Yên Bái: Phát triển doanh nghiệp làm “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế

BVR&MT – Năm 2021, dịch bệnh Covid -19 đã tác động nặng nề lên hoạt động đầu tư; sản xuất, kinh doanh (SXKD). Tuy nhiên, chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp (DN) mới của Yên Bái vẫn vượt so với kế hoạch.

Công nhân Công ty cổ phần Juma Yên Bái trụ sở tại xã Xuân Ái huyện Văn Yên đẩy mạnh sản xuất cuối năm.

Theo đó, trong năm 2021, Yên Bái thành lập mới được 326 DN, với tổng vốn đăng ký của các DN thành lập mới đạt 4.483 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 114,4% so với kế hoạch.

Đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: mặc dù tác động của dịch bệnh đã được xác định từ trước; tuy nhiên, năm 2021 cũng được đánh giá là có nhiều thuận lợi khi công tác xúc tiến đầu tư được cải thiện.

Trong đó, từ việc cải cách thủ tục hành chính, ngày càng có nhiều các dự án đầu tư mới được triển khai thi công và là cơ hội để các DN mở rộng lĩnh vực, quy mô SXKD. Bám sát kế hoạch phát triển DN của tỉnh, ngay từ đầu năm, các ngành, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ tư vấn hỗ trợ phát triển DN nhằm tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời các hộ kinh doanh, cá nhân có nhu cầu thành lập DN; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản trị cho DN; hỗ trợ các thủ tục liên quan đến kế toán, thuế, kết nối vốn vay ưu đãi… cho DN mới thành lập.

Để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian trong thủ tục thành lập DN mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký DN và quy định “4 tăng”, “2 giảm”, “3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính. Vì vậy, 100% hồ sơ đăng ký DN được cấp đúng và trước thời hạn quy định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, Phòng Đăng ký kinh doanh cũng đã hỗ trợ, khuyến khích người dân, DN sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi đăng ký DN, hộ kinh doanh và HTX. Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực thành lập và hoạt động của DN luôn bảo đảm kế hoạch đề ra.

Song song với phát triển số lượng DN mới, các địa phương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt công tác tiếp DN định kỳ hàng tháng. Qua đó, tiếp nhận và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD của DN.

Nhờ vậy, các DN trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì hoạt động ổn định và toàn tỉnh hiện có 2.655 DN; trong đó, có 1.664 công ty TNHH; 590 công ty cổ phần; 352 DN tư nhân; 36 DN FDI; 10 DN 100% vốn NN (địa phương quản lý); 3 DN 100% vốn NN (trung ương quản lý).

Phát triển DN tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là động lực, đầu tàu để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Để đồng hành cùng cộng đồng DN, nhà đầu tư, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các DN, doanh nhân; tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các DN về cơ chế, chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất; tiếp tục tổ chức đối thoại, lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc đối với doanh nhân và DN.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiếp tục xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 – 2025, trọng tâm là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh”. Theo đó, tỉnh tiếp tục tạo thuận lợi, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa gắn với Đề án phát triển DN tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025 và chính sách hỗ trợ phát triển DN, giai đoạn 2021 – 2025; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu… theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ thực hiện.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho DN; tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các lĩnh vực thành lập và hoạt động của DN. Khuyến khích, hỗ trợ DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số vào hoạt động SXKD.