Y học cổ truyền Trung Quốc đẩy động vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng

BVR&MT – Truyền thống chăm sóc sức khỏe lâu đời nhất thế giới đã góp phần đẩy một số loài động vật đến bờ vực tuyệt chủng.

Y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) là một hệ thống chăm sóc sức khỏe có từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, phát triển từ các tác phẩm của những thầy lang cổ đại ghi lại những quan sát về cơ thể, chức năng và phản ứng của cơ thể với các phương pháp trị liệu và điều trị khác nhau, bao gồm các phương thuốc thảo dược, xoa bóp và châm cứu. Trong hơn 2.000 năm, các thế hệ thầy lang và học giả đã bổ sung và sàng lọc kiến ​​thức. Kết quả là hình thành một danh sách dài các tác phẩm điều trị mọi loại vấn đề sức khỏe, từ cảm lạnh thông thường đến ung thư, từ mang thai đến tuổi già.

Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã chấp nhận y học dựa trên khoa học, song TCM vẫn phổ biến và thường được các bệnh viện, phòng khám áp dụng. TCM cũng vươn ra ngoài biên giới Trung Quốc và có mặt ở hơn 180 quốc gia, trở thành ngành công nghiệp thu về giá trị hơn 60 tỷ USD mỗi năm.

Tuy có lịch sử lâu đời và ngày càng phổ biến, song TCM bị cộng đồng y tế chỉ trích vì thiếu hiệu quả trong nhiều phương cách ứng dụng và sử dụng nhiều chất có nguồn gốc từ động vật dẫn đến làm tăng nhu cầu đối với các loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Một cửa hàng bán các sản phẩm từ ĐVHD ở Trung Quốc (Ảnh: National Geographic).

Tác động của TCM với động vật

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm TCM đã gây ra hậu quả tàn khốc cho nhiều loài động vật hoang dã. Trong một số trường hợp, việc săn trộm động vật để lấy các bộ phận cơ thể phục vụ y học cổ truyền là lý do chính khiến một loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Trường hợp của tê tê là một ví dụ. Hàng triệu con đã bị săn trộm từ năm 2000 đến 2013. Nhu cầu về vảy của những sinh vật ăn kiến ​​nhỏ bé này rất cao, thường được nghiền thành bột hoặc hồ nhão và được cho là lợi sữa, chữa viêm khớp và nhiều bệnh khác.

Cùng chịu chung số phận là tê giác và hổ – hai loài bị săn lùng để lấy sừng và xương. Tuy nhiên, rất ít bằng chứng khoa học cho thấy những phương pháp điều trị từ các bộ phận này có hiệu quả mặc dù trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể thấy kết quả do hiệu ứng giả dược.

Khao khát các sản phẩm TCM cũng dẫn đến việc đối xử tệ với động vật. Gấu chó và gấu ngựa bị bắt từ rừng hoặc nuôi nhốt để lấy mật vì cho rằng mật gấu có thể chữa bệnh gan và một vài bệnh khác. Trong quá trình lấy mật, những con gấu thường bị nhốt trong những chiếc cũi nhỏ và sống với một ống thông vĩnh viễn để rút mật, bất chấp chiếc ông này có thể bị rỉ sét hoặc xuống cấp.

Giảm tiêu dùng

Để đối phó với cuộc khủng hoảng săn trộm, các quốc gia đã cấm giết và bắt giữ nhiều động vật được sử dụng trong y học cổ truyền. Ngoài ra, một hiệp ước động vật hoang dã toàn cầu là CITES cũng đã cấm hoặc hạn chế buôn bán thương mại một số loài động vật cùng các bộ phận, dẫn xuất của chúng.

Tuy nhiên, việc buôn bán động vật hoang dã nhằm phục vụ TCM và các mục đích khác vẫn thúc đẩy thị trường chợ đen nguy hiểm và tinh vi trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm.

Nhiều người trong cộng đồng TCM đã nỗ lực can ngăn việc sử dụng các phương thuốc có thành phần động vật. Năm 1993, sừng tê giác và xương hổ đã bị loại bỏ khỏi dược điển truyền thống của Trung Quốc. Năm 2010, Liên đoàn thế giới các hội y học Trung Hoa ra tuyên bố kêu gọi các thành viên không sử dụng xương hổ hoặc bất kỳ bộ phận nào khác từ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra, nhiều người hành nghề TCM có uy tín cũng chuyển sang kê đơn các phương thuốc thay thế cho những toa có thành phần là động vật.

Đáng chú ý là các doanh nhân ở Trung Quốc và các nước châu Á khác cũng đã bắt đầu nuôi gấu và hổ theo phê chuẩn của chính phủ như một cách để ngăn chặn nạn săn trộm trong tự nhiên. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng nuôi không phải là giải pháp thỏa đáng bởi nhiều động vật trong các “trang trại” này đã bị bắt từ tự nhiên, bị đối xử vô nhân đạo và thường bị giết để cung cấp các bộ phận cơ thể cho thị trường chợ đen.

Nhật Anh (Theo Nationalgeographic.com)