Thoái vốn khỏi năng lượng hóa thạch đang trở thành xu hướng

BVR&MT – Vừa qua, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio và người đồng cấp ở London, Sadiq Khan, đồng tác giả một bài bình luận trên tờ Guardian đã thách thức các thành phố khác cùng tham gia vào việc thoái vốn quỹ lương hưu và các tài sản công khác khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Phong trào phản đối các công ty dầu mỏ (Ảnh: Photograph by Erik Mcgregor/Pacific Press /ZUMA)

“Chúng tôi tin rằng chấm dứt đầu tư từ các tổ chức vào các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch là góp phần trực tiếp vào việc chống biến đổi khí hậu và gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ rằng lựa chọn năng lượng tái tạo và carbon thấp mới là tương lai”, hai vị thị trưởng chia sẻ.

New York hiện là thành phố lớn nhất trên thế giới cam kết thoái vốn toàn bộ, có nghĩa là rút 5 tỷ USD khỏi ngành này trong vòng 5 năm. Đối với Quỹ hưu trí London thì hiện có khoảng 7,1 tỷ USD, chiếm chưa đến 2% khoản đầu tư của Quỹ là rót vào khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Phong trào thoái vốn tuy khởi đầu thưa thớt hơn cả một cuộc phản đối trong khuôn viên trường đại học nhưng đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2014, các tổ chức đầu tư cam kết thoái vốn, chủ yếu là các thành phố nhỏ và các trường cao đẳng ở New England và dọc Bờ Tây, kiểm soát khoảng 50 tỷ USD. Theo một báo cáo công bố cùng ngày với bài bình luận của de Blasio và Khan, các nhà đầu tư đại diện cho tài sản hơn 6.000 tỷ USD hiện đã cam kết thoái vốn, tăng gần 12.000%. Các công ty dầu mỏ đã bắt đầu coi phong trào này như là một rủi ro cần tính tới.

Những người ủng hộ thoái vốn – bao gồm Thomas Pringle, thành viên Quốc hội Ireland, người đã giới thiệu thành công một dự luật thoái vốn toàn bộ quỹ công khỏi nhiên liệu hóa thạch; cha Paul Moonjely, CEO Caritas Ấn Độ – Tổ chức từ thiện Công giáo lớn nhất nước này cùng những người điều hành các quỹ đầu tư, thành viên tổ chức phi lợi nhuận về biến đổi khí hậu 350.org – đã tập trung tại Bảo tàng Bookbinders ở San Francisco để kỷ niệm sự tiến bộ của phong trào. Họ đến đây để dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu toàn cầu do Thống đốc Jerry Brown tổ chức, tập hợp các nhà môi trường từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận phương thức ngăn chặn biến đổi khí hậu phá hủy nền văn minh. Brown ban hành một sắc lệnh cam kết California sẽ giảm toàn bộ khí nhà kính vào năm 2045. Nếu xét California hiện là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới thì có thể coi sắc lệnh của Brown là mục tiêu khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử.

Jeremy Grantham, đồng sáng lập Công ty quản lý tài sản trị giá nhiều tỷ USD Grantham, Mayo, van Otterloo & Company, cũng tham dự sự kiện. Nổi tiếng vì dự đoán đúng bong bóng công nghệ dot-com và nhà cửa vào các năm 2000 và 2007, tuy nhiên ông vẫn rất lạc quan về hiệu ứng kinh tế dài hơi của quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Theo một phân tích gần đây của hãng Grantham, một danh mục đầu tư chứng khoán đa dạng nhưng loại trừ các công ty năng lượng cũng sẽ đạt hiệu quả hệt như danh mục có bao gồm chúng.

“Chúng tôi đã xem xét chi phí thực tế của thoái vốn, nhưng không hề có. Trong ngắn hạn, sẽ có một số suy trầm nhưng điều tuyệt vời về thị trường chứng khoán là nó luôn định giá tốt về các công ty năng lượng. Về phía bản thân các công ty, nếu họ chịu thay đổi, thừa nhận vấn đề thì họ có thể kiếm được không ít tiền. Nếu không, cũng như Ford và General Motors đang lay lắt, họ sẽ bị các công nghệ mới bỏ xa và về lâu dài, sẽ phải chật vật để duy trì lợi nhuận” – Grantham khẳng định.

Grantham dự báo những cái tên sẽ tham gia thoái vốn trong thời gian tới, gồm cả các trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Princeton… Theo ông, trong ngắn hạn, thoái vốn sẽ không tác động lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty nhiên liệu hóa thạch. Dầu khí tích hợp chặt chẽ với các ngành khác như hàng hải, hàng không, thép, xi măng, hóa dầu nên sự suy giảm sẽ chậm và không đều. Tuy nhiên, khi tác động của khí hậu khắc nghiệt hơn và phong trào thoái vốn tiếp tục tăng lên, các nhà đầu tư sẽ có trách nhiệm ủy thác/tín dụng để giải quyết các rủi ro khí hậu.

Tất nhiên, để giảm mức tăng nhiệt độ thì cần nhiều hơn là thoái vốn của các nhà đầu tư tổ chức. Một trong những mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh – được chủ trì không chỉ bởi thống đốc Brown mà còn bởi cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg và Giải Chấn Hoa, quan chức hàng đầu của Trung Quốc về biến đổi khí hậu – là để tiếp tục công cuộc đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris năm 2015: hạn chế sự nóng lên quá 20C – mặc dù chính quyền Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận vào tháng 6/2017.

Đáng chú ý là có những dấu hiệu của sự thành công. Chính quyền các bang và doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đã thành lập liên minh, chẳng hạn như mạng lưới We Are Still In – có gần 3.000 tổ chức tham gia – cam kết đáp ứng các mục tiêu khí hậu do chính quyền Obama đặt ra vào năm 2015 là giảm 26-28% lượng khí thải vào năm 2025. Theo một báo cáo mới được công bố gần đây của nhóm America’s Pledge, Mỹ gần như đã đi được nửa chặng đường để đạt được những mục tiêu ban đầu. Dựa trên các nhiệm vụ giảm phát thải đã được thực hiện, Mỹ có thể sẽ đạt 2/3 mục tiêu (giảm 17%) vào thời hạn 2025.

Ngoài ra, báo cáo của America’s Pledge cũng đưa ra 10 chiến lược khí hậu “sẵn có” để có thể giảm 21% tổng thể lượng phát thải. Các tác giả đề xuất nếu các liên minh có thể ban hành các biện pháp mạnh mẽ hơn trên phạm vi rộng hơn gồm nhiều tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp thì Hoa Kỳ gần như đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris mà không cần đến hỗ trợ của chính phủ liên bang.

Than là một trong những ví dụ tốt nhất về cách Trump và các nhà hoạch định chính sách chối bỏ khí hậu đang đi ngược dòng xu thế. Bất chấp sự bảo đảm của Trump rằng chính quyền của mình đã “chấm dứt cuộc chiến về than sạch và đẹp đẽ”, việc đóng cửa các nhà máy điện than đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất của phong trào thoái vốn là làm thế nào chuyển hướng dòng tiền vào công nghệ năng lượng sạch và carbon trung tính. Vừa qua, thị trưởng de Blasio công bố cam kết đầu tư hơn 4 tỷ USD quỹ hưu trí công của New York vào các công ty năng lượng tái tạo và những ngành liên quan đến biến đổi khí hậu khác.

Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số quỹ hưu trí trị giá hơn 195 tỷ USD của New York nhưng khoản đầu tư cho thấy giai đoạn tiếp theo của phong trào vẫn đang diễn ra. Như hai thị trưởng Khan và de Blasio đã lưu ý trong bài bình luận, “nếu muốn hỗ trợ thế giới chuyển đổi theo quy mô cần thiết, chúng ta phải thúc đẩy đầu tư bền vững và sử dụng sức mạnh của các nhà đầu tư tổ chức”.

Nhật Anh (Theo Newyorker.com)