Xuân về trên bản Mông

BVR&MT – Những ngày này, rợp cả khoảng trời Tây Bắc với sắc trắng tinh khôi của hoa đào, hoa mận, hoa lê là lúc mùa màng đã xong xuôi. Những túm ngô đã gác đầy mái bếp, thóc đã chất đầy bồ cũng là lúc đồng bào dân tộc H’Mông vui xuân đón cái Tết đoàn viên Tân Sửu 2021.

Theo phong tục tập quán, người H’Mông có hai cái Tết quan trọng nhất trong một năm đó là Tết Độc lập diễn ra vào ngày Quốc khánh 2/9 và Tết truyền thống của đồng bào vào ngày mùng 1 tháng Chạp, trước Tết Nguyên đán của người Kinh chừng 1 tháng. Đó cũng là thời điểm bà con nông nhàn không phải lên nương, người Mông sẽ cùng nhau đón Tết cổ truyền. Nhân ngày nghỉ lễ, tất cả mọi người trong gia đình cùng nghỉ ngơi, ăn mừng mùa vụ, trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất và cũng là dịp để thể hiện lòng biết ơn đối với Tổ tiên, trời đất đã che chở, phù hộ cho bà con thôn bản có một vụ mùa bội thu, gia đình được mạnh khỏe, bình an và cầu mong những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với họ trong một năm mới.

Hoa đào nở rộ báo hiệu mùa xuân đã về đến Hua Tạt.

Tết của người Mông thường diễn ra trong ba ngày hoặc nhiều hơn nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản làng đã nhộn nhịp không khí đón xuân. Đầu tháng Chạp năm nay, nhân chuyến công tác lên Tây Bắc, phóng viên Tạp chí Bảo vệ rừng và Môi trường đã tìm tới bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) để cùng cảm nhận không khí ăn Tết của bà con nơi đây giữa tiết trời xuống đến 2 độ C lạnh đến cắt da cắt thịt.

Níu chân tôi ngay từ đầu bản, là hình ảnh những trái đào non mơn mởn rung rinh lấp ló, chao nghiêng xuống ven đường. Núp dưới những mái nhà trệt đơn sơn, xung quanh toàn vườn rau cải mèo, cây đào, cây mận, cây hồng đã rụng hết lá còn trơ trọi lại những quả vàng óng mỡ màng cuối mùa bên triền núi. Phía bãi đất trống rộng rãi trên sân vận động, có mấy cậu bé, chàng trai đang tuổi ăn, tuổi lớn tập trung đánh quay, thi nhau đá bóng. Một vài bé gái hai má lấm lem nứt nẻ ửng hồng đứng gần đó, diện trên mình bộ quần áo truyền thống sặc sỡ sắc màu ríu rít chuyện trò, nô đùa với nhau bằng thứ tiếng mẹ đẻ. Chúng tỏ ra ngại ngần và che miệng khi thấy người lạ từ vùng khác mới lên như tôi tới gần hỏi chuyện.

Đánh quay là một trong những trò chơi dân gian đậm bản sắc của vùng cao.

Lang thang theo chân mấy chị phụ nữ trong bản đi tập văn nghệ để chào mừng năm mới về, trên con đường bê tông mới đổ sạch sẽ, trải dài xuôi xuống dưới bản Hua Tạt, tôi ghé vào thăm gia đình anh Tráng A Hờ. Mặc dù chưa gặp tôi lần nào, nhưng với bản tính thật thà, thân thiện như cây tre cây nứa trong rừng của người vùng cao, A Hờ vui vẻ chào tôi và mời tôi vào sưởi ấm trong bếp, thưởng thức cút rượu ngô anh vừa mới cất cùng đĩa thịt lợn luộc thơm ngậy hãng còn âm ấm bốc lên hơi khói. Chỉ tay về phía góc bếp, A Hờ khoe với tôi có một chậu thau tiết và một mẹt thịt lợn to đã sơ chế qua cho sạch sẽ, để dành mấy hôm nữa ăn Tết. Có được chỗ thịt đó vợ chồng nhà Hờ phải lọ mọ dậy từ sáng sớm, chạy đôn đáo nhờ mấy người trong bản quen việc này rồi đến mổ giúp cho kịp ngày. Nhìn đại gia đình và mấy đứa trẻ con chân không mang tất, đang co ro đưa tay áp gần bếp lửa, tôi ngô nghê hỏi A Hờ: “Những ngày Tết như này, nhà Hờ phải thịt mấy con mới đủ mời anh em bạn bè?”. A Hờ cười bảo: “Không cố định phải mổ mấy con và giá lợn cao hay thấp nhưng thường nhà nào cũng phải mổ ít nhất một con độ hơn tạ trở lên, nhà nào mổ càng nhiều lợn to chứng tỏ năm nay nhà ấy làm ăn càng tốt đấy mà”.

Quây quần sưởi ấm bên bếp lửa nhà Tráng A Hờ.

Khác với dưới miền xuôi, nếu như bánh chưng là thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ thắp hương của người Kinh thì đối với người Mông sinh sống tại các vùng núi phía Bắc, họ lại sử dụng bánh dày để dâng lên ông bà Tổ tiên. Theo quan niệm, bánh dày không những biểu tượng cho tình yêu thủy chung, son sắt mà còn là thứ bánh tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh sôi ra con người và muôn loài trên mặt đất. Cũng theo chia sẻ của anh A Hờ, bánh dày được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nương thơm đem đi đồ xôi cho thật chín rồi mang ra máng gỗ, dùng chày gỗ để giã cho thật nhuyễn và dẻo. Sau đó nắn thành hai chiếc bánh to tròn, đặt lên chiếc lá chuối đã được phết qua một lớp dầu mỏng cho khỏi bết dính rồi trịnh trọng dâng lên ban thờ để thắp hương khấn bái, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát tài. Sau khi thắp hương, cứ để vậy mà ăn hoặc đem rán ròn, nướng phồng lên ăn kèm các món đều ngon.

Bánh dày là thứ bánh không thể thiếu để dâng lên Tổ tiên trong 3 ngày Tết.

Đối diện nhà A Hờ, hàng xóm của anh cũng đang nhanh chóng dọn dẹp, sửa soạn nơi thờ cúng, nhà cửa, vườn tược cho gọn gàng, sạch sẽ. Nhiều đồng bào dân tộc khác nói chung và dân tộc H’Mông nói riêng, họ đều có chung một quan niệm, củi càng to đốt càng khỏe lửa thì năm đó sẽ gặp càng nhiều may mắn. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu tháng, bà con đã rủ nhau lên rừng lựa những cây củi đẹp nhất mang về tích trữ trong nhà. Dường như cái rét đậm rét hại, thiên tai, dịch bệnh không ảnh hưởng đến việc đón Tết của bà con nơi đây. Khắp các bản làng Hua Tạt mỗi người mỗi việc rộn ràng chuẩn bị, tổ chức đón xuân mới. Không khí ấm cúng, đượm nồng tình đoàn kết thôn xóm xua tan cái giá lạnh.

Ban thờ đã được bày trí để chào đón năm mới, mong một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Trong cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nơi vùng biên nhá nhem tối mờ sương, gió thổi làm xao động cả rừng thông ngân lên rõ rệt tiếng sáo Mèo của gia đình trưởng bản Tráng A Chu như hút hồn tôi. Tiếng sáo réo rắt vọng khi vút lên cao trên tận đỉnh núi khi lại hạ xuống mượt mà, làm xao động cả cánh rừng để bây giờ, khi chia tay Vân Hồ về đến Hà Nội, trong đầu tôi vẫn còn vảng vất âm hưởng tiếng sáo của chàng trai miền sơn cước trong ca khúc Xuân về trên Bản Mông. Vậy là, một mùa xuân mới đã chạm tới từng vách rừng, khe suối hứa hẹn nhiều niềm vui, thắng lợi mới đã về tới bản Hua Tạt.

Quỳnh Anh