Xử lý nghiêm tình trạng phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn

BVR&MT – Trong thời gian qua, đã có phản ánh của bạn đọc về tình trạng phá rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất gia tăng tại Bắc Kạn. Riêng năm 2020, tình trạng này tăng đột biến so với những năm trước, trong khi ngành chức năng, các địa phương còn buông lỏng quản lý.

Tuyến đường lâm tặc mở trái phép vào rừng tự nhiên ở huyện Ngân Sơn.

Theo quy hoạch, rừng sản xuất có hai loại, gồm: rừng trồng và rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất. Trước đây, đối với rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất có hiện trạng nghèo kiệt, người dân có quyền cải tạo bằng cách trồng rừng mới khi được cơ quan chức năng cấp phép. Từ năm 2017, Chính phủ cấm cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, kể cả rừng tự nhiên đã được quy hoạch là rừng sản xuất. Theo chủ trương này, khoảng 160 nghìn ha rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất và hơn 60 nghìn ha rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng phòng hộ ở Bắc Kạn đều thuộc diện phải bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, năm 2020, tình trạng phá rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất ở Bắc Kạn lại diễn biến phức tạp, tăng nhanh.

Tháng 7/2020, huyện Ngân Sơn phát hiện tại rừng tự nhiên giáp ranh giữa hai xã Ðức Vân và Thượng Quan nhiều đối tượng đã ngang nhiên mở đường vào phá rừng, lấy gỗ. Qua khám nghiệm hiện trường, Công an tỉnh Bắc Kạn xác định, tuyến đường mở trái phép có chiều dài hơn 2,4 km, rộng 3 m. Tổng diện tích đất rừng bị tác động hơn 8.889 m2. Hai bên đường có 561 gốc cây bị chặt hạ; tại hiện trường còn 1.468 khúc gỗ với tổng khối lượng hơn 157 m3. Diện tích rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất bị hủy hoại lên tới hơn 6.438 m2 và khối lượng lâm sản bị khai thác trái phép hơn 173 m3. Ðây là hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và tội hủy hoại rừng.

Việc mở đường nêu trên không phải diễn ra trong ngày một ngày hai mà kéo dài tới hơn hai tháng nhưng cơ quan chức năng, chính quyền, cán bộ xã không biết. Khi lãnh đạo huyện tiếp xúc cử tri ở xã Thượng Quan, người dân thôn Ma Nòn còn cảm ơn huyện vì nghĩ rằng tuyến đường mở mới này là do huyện đầu tư để cho bà con dễ dàng đi lại.

Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn Chu Thị Huyền cho biết, ngày 22/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định khởi tố vụ án. Lực lượng chức năng cũng xác định có bảy đối tượng liên quan vụ phá rừng nghiêm trọng này. Huyện thừa nhận việc chỉ đạo công tác tuyên truyền, triển khai bảo vệ rừng còn lơ là, thiếu hiệu quả. Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc đối với các xã Thượng Quan, Ðức Vân và ba đơn vị lân cận là thị trấn Nà Phặc, xã Bằng Vân, xã Trung Hòa cùng bốn cơ quan chuyên môn, gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kiểm lâm và Công an huyện.

Tháng 10/2020, tại xã Ðổng Xá, huyện Na Rì, lực lượng chức năng phát hiện vụ san ủi, phát, phá rừng trái phép ở ba vị trí với tổng diện tích đất lâm nghiệp bị tác động là 21.200 m2. Trong đó, chủ rừng là ông Nguyễn Văn Bắc (thường trú tại huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã phá hơn 16.100 m2 rừng tại hai vị trí; vị trí còn lại, chủ rừng là ông Lô Viết Hảo (thường trú tại xã Ðổng Xá) đã phá 5.100 m2 rừng. Các chủ rừng còn san ủi hơn 34.000 m2 đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp.

Kết quả xác minh cho thấy, toàn bộ diện tích đã san ủi tại ba vị trí nêu trên đều không được cấp có thẩm quyền cho phép. Diện tích rừng đã bị phá là rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất. Hành vi của các chủ rừng là phá rừng trái pháp luật, có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng, quy định tại Ðiều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, lực lượng kiểm lâm đã chuyển vụ việc tới cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý.

Năm 2020, toàn tỉnh Bắc Kạn có 495 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 95 vụ so với năm 2019 với tổng diện tích rừng tự nhiên bị phát, phá gần 50 ha, tăng hơn 21 ha so với năm 2019. Vi phạm chủ yếu xảy ra trên diện tích rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất, có trữ lượng thấp hoặc chưa có trữ lượng. Các lô rừng bị phát, phá chủ yếu ở các khu vực xa dân cư, nơi hẻo lánh… Lực lượng kiểm lâm đã tham mưu chuyển cơ quan điều tra hơn 10 vụ; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 33 vụ, còn lại xử lý theo thẩm quyền.

Phòng Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn) cho biết, nguyên nhân dẫn tới số vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn cao là do lợi nhuận từ buôn bán gỗ quý hiếm, gỗ tự nhiên rất lớn. Mặt khác, 10 năm trở lại đây, lợi nhuận từ rừng trồng lấy gỗ hoặc trồng các loại cây ngắn ngày, như: gừng, thạch đen cũng rất cao. Vì vậy, nhiều hộ dân cố ý khai thác rừng, phá trái phép rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất, trồng rừng mới. Năm 2020, bắt đầu xuất hiện nhiều đối tượng ngang nhiên sử dụng máy móc để san ủi trên quy mô lớn mà chưa bị ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Các hộ có đất rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất đều ở thôn, bản xa, thiếu sinh kế bền vững, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, nhiều hộ thiếu ăn. Do thiếu kinh phí, tỉnh chưa hỗ trợ giao khoán bảo vệ đối với rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất. Người dân không nhận được tiền hỗ trợ khoán bảo vệ, quay sang phá rừng với lý do lấy đất trồng rừng để cải thiện cuộc sống. Trong khi đó, chính quyền nhiều địa phương buông lỏng quản lý, để xảy ra san ủi, phát, phá rừng trên diện tích rộng trong một thời gian dài. Công tác quản lý, giám sát các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản chưa chặt chẽ, vẫn còn trường hợp cơ sở đưa gỗ không có hồ sơ, nguồn gốc hợp pháp vào chế biến, tiêu thụ.

Hiện tại, Bắc Kạn mới chỉ khoán bảo vệ được 16 nghìn trong số 160 nghìn ha rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất. Dù mức phạt hiện rất cao, phát, phá từ 2.000 đến 2.500 m2 có thể bị phạt từ 50 triệu đến 75 triệu đồng, nhưng người dân không có đủ điều kiện để nộp phạt, nhiều gia đình không có tài sản gì đáng giá. Việc xử phạt bổ sung bằng cách thu hồi diện tích đất rừng lại chưa phù hợp với quy định của Luật Ðất đai.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết, hiện nay cơ chế, kinh phí khoán bảo vệ rừng không đồng đều. Ðối với rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất, ngoài số 16 nghìn ha đã khoán bảo vệ, hiện mới chỉ hỗ trợ gạo cho những hộ nghèo, khó khăn ở vùng đặc biệt khó khăn. Ðối với rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng phòng hộ, mỗi năm cần khoảng 20 tỷ đồng để khoán bảo vệ thì phải chờ kinh phí giai đoạn tới. Do vậy, việc bảo vệ rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất và rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng phòng hộ của Bắc Kạn đang rất khó khăn.

Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn đã yêu cầu lãnh đạo đơn vị kiểm lâm liên quan kiểm điểm nghiêm túc, xử lý trách nhiệm các cán bộ kiểm lâm địa bàn để xảy ra phá rừng. UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Kiểm tra chặt chẽ các dự án, công trình có chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên, xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Trên cơ sở đã bố trí đầy đủ lực lượng công an chính quy cho các xã, tỉnh Bắc Kạn cũng chỉ đạo công an các huyện cho công an xã xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng với các trạm kiểm lâm trên địa bàn.

Có thể thấy, việc chưa được nhận hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và lợi nhuận lớn từ trồng rừng mới là một trong những nguyên nhân khiến nạn phá rừng tự nhiên gia tăng. Song, những vụ san ủi, phá rừng diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện cũng cho thấy trách nhiệm của chính quyền, lực lượng kiểm lâm tại nhiều địa phương ở Bắc Kạn đang bị buông lỏng. Ðây là điều cần chấn chỉnh quyết liệt để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng quý giá của Bắc Kạn.