BVR&MT – Chè là loại cây trồng không xa lạ với người dân Yên Bái. Trải qua nhiều thăng trầm, cây chè vẫn khẳng định được vị thế và là cây trồng chủ lực trong tập đoàn cây công nghiệp của tỉnh…
Trong suốt một thời gian dài, Yên Bái luôn là địa phương nằm trong hàng “top ten” của các tỉnh sản xuất, kinh doanh chè trong cả nước từ diện tích, năng suất đến sản lượng. Không chỉ vậy, Yên Bái còn có những rừng chè Shan tuyết trên 300 năm tuổi, trong đó có cây chè được xếp vào một trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới.
Yên Bái cũng là địa phương có vùng chè trồng và sản xuất với quy mô công nghiệp đầu tiên do chính bàn tay của những người lính Cụ Hồ sau chiến thắng Điện Biên Phủ trồng, kiến thiết và xây dựng. Đó là Nhà máy Chè Trần Phú vào những năm 1960 với công suất 40 tấn búp tươi/ngày, lớn nhất nước lúc bấy giờ. Từ những đồi chè, nương chè quốc doanh đầu tiên ấy đã hình thành phát triển vùng chè Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trấn Yên, Yên Bình với diện tích gần 13.000 ha.
Dẫu qua nhiều thăng trầm, nhưng chè đã được khẳng định là cây trồng chủ lực trong tập đoàn cây công nghiệp ở Yên Bái trong mấy chục năm qua. Chè không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là một ngành chế biến có giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, sản xuất, kinh doanh chè gặp những khó khăn nhất định, diện tích chè liên tục suy giảm. Hết năm 2021, toàn tỉnh chỉ còn 7.436 ha, giảm 2.220 ha so với năm 2016 (Trấn Yên giảm 1.042 ha, Yên Bình 1.074 ha, huyện Mù Cang Chải 171 ha, Lục Yên 160 ha và thành phố Yên Bái 373 ha).
Nguyên nhân chính là do những diện tích chè già cỗi, không được đầu tư chăm sóc, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân đã chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả và một phần diện tích giảm do thu hồi đất để làm các công trình giao thông, dân cư.
Trong diện tích chè hiện có, có 6.989 ha cho sản phẩm. Về cơ cấu giống, chè trung du trên 1.093 ha, chè lai LDP1, LDP2 trên 3.696 ha; chè Shan trên 2.175 ha. Cùng đó là các giống chè nhập nội có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên với diện tích 469,9 ha.
Thực tiễn cho thấy, những diện tích chè đã được trồng cải tạo, trồng thay thế bằng các giống chè mới, được đầu tư chăm sóc tốt, thu hái đúng kỹ thuật không chỉ đáp ứng cho chế biến, xuất khẩu mà còn mang lại thu nhập cao cho người làm chè.
Đối với những diện tích đầu tư thâm canh cao, năng suất chè vẫn đạt 20 – 25 tấn/năm (vùng chè Nghĩa Lộ), với những diện tích chè được quản lý của doanh nghiệp hoặc mới được trồng thay thế năng suất bình quân đạt 12 – 15 tấn, diện tích chè Shan vùng cao (Nậm Búng, Gia Hội) năng suất bình quân đạt 8 – 10 tấn/ha.
Với năng suất, sản lượng như vậy cùng với giá thu mua bình quân trong năm 2021 với chè trung du từ 2.800 – 3.000 đồng/kg; chè lai LDP1, LDP2 từ 3.000 – 4.000 đồng/kg; chè Shan cành mật độ cao từ 6.500 – 8.000 đồng/kg; chè nhập nội giá trung bình từ 15.000 – 18.000 đồng/kg; chè Shan cổ thụ giá trung bình từ 22.000 – 25.000 đồng/kg. Đặc biệt, chè thu hái chất lượng cao 1 tôm – 1 lá có giá thu mua tới 60.000 đồng/kg.
Như vậy, chè vẫn là cây mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định nếu các hộ dân tích cực quan tâm đầu tư chăm sóc, thâm canh. Năm 2021, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn 4, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, với diện tích 4.500 m2 giống chè LDP2 cho sản lượng 13.025 kg chè búp tươi, bán với giá thị trường sau trừ chi phí thu nhập đạt 55,5 triệu đồng/ha.
Hộ ông Phạm Quốc Hiệp ở thôn 2, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ trồng 4 ha chè lai LDP2, nhờ đầu tư chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật đạt năng suất 25 tấn/ha. Gia đình ông Vàng A Giao ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, Văn Chấn có diện tích 2,4 ha chè cổ thụ (khoảng 1.000 – 1.200 cây), mỗi vụ thu hái được 1,5 tấn búp tươi/ha/năm, thu hái đến đâu gia đình tự chế biến luôn, được 5 tạ chè khô bán với giá từ 300.000 – 800.000 đồng/kg, còn lại bán chè búp tươi với giá 25.000 đồng/kg, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Hộ ông Trần Đức Mạc ở thôn Hồng Thái, xã Nga Quán, Trấn Yên sản xuất 1,5 ha chè Bát Tiên, không bán nguyên liệu mà gia đình tự chế biến chè thành phẩm đạt 1,6 tấn/năm, giá bán từ 200.000 – 250.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 70 – 80 triệu đồng. Hay như nhóm 5 hộ gia đình ở thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh liên kết sản xuất bằng giống chè Bát Tiên và LDP1 với diện tích trên 5 ha, sản xuất theo quy trình VietGAP và có 3 hộ sản xuất, chế biến đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, bán với giá 250.000 – 300.000 đồng/kg, chè VietGAP 150.000 – 200.000 đồng/kg mang lại hiệu quả rất cao.
Hiện nay, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, chè VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất kinh doanh chè nói riêng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản. Hiện nay, nguồn cung sản phẩm chè trên thế giới đang bị thiếu hụt, đây là thời điểm thuận lợi để sản phẩm chè Việt Nam, trong đó có sản phẩm chè Yên Bái tham gia thị trường tiêu thụ thuận lợi. Người nông dân và doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư, cải tạo, liên kết phát triển vùng nguyên liệu, lắp đặt thiết bị và tăng cường xúc tiến thương mại, hướng tới sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.