ. Đồng thời, góp phần mở rộng vùng nguyên liệu trồng các loại dược liệu quý, phục vụ cho sản xuất thuốc, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập của người dân trên một đơn vị diện tích.