Xuân về trên rẻo cao Tây Bắc

BVR&MT – Tây Bắc những ngày đầu xuân ngọt ngào như rót mật, khiến lòng người cứ thế mà rộn ràng, mà khắc khoải bởi sự đổi thay của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa, khiến người ta cứ thế mà cất lên khúc hát tình ca bất hủ về Tây Bắc.

Đại ngàn rực rỡ sắc hoa

Tây Bắc mùa nào cũng đẹp, cũng đắm say, nhưng có lẽ phải đến đây vào mùa xuân ta mới có thể cảm nhận được sự tràn trề nhựa sống của vùng đất “núi vút cao trùng mây” này.

Màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa mơ, hoa ban đang lan tràn khắp nơi báo hiệu xuân đã về.

Những tháng cuối năm, hoa cải trắng ở Mộc Châu đã nở rộ từ khắp các thung lũng, với vẻ đẹp mộc mạc tinh khôi. Đây đó trên vùng đất Tây Bắc, hoa cải vàng cũng mọc thành từng cánh đồng có khi rộng dài thăm thẳm, nhưng cũng có khi chỉ là những khóm nhỏ mọc vô tình dưới cội cây già trước cửa những ngôi nhà của đồng bào dân tộc. Những bông hoa cải bé li ti buổi sớm chìm trong làn sương trắng giăng giăng rồi lại bừng lên rực rỡ khi nắng lên xua tan sương mờ.

Những triền ruộng bậc thang hùng vĩ, đẹp như tranh vẽ ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái làm say lòng biết bao du khách.

Sắc hồng rực rỡ của hoa đào cũng chính là tín hiệu đầu xuân báo hiệu một năm mới căng tràn nhựa sống đang ùa về. Đến với những cung đường trên vùng cao Tây Bắc, nhất là trên các bản làng Sa Pa đều có thể dễ dàng bắt gặp những gốc đào lâu năm được trồng ngoài bản, trước cửa nhà, trên đường đi qua bản. Đào phai phơn phớt hồng, đào rừng thì đỏ thắm. Còn ở trên các cao nguyên, thung lũng Mộc Châu, những bông hoa mận, hoa lê bung màu trắng tinh khôi, điểm xuyết những chồi non, lộc biếc khiến cho bức tranh khung cảnh Tây Bắc đẹp hoang sơ mà say đắm.

Cùng với những đồi chè, thửa ruộng bậc thang, những con đường uốn lượn đã cùng góp thêm sắc màu cho bức tranh khung cảnh Tây Bắc ngày xuân.

Mảnh đất vùng cao này đưa du khách đến với núi non hùng vĩ, với đại ngàn sâu thẳm rồi lại đưa đến những cao nguyên ngọt ngào và mê say. Một Mã Pí Lèng hiểm trở, Một Quy Ô khúc khuỷu, một Pha Đin anh hùng và một Khau Phạ quanh co, như là điểm nhấn cho cả vùng Tây Bắc. Rồi xen lẫn vào đó là những bản làng lác đác dưới chân đèo, hòa cùng nền trời xanh thẳm, khung cảnh cứ thế làm lòng người mênh mang. Xuân Tây Bắc là nắng vàng pha màu lạnh, núi đồi khoác lên mình màu trắng tinh khôi của hoa mận hoa mơ. Giữa nhưng âm thanh và sắc màu ấy, người ta thấy một Tây Bắc truyền thống, một không gian đặc sắc mang âm hưởng của núi rừng.

Đậm đà bản sắc lễ hội vùng cao

Nói đến vùng cao Tây Bắc không thể bỏ qua những nét văn hóa, lê hội của bà con nơi đây. Mộc mạc, chân chất nhưng có một điều gì đó chỉ có vùng cao Tây Bắc mới khiến ta thương thương nhớ nhớ và muốn quay lại đây một lần nữa, để đắm chìm trong hương vị của xuân về trên rẻo cao.

Đối với người Mông ở Điện Biên, người dân nơi đây sẽ đón tết “Nào pê chầu” – hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Nào Pê Chầu có nghĩa là: “Ăn tết ngày 30” (theo lịch dương của người Kinh).

Không cần chờ đợi đến Tết Nguyên Đán, ngay thời điểm ngày bà con H’Mông ở Sơn La nói riêng vùng Tây Bắc nói chung đã nhộn nhịp không khí đón tết. Tết của người H’Mông không trùng với Tết cổ truyền của người Kinh. Người H’Mông ăn Tết trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 30/11 âm lịch. Các nghi lễ đón Tết của người dân tộc H’Mông cũng rất độc đáo, chính nhờ những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng nên nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng nhờ vào Tết cổ truyền. Đặc biệt, vào ngày này, cánh đàn ông người H’Mông sẽ là những người dậy khỏi giường sớm nhất trong gia đình để làm hết mọi công việc thay người phụ nữ, từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò ăn…

Lễ hội nhảy lửa là một trong những lễ hội mùa xuân độc đáo, lạ lùng, được nhiều người biết đến ở miền núi cao Tây Bắc. Lễ hội nhảy lửa thường được dân tộc Dao và dân tộc Pà Thẻn tổ chức vào khoảng thời gian cuối năm đến ngày rằm tháng Giêng Âm lịch. Theo quan niệm của các dân tộc này, tổ chức lễ hội nhảy lửa để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu mong thần linh tiếp tục che chở phòng tránh được tai ương, cuộc sống ấm êm no đủ.

Đồng bào Tây Bắc đón mùa xuân hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Mùa xuân không chỉ là mùa của đất trời, mùa xuân còn là mùa của đôi lứa, mùa của tình yêu và cả những lời ước hẹn. Lên Tây Bắc mùa này, người ta được hòa vào những phiên chợ tình đông đúc, dập dìu trong tiếng nhạc tiếng khèn. Nơi đó có cả ánh mắt đong đầy tình yêu của thiếu nữ, hay niềm mong mỏi của những chàng trai và đất trời cứ thế ánh lên cả những hân hoan và hạnh phúc. Thiếu nữ Tây Bắc má đỏ như hoa đào, cùng hòa mình vào những chợ phiên đầy màu sắc. Người khắp nơi đổ về phiên chợ, tạo nên những âm thanh náo nhiệt, những sắc màu rực rỡ và họ mang theo cả những niềm hân hoan đầu năm mới.

Nơi những quả pao như không có tuổi, gắn bó với họ suốt cuộc đời và nó còn như một “linh vật” minh chứng cho tình yêu đôi lứa. Những tiếng kèn ngân vâng giữa núi rừng đại ngàn, là sợi dây tâm linh nối người sống với người đã khuất, là cây cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa, là những câu chuyện được kể bằng giai điệu đối với người dân nơi đây. Tây Bắc đâu chỉ có chợ tình Sa Pa mà còn có cả lễ hát giao duyên của người Dao ở Tả Phìn, có hội Sán Sáng của người Mông và Hạn Khuống của người Thái. Mỗi dân tộc đều mang vào lễ hội một nét đặc trưng riêng nhưng điểm chung là luôn khiến du khách quyến luyến mãi chẳng muốn rời.

Những quả pao như không có tuổi, gắn bó với họ suốt cuộc đời và nó còn như một “linh vật” minh chứng cho tình yêu đôi lứa.

Tây Bắc đầu xuân đẹp như thế, nhẹ nhàng, thanh khiết nhưng gieo vào lòng người cả miền xúc cảm đong đầy. Nghe trong thì thầm của đất trời vùng cao những niềm hân hoan, hạnh phúc với rừng, với hoa, với chim ca tưng bừng trong sự đổi thay của đất trời mùa xuân.

Hà Linh