Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020

BVR&MT – Thái Nguyên là “đầu tàu” tiên phong về phát triển kinh tế xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là tỉnh dẫn đầu vùng về quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước và xuất khẩu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Trung tâm Thành phố Thái Nguyên.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội và tâm lý, đời sống của nhân dân, đặc biệt tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu và các ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 2,63%, cao hơn bình quân chung của cả nước; sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi; nông nghiệp tăng trưởng tốt, xây dựng nông thôn mới có nhiều thành tựu; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá với 10 dự án FDI, tổng mức vốn đăng ký 30,3 triệu USD.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần quyết tâm chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; thành lập Tổ công tác để rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của từng dự án, đảm bảo tiến độ các dự án với tinh thần quyết tâm sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ toàn bộ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quá trình giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư. Kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, dự án có khả năng giải ngân cao. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; thực hiện lập Quy hoạch tỉnh theo nhiệm vụ đã được phê duyệt; xây dựng các quy hoạch, phương án phát triển kinh tế – xã hội, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng của địa phương, trong đó chú trọng nghiên cứu phát triển một số lĩnh vực sau: (I) Công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ; (II) Xây dựng và kinh doanh bất động sản; (III) Nông, lâm nghiệp và thủy sản: (IV) Thương mại – du lịch và dịch vụ; (V) Y tế, chăm sóc sức khỏe; (VI) Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; (VII) Công nghệ thông tin.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên ngày càng hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút có hiệu quả đầu tư trong và ngoài nước bằng các hình thức phù hợp, chú trọng thu hút đầu tư một số lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết nối với các doanh nghiệp FDI để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị xuất khẩu của cả nước, tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết (EVFTA, CPTPP).

Ông Đặng Văn Huy, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thu hút đầu tư và đạt được những kết quả tích cực. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh và phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tổ chức, tham gia nhiều hoạt động, hội thảo, hội nghị như: Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh GMS, Triển lãm 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam đều được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội; Chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại – du lịch tại Braxin và Canada; Tọa đàm xúc tiến kinh tế, thương mại, nông nghiệp và logistic Việt Nam – Trung Quốc tại Tứ Xuyên – Trung Quốc; Chương trình xúc tiến thương mại tại Liên bang Nga, Hungary, Sec,…  

Đặc biệt vào tháng 7/2018, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên – Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”; đã thu hút 1.360 đại biểu lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các định chế tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tại Hội nghị, tỉnh đã trao Quyết định phê duyệt chủ trương, Giấy chứng nhận đăng ký và Biên bản ghi nhớ đầu tư cho 50 dự án với tổng vốn đăng ký 46.785 tỷ đồng; trong đó đã có 41 nhà đầu tư đăng ký triển khai 53 dự án với tổng vốn 108.961 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2020, tổng kinh phí nhà đầu tư thực hiện giải ngân đạt 5.496 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở 29 dự án đã hoàn thành thủ tục về đầu tư, bằng 30% tổng số kinh phí các dự án đã hoàn thành thủ tục về đầu tư.

Với sự nỗ lực đó, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư tại Thái Nguyên ngày càng nhiều hơn; tăng về cả quy mô và số lượng. Cụ thể, trong 5 năm 2015-2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư cho 251 dự án với tổng vốn đăng ký 39.460 tỷ đồng, sử dụng đất 7.580,86 ha đất. Hiện tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 156 dự án với tổng số vốn đăng ký là trên 8.245 tỷ USD. Các dự án đầu tư đều có sức lan tỏa cao, đi vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp.

Đức Long