“Xuân 1968 – Báo chí đồng hành cùng dân tộc”

BVR&MT – Nhân kỉ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 (30/01/1968 – 30/01/2018) khán giả cả nước được nhìn lại một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt của dân tộc, qua đó thấy được vai trò của những nhà báo cách mạng đồng hành cùng bước đi của lịch sử qua bộ phim tài liệu “Xuân 1968 – Báo chí đồng hành cùng dân tộc”.

50 năm trôi qua kể từ mùa xuân 1968. Nhân dịp kỉ niệm sự kiện tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, đạo diễn – NSƯT Phạm Việt Tùng và đạo diễn Trương Nữ Diệu Anh thực hiện bộ phim tài liệu “Xuân 1968 – Báo chí đồng hành cùng dân tộc”. Bộ phim đưa người xem sống lại với thời khắc chiến đấu oai hùng của quân dân ta, từ đó vang lên khúc ca tự hào, ngợi ca những người làm báo, làm truyền hình. Báo chí là lực lượng xung kích, đồng hành cùng dân tộc trong những bước tiến lịch sử quan trọng.

Bằng những cuộc trò chuyện chân thực với các nhân chứng lịch sử, bộ phim tài liệu “Xuân 1968 – báo chí đồng hành cùng dân tộc” đã đem đến cho người xem nhiều câu chuyện thú vị về chuyện đời, chuyện nghề của các nhà báo, nhà quay phim trên chiến trường ác liệt mùa xuân năm ấy. Họ không chỉ là những người cầm bút mà còn là những người cầm súng chiến đấu thực sự.

Theo chân các cánh quân tiến vào thành phố và thị xã trên toàn miền Nam, các nhà báo, nhà quay phim đã dũng cảm chiến đấu, đạp lên kẻ thù mà anh dũng xốc tới trong tiếng gọi cách mạng bằng tinh thần, trách nhiệm nghề nghiệp cao cả. Tiếng nói báo chí luôn vang lên dõng dạc, khiến cho quân địch khiếp sợ.

Một hình ảnh tư liệu trong phim “Xuân 1968 – Báo chí đồng hành cùng dân tộc”.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 đã đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh. Sức ép từ các phía buộc Tổng thống Mỹ Jonson phải nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris. Theo chân đoàn đàm phán, các nhà báo đã chủ động, tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận ngoại giao và trên các diễn đàn quốc tế, vạch trần sự thật cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tái hiện lại câu chuyện và hoạt động nghiệp vụ của của các nhà báo tại hội nghị đàm phán Paris, bộ phim đã đem đến cho người xem những cảm xúc chân thật của một cuộc đối thoại mang tính lịch sử, từ đó thấy được sự cương quyết, thông minh, mưu trí của các nhà báo ta.

Dân tộc Việt Nam ta đã đi đến cái đích cuối cùng kể từ mùa xuân lịch sử năm ấy. Những nhà báo, nhà quay phim đã sống và chiến đấu dũng cảm, đầy trách nhiệm theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lòng yêu nước. Chiến thắng của chúng ta là kết tinh của sức mạnh cách mạng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó báo chí là một bộ phận không thể thiếu.

Bằng lòng nhiệt huyết của những nhà làm phim tài liệu, NSƯT Phạm Việt Tùng và đạo diễn Trương Nữ Diệu Anh đã kết nối các câu chuyện một cách nhịp nhàng và đầy sức thuyết phục, để gửi gắm đến đông đảo khán giả một bài ca đẹp về chiến thắng của dân tộc, về những người làm báo dũng cảm.