BVR&MT – Ngành điều dưỡng, hộ lý là một ngành mới được đưa vào trong danh sách các ngành nghề đào tạo lao động xuất khẩu. Với đặc thù và yêu cầu riêng biệt, ngành điều dưỡng, hộ lý có những điều kiện nhất định đối với lao động, trong đó có năng lực và thái độ. Dự báo trong tương lai, Nhật Bản ngày càng cần nhiều nhân lực trong ngành nghề này.
Bài viết tập trung tìm hiểu về thực trạng xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này, hướng tới nâng cao trình độ lao động xuất khẩu. Kết quả nghiên cứu cho thấy Chính phủ hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặt nền tảng hỗ trợ cho việc xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý; các doanh nghiệp đã xúc tiến triển khai các đơn hàng sang Nhật Bản; người lao động đã thực hiện nghiêm túc các quy định, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ngành nghề khi sang Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành vẫn còn rất lớn, nhưng số lao động xuất khẩu thì chưa cao so với các ngành nghề còn lại, điều kiện ứng tuyển còn rất khắt khe khiến cho lao động gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu đã đề xuất các nhóm giải pháp đến từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động, trong đó kiến nghị nên bổ sung thêm các đơn vị được cấp phép xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý; doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo lao động và minh bạch trong quá trình tuyển chọn đơn hàng; người lao động cần nâng cao ý thức về nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi làm việc tại nước ngoài.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xuất khẩu lao động là một trong những hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm từ Đảng và Nhà nước cùng người dân, do đây là hoạt động xuất khẩu liên quan đến tài nguyên con người. Hiện nay, Nhật Bản đang trở thành nước dẫn đầu trong số những thị trường Việt Nam xuất khẩu lao động. Mối quan hệ ngoại giao ngày càng khăng khít giữa hai nước, cùng với sự bù đắp về thiếu hụt lao động, nét văn hóa Đông Á tương đồng và vị trí địa lý là những nhân tố đóng góp cho sự tăng mạnh về số lượng lao động xuất khẩu trong một thập niên trở lại đây.
Ngành điều dưỡng, hộ lý là một ngành mới được đưa vào trong danh sách các ngành nghề đào tạo lao động xuất khẩu. Với đặc thù và yêu cầu riêng biệt, ngành điều dưỡng, hộ lý có những điều kiện nhất định đối với lao động, trong đó có năng lực và thái độ. Dự báo trong tương lai, Nhật Bản ngày càng cần nhiều nhân lực trong ngành nghề này. Nhưng cho đến nay, số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản theo diện điều dưỡng, hộ lý là không nhiều. Chính phủ chưa có các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động này, các doanh nghiệp chưa có quy trình tuyển chọn và đào tạo chất lượng cao, người lao động còn thiếu kỹ năng, hiểu biết. Bài viết này tập trung tìm hiểu về thực trạng hoạt động xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản, từ đó đánh giá triển vọng và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới.
2. CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Bài viết được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định tính, trong đó các số liệu thứ cấp được trích từ thống kê và báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động – thương binh và xã hội. Các phương pháp thống kê và phân tích, mô tả và so sánh số liệu được áp dụng trong nghiên cứu này.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1 Tổng quan về hoạt động xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản giai đoạn 2012-2019
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào ngày 21 tháng 9 năm 1973. Theo đó, hai bên hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại, đầu tư trực tiếp, vốn viện trợ ODA, hợp tác lao động, văn hóa giáo dục và du lịch. Nhật Bản được coi là đối tác chiến lược hàng đầu, nhà tài trợ ODA lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tính đến năm 2019. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất, với 80,002 người lao động xuất khẩu trong năm 2019, tại Đài Loan là 54,480 người, Hàn Quốc là 7,215 người, Romania là 1,400 người (Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Kể từ ngày 25/12/2008 khi Hiệp định đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) được ký kết và bắt đầu có hiệu lực từ 1/10/2009, các cam kết dành ưu đãi của hai nước cho nhau dần được thực thi, các hoạt động khác nằm trong khuôn khổ cũng được thúc đẩy triển khai. Đáng chú ý là chương trình Economic Partnership Agreement (EPA) được ký kết năm 2012, là một trong những hoạt động triển khai Hiệp định VJEPA. Đây là chương trình Tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý người Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì. Có thể nói, đây là bước đi cơ bản, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành đào tạo điều dưỡng, hộ lý xuất khẩu sang Nhật, song song với các ngành nghề khác như Cơ khí, Xây dựng, Dệt may, Nông nghiệp,…
Hiện nay đang có hai chương trình là chương trình EPA của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và chương trình Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Điều dưỡng của Việt Nam với các nội dung nằm trong Biên bản ghi nhớ hợp tác về chế độ Thực tập sinh Kỹ năng (MOC). Chương trình MOC được Nhật Bản và Việt Nam ký kết vào ngày 6/6/2017 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/11/2017. Đây là hai chương trình đều do Chính phủ hợp tác triển khai, tuy nhiên, hai chương trình có những đặc điểm khác nhau.
Tiêu chí so sánh Chương trình EPA Chương trình MOC
Nội dung chương trình Nằm trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Mục tiêu đưa các ứng viên điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam sang Nhật Bản vừa học vừa làm, sau đó thi chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng. Biên bản ghi nhớ Hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có chế độ thực tập sinh kỹ năng. Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam sang làm việc.
Có thể thấy, chương trình EPA là chương trình mang lại nhiều lợi ích cho người lao động hơn, nhưng số lượng tuyển chọn không nhiều, thời gian tuyển chọn ngắn nên tỷ lệ cạnh tranh rất cao. Khi tham gia chương trình EPA, người lao động sẽ được đào tạo rất kỹ lưỡng, yêu cầu phải đạt được những trình độ nhất định trước khi sang Nhật Bản làm việc. Chính vì thế, số lao động được phép xuất khẩu không nhiều. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã triển khai chương trình thứ 2, thông qua Biên bản ghi nhớ giữa hai nước, và cấp phép cho một số doanh nghiệp để có thể tuyển chọn và đào tạo lao động ngành điều dưỡng, hộ lý, nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động này và tạo điều kiện cho người lao động.
3.2. Thực trạng xuất khẩu trong ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản giai đoạn 2012-2019
Số lao động xuất khẩu của Việt Nam tăng trong những năm vừa qua. Từ năm 2012, tổng số lao động của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác là 80,320 người, con số này liên tục tăng cho đến cuối năm 2019, số lao động xuất khẩu đạt 147,387 người, tăng hơn 87%.
Kể từ năm 2018, Nhật Bản vượt qua Đài Loan, trở thành thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam. Vào năm 2019, số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 54% trong tổng số lao động xuất khẩu. Kể từ khi hai Chính phủ ký kết Hiệp định VJEPA, số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản đã liên tục tăng, dù những năm đầu còn gặp nhiều khó khăn do đây là một thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về trình độ, năng lực và thái độ. Hơn nữa, tiếng Nhật còn là một trong những ngôn ngữ khó trên thế giới, trở thành rào cản lớn đối với người lao động Việt.
Có 7 nhóm ngành nghề chính (76 ngành nghề) bao gồm: Nông nghiệp, Xây dựng, Chế biến thực phẩm, Dệt may, Cơ khí và kim loại, Ngư nghiệp và nhóm khác được Chính phủ Nhật Bản cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc. Trong đó có 14 ngành nghề được cấp Visa đặc định, loại visa mới khác với Visa lao động trước đó, được triển khai từ Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản triển khai chương trình “Lao động kỹ năng đặc định” giữa Bộ Tư pháp Nhật Bản và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước). Điều dưỡng, hộ lý nằm trong số 14 ngành nghề trên. Do đó, khi lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc sẽ được cấp loại visa này.
Số lượng lao động xuất khẩu theo ngành điều dưỡng, hộ lý chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản. Chương trình EPA của Chính phủ là một chương trình uy tín và có quyền hạn tuyển chọn, tiến cử lao động theo ngành này sang Nhật bản. Theo các con số thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ khi triển khai chương trình đến nay, có 1440 lao động tham gia, 1109 lao động chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản1. Con số này chỉ chiếm 0,01% so với tổng số lao động xuất khẩu trong riêng năm 2019.
Biểu đồ trên cho thấy, mặc dù tổng số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản tăng liên tục qua các năm với mức tăng mạnh, số lao động ngành điều dưỡng, hộ lý lại có xu hướng ổn định, mức độ tăng không nhiều. Con số thực tế còn khá khiêm tốn so với những ngành nghề khác.
Nguyên nhân có thể đến từ nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó bản thân ngành điều dưỡng, hộ lý là một ngành yêu cầu trình độ khá cao. Lao động không những phải đáp ứng trình độ về điều dưỡng, y tá, mà còn phải có trình độ tiếng Nhật đạt mức thành thạo (N2) để có thể giao tiếp cơ bản và chuyên môn đối với người bệnh. Ngoài ra, lao động phải đáp ứng về sức khỏe, kỹ năng và thái độ tốt để có thể làm việc trong môi trường áp lực cao như Nhật Bản. Không những vậy, lao động theo ngành điều dưỡng, hộ lý khi sang Nhật Bản vừa học vừa làm, muốn có cơ hội ở lại làm việc thì cần đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản về điều dưỡng, hộ lý. Tính đến thời điểm hiện tại, có 48/69 ứng viên thi đỗ chứng chỉ này. Chính những điều này là rào cản khiến cho số lao động tham gia và được tuyển chọn là không nhiều.
3.3 Triển vọng và định hướng
Theo Tổ chức Phúc lợi quốc tế Nhật Bản (JICWELS), các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam được đánh giá cao về tinh thần làm việc chăm chỉ, ngoại ngữ khá, thái độ cầu thị. Hơn nữa, trong năm năm tới, Nhật Bản ước tính cần khoảng 25,0002 hộ lý, điều dưỡng viên. Việt Nam là một trong số những nước mà Nhật Bản đang tích cực hợp tác tuyển chọn, đào tạo lao động ngành nghề này. Có thể nhận thấy, sự thiếu hụt về lực lượng lao động, cùng tình trạng dân số già đang là những vấn đề nan giải mà Nhật Bản gặp phải. Để khắc phục tình trạng này, Nhật Bản đã liên tiếp đưa ra những chính sách hỗ trợ lao động các nước đến làm việc. Với riêng Việt Nam, song song với việc ký kết những hiệp định, biên bản ghi nhớ với chính phủ, Nhật Bản cũng thay đổi một số các quy chế về visa, cư trú, xuất nhập cảnh, tạo điều kiện dễ dàng cho người lao động.
Chính phủ Việt Nam nên có các chính sách tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội được làm việc, cư trú, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất. Chính phủ cũng nên thí điểm thêm với 1 số doanh nghiệp xuất khẩu lao động ngoài 13 doanh nghiệp đã được cấp phép, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự mình tuyển chọn, đào tạo và tiến cử lao động.
Phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động trước hết cần tự ý thức được vai trò của mình, đặt quyền lợi của người lao động song song với lợi ích của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động minh bạch các thông tin về cư trú, tài chính, chế độ cho người lao động; đưa ra các biện pháp quản lý người lao động tốt, tránh phát sinh những tình huống xấu. Doanh nghiệp cần phải có quy trình tuyển dụng, đào tạo tốt, liên tục phối hợp giữa lý thuyết và thực tế để người lao động làm quen dần với môi trường làm việc.
Ngoài ra, bản thân người lao động cần tự giác chấp hành các quy định của hai nước về nhập cảnh, cư trú, cần phải rõ ràng trong việc kê khai thông tin, có lý lịch đạo đức, phẩm chất tốt. Người lao động cũng cần tuân thủ theo sự quản lý của doanh nghiệp và nơi làm việc, có thái độ chăm chỉ, có kiến thức vững vàng; tránh các tình trạng bỏ trốn, vi phạm pháp luật nơi làm việc.
Tóm lại, xuất khẩu lao động theo ngành điều dưỡng, hộ lý trong tương lai còn nhiều triển vọng. Để nắm lấy cơ hội và bắt kịp xu thế, không chỉ Chính phủ mà bản thân doanh nghiệp và người lao động cần đồng lòng, hợp tác chặt chẽ để có thể thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới.
Nguồn tham khảo: 1. Tuyển chọn 240 điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản khóa 8 (Bộ Lao động thương binh và xã hội, 25/09/2019) http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=220508 2. Nhật Bản ‘khát’ hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam (Báo Tuổi trẻ, 25/09/2019) https://tuoitre.vn/nhat-ban-khat-ho-ly-dieu-duong-vien-viet-nam-20190925172835289.htm 3. Thủ tục xin visa kỹ năng đặc định loại 1 vào Nhật Bản (Báo Người lao động, 28/04/2020) https://nld.com.vn/cong-doan/thu-tuc-xin-visa-ky-nang-dac-dinh-loai-1-vao-nhat-ban-20200428135025141.htm |
Nguyễn Thị Liên (Đại học Ngoại Thương Hà Nội)