Xóm đũa Phụng Sơn nhộn nhịp vào xuân

BVR&MT – Bà Nguyễn Thị Tám, 80 tuổi người được xem là một trong những người đầu tiên làm đũa tre tại xóm đũa Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang kể rằng: “Tới nay cũng không ai biết chính xác nghề làm đũa ở đây có từ năm nào, chỉ biết nghề này có mặt khoảng năm sáu mươi từ những người quê ở Cái Răng tới đây lập nghiệp rồi truyền nghề luôn. Ban đầu chỉ vài hộ nay số hộ làm nghề đã lên đến trên 60 rồi.

Bà Tám chia sẻ thêm: cao điểm của làng nghề này là từ tháng 10 đến cận tết, thị trường tiêu thụ là các tỉnh ĐBSCL sang tận CamPuChia, Lào, Trung Quốc. Vào những ngày này khí thế lao động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho thương lái khắp nơi. Nhà nào cũng mắc đèn ra trước sân để làm đũa, cả ấp sáng rực ánh đèn.

Nghề làm đũa tre tại xóm đũa Phụng Sơn đã có từ lâu đời.

Theo nhiều bậc cao niên làm đũa thì ban đầu xóm này chỉ sản xuất đũa bằng cây cau nhưng nguyên liệu này ngày càng hiếm hoi nên họ chuyển sang làm đũa bằng tre Xiêm.

Ông Trần Hoàng Tỏ, 67 tuổi giải thích với chúng tôi rằng: “Tre Xiêm có thân đứng thẳng, lóng dài, đặc ruột, bảo quản được lâu, ít bị mối, mọt tấn công. Dùng tre khác sẽ dễ hỏng lắm nên xứ này không dùng. Hiện, tre Xiêm ở địa phương đã cạn kiệt nên các cơ sở sản xuất phải đặt mua ở Bến Tre, Trà Vinh, An Giang…”

Để tạo ra một chiếc đũa tre Xiêm, người làm phải trải qua các công đoạn hoàn toàn thủ công như: đốn tre, cưa, chẻ, rọc, bào, chuốt đầu thành chiếc đũa hoàn chỉnh. Sau đó, đũa được đem phơi 3 nắng là có thể đem đi tiêu thụ. Để có được chiếc đũa tròn đều, suôn thì phụ thuộc rất lớn vào đôi tay khéo léo của người bào.

Công đoạn cưa tre để làm đũa.

Cách nay trên 20 năm xóm đũa này lao đao vì sự cạnh tranh của các loại đũa có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan như đũa ngà, đũa nhựa với giá rẻ. Cạnh đó nhiều cơ sở sản xuất nội địa áp dụng kỹ thuật phun màu, phun sơn, ướp màu để tăng độ bóng láng, khiến cả xóm đũa truyền thống ở Phụng Sơn B đứng trước nguy cơ phá sản. Rất may là chỉ sau một thời gian sử dụng, các loại đũa nhựa, đũa ngà đã bộc lộ khuyết điểm như: trơn, khó gắp, dễ nóng chảy. Người tiêu dùng lại quay về với đôi đũa tre quen thuộc.

Điều đáng quý và là sự khác biệt của đũa tre Phụng Sơn B là bà con giữ nguyên màu nguyên thủy của tre Xiêm, không dùng hóa chất nhuộm màu, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Ấp Phụng Sơn B lại rất thuận lợi về mặt giao thông đường thủy lẫn đường bộ nên việc mua bán tre ngọn lẫn đũa tre rất dễ dàng và thuận tiện. Giá bán hiện nay từ 10.000 đến 15.000 đồng/10 đôi tùy thuộc mua sỉ hay lẻ.

Những ngày này, bà con đang tất bật chuẩn bị những đôi đũa kịp giao cho thương lái bán dịp tết.

Theo chị Hà Thị Tố Tâm, người đã có 20 năm làm nghề cho biết: “Mỗi ngày tôi chẻ, vót, bào được khoảng 250 đến 300 đôi đũa, thu nhập kiếm được từ 150 đến 180.000 đồng, không phải bỏ vốn ban đầu, lại thuận tiện vì có thể vừa chăm sóc ruộng, vườn, lúc rảnh thì lãnh tre Xiêm về nhà làm để tăng thêm thu nhập…”.

Xuân sắp về, tết sắp đến, xóm đũa Phụng Sơn B với hàng trăm lao động đang tất bật ngày đêm với khí thế lao động nhộn nhịp khẩn trương để những đôi đũa tre Xiêm truyền thống có mặt trên khắp thương trường vừa giúp họ có thêm nguồn thu nhập đón tết đủ đầy, vừa góp phần bảo vệ nghề truyền thống bao đời của người xưa để lại cho lớp cháu con.

Trương Thanh Liên (Liên hiệp các Hội VHNT TP. Cần Thơ)