Xóa bỏ trồng cây thuốc phiện: Giải pháp căn cơ là tạo sinh kế cho người dân

BVR&MT – Trong những năm qua, nhiều vùng hẻo lánh, vùng DTTS vẫn còn tình trạng trồng cây thuốc phiện. Bên cạnh nguyên nhân cố tình vi phạm pháp luật, còn do đời sống của người dân quá khó khăn. Do đó, để vận động người dân xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, chúng ta cần quan tâm tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS.

Người dân ở Vân Hồ trồng mận cho thu nhập cao.

Hồi sinh những vùng đất chết

Trước đây, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), từng nổi danh là vùng đất của cây thuốc phiện, với không ít người rơi vào cảnh nghiện ngập… Hôm nay, thay vào cảnh đó là những đồi chè, mận, đào… xanh ngắt, đang mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà.

Chỉ tay về phía những đồi chè xanh ngắt trải dài trên các triền đồi, ông Mùi Văn Hoạt – nguyên Chủ tịch UBND xã Vân Hồ vẫn còn nhớ như in những câu chuyện của nhiều năm trước, hầu hết ở những khu vực này đều là nương thuốc phiện. Từ năm 1990 trở về trước, hầu hết nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện. Theo thống kê vào thời điểm đó, trên địa bàn xã Vân Hồ có hơn 300 ha trồng thuốc phiện, rất nhiều người nghiện. An ninh trật tự địa phương luôn trong tình trạng bất ổn, nạn trộm cắp gia súc, gia cầm… hoành hành.

Giờ đây, những câu chuyện đó không còn nữa, nạn nghiện ma túy, trộm cắp đã trở thành quá khứ. Người dân sống đoàn kết, chăm chỉ lao động sản xuất, biết phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương trồng chè, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1993, sau khi thực hiện Nghị quyết 06/NQ/CP về chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cùng sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện và định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng chè, trồng cây ăn quả thay thế cho cây thuốc phiện. Từ đó, tình trạng trồng cây thuốc phiện ở Vân Hồ được dứt bỏ.

Cũng như Vân Hồ, xã vùng cao Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) trước đây cũng là vùng đất của “cái chết trắng”. Thế nhưng, nhờ sự vận động của chính quyền, người dân đã dần từ bỏ cây anh túc. Giờ đây trên những nương đồi Mường Lống là cây chanh leo bạt ngàn.

Không những vậy, từ “vùng đất chết” này, người dân còn trồng nhiều cây đặc sản có giá trị cao như mận tam hoa, đào, khoai sọ, gừng tươi, cùng một số loại cây ăn trái khác cũng được người dân tích cực gieo trồng. Người dân ở Mường Lống còn phát triển diện tích trồng cây cỏ voi – thức ăn cho trâu bò, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tại bản Mường Lống 1, hiện có 100% số hộ trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, thu nhập bình quân năm/hộ khoảng gần 100 triệu đồng.

Cuộc sống ở Mường Lống ngày càng khởi sắc.

Vùng biên đẩy lùi cây anh túc

Từ những minh chứng sống động trên, cho thấy không trồng anh túc đời sống người dân vẫn khấm khá. Hơn nữa, cộng đồng còn tránh được nhiều tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta vẫn phải kiên trì vận động người dân bài trừ trồng cây thuốc phiện.

Mới đây, tại các xã biên giới Khánh Xuân, Xuân Trường huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), lực lượng chức năng đã phát hiện, phá nhổ hơn 8.000 cây thuốc phiện trồng trái phép trong khu vực. Trước đó, từ tin báo của quần chúng Nhân dân, Công an xã Khánh Xuân đã kiểm tra và phát hiện tại một thung lũng ở xóm Lũng Quẩy, xã Khánh Xuân có trồng nhiều cây thuốc phiện đang ra hoa. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định Phủng Mùi Khé (sinh năm 1980) và Chảo Mùi Nải (sinh năm 1978) cùng trú tại xóm Lũng Quẩy, xã Khánh Xuân đã trồng số cây thuốc phiện nêu trên. Tại cơ quan Công an, Khé và Nải khai nhận đã trồng số cây thuốc phiện này.

Còn tại tỉnh Ðiện Biên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng kiên trì tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ tình trạng trồng, sử dụng cây thuốc phiện.

Trung tá Vũ Ðình Nghi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an tỉnh Ðiện Biên cho biết: Trước mùa gieo trồng cây thuốc phiện Công an tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo Công an các huyện chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai lực lượng xuống cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Ðồng thời, tổ chức cho Nhân dân ký cam kết không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy; tích cực phát hiện, tố giác những người trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn.

Ðặc biệt là phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, khoanh vùng, nắm tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy ở các địa bàn; trong đó, tập trung vào những địa bàn có nhiều khả năng, điều kiện trồng và tái trồng cây thuốc phiện, như: Vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã và tại những địa bàn đã từng xảy ra trồng cây thuốc phiện…

Do triển khai đồng bộ các biện pháp, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện đã giảm dần. Trong năm qua, toàn tỉnh Ðiện Biên phát hiện, phá nhổ 811 m2 trồng cây thuốc phiện tại các huyện: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Ảng. So với năm 2020 diện tích trồng loại cây này giảm 163 m2…