Ý chí thoát nghèo

BVR&MT – Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vẫn còn một bộ phận người nghèo có thu nhập thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu chung của dân cư, thiếu hụt các điều kiện sống, khả năng tiếp cận việc làm, các dịch vụ xã hội cơ bản. Nguyên nhân khách quan do nước ta là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; nhiều vùng, địa phương có địa hình chia cắt, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình di cư tự do…

Mô hình sản xuất cây giống giúp tạo thu nhập ổn định cho người dân huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Phúc Nhân.

Trong khi đó, nhiều địa phương chưa nhận thức đúng, đầy đủ về công tác giảm nghèo. Ở một số địa bàn, người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, còn mang tính ngắn hạn, chưa thật sự tạo động lực. Nguồn lực, giải pháp giải quyết các vấn đề sinh kế ổn định, tạo thu nhập cho người nghèo, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn còn hạn chế.

Ở không ít nơi, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo còn cao. Sự phân hóa giàu, nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng. Thực trạng nghèo đói, thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản vẫn ở mức cao, phân bố không đồng đều, có xu hướng tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, từ đó có nhiều chương trình, dự án ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Theo số liệu thống kê, số hộ nghèo giảm hơn 60% so với giai đoạn 2011 – 2016, với hơn sáu triệu người thoát nghèo, hơn hai triệu người thoát cận nghèo; thu nhập bình quân của người nghèo giai đoạn 2016 – 2020 tăng 2,3 lần.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1% – 1,5% hằng năm. Mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao… Do vậy, việc sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 là rất cần thiết. Mục tiêu đặt ra là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo. Mục tiêu phấn đấu là thúc đẩy thực hiện mục tiêu đạt mức bình quân giảm tỷ lệ nghèo cả nước từ 1% – 1,5%/năm.

Thực tiễn cho thấy, xây dựng Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn mới cần bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Cần đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện. Từng bước bãi bỏ các chính sách cho không theo từng nhóm đối tượng, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn lực giảm nghèo song cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo đảm phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, tăng mức vay vốn tín dụng ưu đãi, ban hành chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với hộ thoát nghèo, không tái nghèo. Vấn đề mấu chốt nữa là cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách tăng cường, luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ cấp huyện, ưu tiên các cán bộ lĩnh vực nông nghiệp về làm việc tại các xã nghèo, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Phân công trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy, đơn vị phụ trách hỗ trợ, giúp đỡ địa bàn nghèo, phân công đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo.

Ý chí thoát nghèo phải nung nấu từ mỗi người dân, với trách nhiệm và giải pháp tháo gỡ lo cho dân của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan. Hiện thực hóa ý chí thoát nghèo phải cụ thể từ miếng cơm, manh áo, từ thu nhập, đời sống của dân; từ các chỉ tiêu được hoàn thành hay chưa làm cơ sở để đánh giá. Để thoát nghèo, ý chí thôi chưa đủ, còn cần giải pháp và nguồn lực. Và vì thế, ngoài tự lực, điều ấy rất cần trách nhiệm chung tay.