Xây dựng vùng sản xuất, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực

BVR&MT – Tỉnh Bến tre đề ra mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, sạch, hữu cơ, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị có hàm lượng khoa học – kỹ thuật cao, tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng tốt và tăng sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp bền vững.​

Chuỗi liên kết bưởi da xanh bước đầu đã xây dựng được vùng nguyên liệu.

Sau 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 – NQ/TU ngày 05/8/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Cơ cấu nông nghiệp dần chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô sản xuất thay đổi từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn gắn với tư duy kinh tế nông nghiệp; lợi thế vùng sinh thái được phát huy, tài nguyên bản địa được khai thác hiệu quả; khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi.

Cùng với với những thành quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế do một số địa phương chưa có kế hoạch hay phương án tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch đất đai, dân cư. Chính sách, cơ chế để người dân tham gia kinh tế hợp tác chưa cụ thể hóa, triển khai thực hiện còn chậm, chưa phát huy hiệu quả. Tổ chức chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn bị động, lúng túng, chưa tạo được bước đột phá, chưa chủ động mời gọi doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, kết nối chuỗi giá trị.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế với quan điểm xác định kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phát triển nông nghiệp phải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, gắn với thị trường toàn cầu. Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre quyết liệt thực hiện tập trung các giải pháp chính nhằm xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, cụ thể: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nhằm nâng cao nhận thức, tạo động lực để người dân thực hiện theo định hướng chung của tỉnh. Rà soát, xây dựng quy hoạch nông nghiệp phù hợp với xu hướng biến đổi khí hậu và gắn với nhu cầu thị trường: Bố trí đất sản xuất nông nghiệp phù hợp, quy hoạch phù hợp và đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất tập trung và điểm dân cư tập trung. Thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng nông thôn theo hướng ” Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ “, ” vốn ngân sách đi trước, vốn tư nhân theo sau “.

Vườn dừa hữu cơ xã Phú Vang, huyện Bình Đại.

Song song đó, tỉnh Bến Tre đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, tạo sản phẩm chất lượng, đồng nhất. Đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới cho nông dân, doanh nghiệp. Xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung xây dựng, hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi, giữ vai trò hạt nhân để thực hiện kết nối thị trường; chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi; xây dựng quy chuẩn về sản phẩm liên kết. Phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã sản xuất ( KTHT/HTX ), kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Về kết nối sản xuất với doanh nghiệp và thị trường, tỉnh tập trung rà soát, triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của trung ương và của tỉnh. Tăng cường, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua tổ chức hội chợ triển lãm, phát triển thương mại điện tử, gia tăng năng lực sản xuất mới.

Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai: Tăng cường tập huấn, tuyên truyền quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn, định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học và thích ứng biến đổi khí hậu. Khắc phục, xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong sản xuất nông nghiệp. Khẩn trương hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc chất lượng nước và dự báo độ mặn tự động ( ASWQM ) trên địa bàn tỉnh Bến Tre, các dự án thủy lợi trọng điểm nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với vấn đề huy động vốn đầu tư sẽ lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đồng thời tăng cường huy động mọi nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Duy trì ổn định môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ cao và đầu tư vốn lớn vào nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ để phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của Tỉnh./.

Trong 5 năm tới tỉnh sẽ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với thực hiện truy xuất nguồn gốc với quy mô 20 đến 22 ngàn ha nhóm sản phẩm dừa, 1,5 đến 2,2 ngàn ha nhóm sản phẩm cây ăn trái, 300ha nhóm sản phẩm cây giống – hoa kiểng. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với 450ha nhóm sản phẩm tôm (trong 4.000ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao), gắn với tổ chức lại dân cư nông thôn, trong đó, có 80% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương. Phát triển hoàn chỉnh các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực nhóm sản phẩm con heo, bò trên địa bàn tỉnh. Trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, chuỗi dừa được xếp đầu tiên. Hiện nay, chuỗi dừa đã hình thành 51 tổ hợp tác, 18 hợp tác xã và thực hiện liên kết tiêu thụ với 7 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã tham gia, với tổng diện tích liên kết 11.768,3ha, chiếm 16,17% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Liên kết chuỗi dừa đã góp phần hình thành nên vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gần 10.000ha. Từ đó, tạo ra các dòng sản phẩm hữu cơ từ dừa như: dầu dừa, nước dừa, cốt dừa… thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.