BVR&MT – Các sản phẩm của Hợp tác xã Pả Vi đã góp phần củng cố, làm giầu cho thương hiệu tam giác mạch của tỉnh Hà Giang, đồng thời mở ra cơ hội phát triển mới, giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn, cô gái Tày Hoàng Thị Hiên (sinh năm 1988) khó có thể tưởng tượng những khó khăn, nhọc nhằn của vùng đất Mèo Vạc (Hà Giang). Chỉ đến khi chuyển đến đây lập gia đình, chính thức làm dâu trong một gia đình người H’Mông, Hiên mới thực sự thấm thía.
Nằm trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc chủ yếu là núi đá (chiếm trên 50%), địa hình chia cắt hiểm trở, độ dốc lớn, giao thông đi lại hết sức khó khăn phần nào làm hạn chế sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Không chỉ vậy, do nằm trong vành đai chí tuyến bắc nên khí hậu mang tính chất Á nhiệt đới gió mùa. Tại đây mùa đông thường kéo dài đến nửa năm, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ thậm chí có thể xuống âm, gây ra hiện tượng băng giá, mưa tuyết.
Một trong những khó khăn khác đó là tình trạng thiếu nước triền miên vào những tháng mùa khô vì vậy hoạt động chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp của bà con gần như bị ngưng trệ.
Vốn là cử nhân nông nghiệp, chứng kiến cảnh ấy, Hoàng Thị Hiên không khỏi xót xa. Cô mong muốn kiếm thêm công ăn việc làm giúp bà con cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo, tiếp tục gắn bó với mảnh đất quê hương.
Từ quan sát, trải nghiệm của bản thân, Hiên nhận thấy nhiều du khách tìm đến với Hà Giang ngoài những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú thì còn bị hấp dẫn bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch. Đây là giống cây bản địa, dễ sinh trưởng, thường nở rộ vào tháng 10. Nhưng đến lúc hoa tàn thì những cánh đồng tam giác mạch trở nên xơ xác, úa tàn. Liệu có cách nào tiếp tục làm giàu thêm cho “thương hiệu tam giác mạch” để bà con có thêm thu nhập?
Sau nhiều đêm trăn trở, Hiên mạnh dạn thu mua hạt tam giác mạch về để mày mò, tìm cách chế biến. Sau công đoạn hạt phơi khô, tách vỏ, nhân nghiền thành bột được cô kỹ sư nông nghiệp chế thành các món ăn.
Nhớ lại ngày đó, Hiên cười bảo: “em xoay sở thử mọi cách rồi cũng có món hỏng, món được, không đến nỗi bị thất bại hoàn toàn”. Các món bánh làm từ tam giác mạch Hiên mời mọi người ăn thử, được khen ngon, vậy là cô phấn chấn, có thêm động lực để sáng tạo tiếp. Nhưng cô không muốn chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, vì như vậy thì không thể tiêu thụ được nhiều hạt tam giác mạch cho bà con, không thể giúp cho bà con có được một công việc lâu dài, ổn định. Sau nghĩ suy tính kỹ, năm 2020 Hiên mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Pả Vi, chuyên các sản phẩm từ tam giác mạch.
Sau chưa đầy 4 năm hoạt động, sản phẩm của Hợp tác xã Pả Vi hiện rất phong phú với: hạt tam giác mạch tách vỏ, bột tam giác mạch ăn liền, trà, kẹo, bánh, mì sợi,…
Thu nhập của thành viên hợp tác xã trung bình từ 3-4 triệu đồng, số tiền tuy không lớn nhưng đã có thể giúp nhiều gia đình ở Mèo Vạc trang trải được cuộc sống hằng ngày, không còn phải lo đứt bữa vào thời điểm ngày đông tháng giá. Đồng thời việc thu mua hạt tam giác mạch với giá trung bình là 30.000 đồng/kg cũng giúp khuyến khích bà con trong vùng tích cực trồng cây, vừa để phát triển du lịch, vừa thu hoạch hạt, có thêm thu nhập.
“Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm của Hợp tác xã Pả Vi đã được “chắp cánh” đến với nhiều vùng miền của đất nước. Hiên khoe sản phẩm bột tam giác mạch của hợp tác xã được một nhà hàng lớn trong Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên mua với số lượng lớn để làm mì tươi.
Những thành công bước đầu của Hợp tác xã Pả Vi và cô kỹ sư Hoàng Thị Hiên đã thực sự chắp thêm cánh cho cây tam giác mạch bản địa, mở ra cơ hội phát triển mới, góp xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.