BVR&MT – Phát triển mạng lưới giao thông vùng cao là một trong những chủ trương lớn, khâu đột phá chiến lược của tỉnh Yên Bái, sau nhiều nỗ lực, đến nay hệ thống đường giao thông liên vùng, liên huyện, liên xã được kết nối, từng bước hoàn thiện, mang lại sức sống, diện mạo mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư vào địa bàn khó khăn của tỉnh.
Gạch nối liên kết vùng
Chiếm phần lớn diện tích của tỉnh Yên Bái là đồi núi hiểm trở, địa hình chia cắt, đi lại rất khó khăn. Do vậy, phát triển hạ tầng giao thông luôn được tỉnh đặc biệt ưu tiên đầu tư, nhất là mạng lưới giao thông khu vực vùng cao, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Hàng loạt tuyến đường giao thông kết nối vùng, liên vùng, xoay quanh tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại tỉnh Yên Bái đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Tiêu biểu là tuyến đường nối 3 tỉnh từ Mường La của tỉnh Sơn La đi qua Than Uyên của tỉnh Lai Châu, rồi chạy qua các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên của tỉnh Yên Bái để kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại nút giao IC15. Dự án có tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, với quy mô đường cấp IV miền núi có tổng chiều dài gần 70 km.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết, công trình hoàn thành sẽ phá thế độc đạo từ trung tâm tỉnh Yên Bái đi huyện Mù Cang Chải, rút ngắn thời gian di chuyển từ Mù Cang Chải về thành phố Yên Bái chỉ còn hơn 2 tiếng. Đặc biệt, rút ngắn thời gian di chuyển từ Mù Cang Chải về Hà Nội từ 7 – 8 tiếng xuống còn 4 – 5 tiếng. Đây là cơ hội thuận lợi để địa phương phát triển sản xuất, đẩy mạnh giao thương, phát triển du lịch và thu hút đầu tư vào khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái.
Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, nhiều tuyến đường liên vùng đang được khẩn trương thi công, sẽ kết nối huyện Trạm Tấu với quốc lộ 32 tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu với huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Hai tuyến đường sắp hoàn thành sẽ phá thế độc đạo của huyện Trạm Tấu, liên kết hệ thống giao thông liên huyện, liên xã thông suốt; bảo đảm các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện thuận tiện đi lại cả bốn mùa, đáp ứng niềm mong mỏi bao đời của người dân vùng cao nơi đây.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, tổng chiều dài của hai tuyến đường là 55 km, được xây dựng với quy mô là đường giao thông cấp VI miền núi, có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, các tuyến đường dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Mở ra cơ hội giao thương, kết nối giữa huyện Trạm Tấu, huyện Bắc Yên với các địa phương của hai tỉnh Yên Bái, Sơn La và khu vực Tây Bắc, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên hiện đang có hàng loạt tuyến đường được triển khai xây dựng để đấu nối vào IC13, IC14, IC15 của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang thi công, như: dự án đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại điểm IC15; dự án kết nối giao thông thị xã Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại nút giao IC14; tuyến nối Quốc lộ 37 với các huyện Yên Bình, Lục Yên qua nút IC13…
Các tuyến đường này góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao khả năng vận tải, giảm chi phí, thời gian đi lại giữa các khu vực trong tỉnh, các địa phương trong vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư, kinh doanh, phát triển du lịch trên địa bàn.
Điểm sáng giao thông nông thôn
Xác định giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, chính vì vậy trong 3 năm trở lại đây, việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn được tỉnh Yên Bái ưu tiên đầu tư xây dựng trước, huy động và lồng ghép mọi nguồn lực, nhất là sự đóng góp công sức, vật liệu và hiến đất đai của người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố hóa gần 1.600 km đường giao thông nông thôn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Nhờ duy trì hiệu quả chương trình Ngày cuối tuần cùng dân và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện kiên cố hóa gần 400 km đường giao thông nông thôn, với bề rộng mặt đường từ 3 mét trở lên. Hình thành các tuyến đường chính kết nối giao thông liên xã, liên thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn và đúng quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Sùng A Chua chia sẻ, đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 85% các thôn, bản có đường bê tông kết nối với trung tâm xã; tổng toàn huyện có gần 650 km đường liên thôn, liên bản được kiên cố hóa, chiếm trên 70% tổng số đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Những tuyến đường giao thông được mở rộng, kiên cố hoá đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, khai thác thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương.
Là điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, toàn huyện Lục Yên có 920 km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, xây dựng mới 16 cầu cứng bằng bê tông cốt thép; 623 công trình cống thoát nước các loại. Tổng kinh phí vốn đầu tư xây dựng giao thông nông thôn là 632,4 tỷ đồng, trong đó huy động đóng góp từ nhân dân trên 150 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên – Đoàn Ngọc Tuấn cho biết, nhờ sự đồng thuận trong nhân dân, phong trào hiến đất, đóng góp tiền của, công sức chung tay làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, từ đó việc sử dụng và lồng ghép các nguồn vốn rất có hiệu quả. Giao thông thuận lợi, mở ra cho huyện Lục Yên nhiều cơ hội phát triển kinh tế, hàng hóa được thông thương, trẻ em đi học thuận tiện, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.
Với nhiều cách làm sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa được gần 1.600 km, nâng tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn lên 5.450 km. Đặc biệt, phong trào tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc với giá trị hàng trăm tỷ đồng đã lan tỏa sâu rộng, trở thành ý thức tự giác của mỗi hộ gia đình khi có tuyến đường đi qua.
Những con đường liên tiếp được mở rộng và làm mới đã phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội cho vùng cao của tỉnh Yên Bái, góp phần quan trọng đưa diện mạo nông thôn thay đổi khang trang, hiện đại. Đến nay 100% địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được cả 4 mùa trong năm, mở ra không gian phát triển mới, xây dựng nông thôn mới, đó chính là những tuyến đường của ý Đảng, lòng dân.