BVR&MT – Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bạc Liêu cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Với quyết tâm chính trị cao cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, diện mạo nông thôn Bạc Liêu không ngừng thay đổi, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng chất lượng và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên. Năm 2019 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, liền sau đó chính quyền và nhân xã Châu Hưng A bắt tay ngay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, xã đã đạt 6/6 tiêu chí với 20/20 chỉ tiêu theo quy định. Ấn tượng nhất là tỷ lệ đường giao thông trục ấp, liên ấp đều nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 100%; đường giao thông ngõ xóm với 33 tuyến đều được cứng hóa. Xã có 59 tuyến kênh thủy lợi vượt cấp, nội đồng và một ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện phục vụ 120 ha trồng lúa. Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn xã đạt 99,9%; cơ sở vật chất trường lớp: mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia 100%…
Là xã thuần nông, Châu Hưng A chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; nhân rộng mô hình cánh đồng lớn. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, sạch… Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân với mức bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Nhân Đức, hộ dân ở ấp Trà Ban, xã Châu Hưng A nhận xét, mọi người được hưởng thụ từ các chương trình đầu tư phát triển hiệu quả, nên bản thân ông và nhiều người khác ủng hộ. Đời sống khấm khá, ai cũng chú ý đến chỉnh trang làm đẹp thôn xóm; nhà nhà trồng hoa kiểng, tạo cảnh quang môi trường để cuộc sống ngày thêm xanh – sạch – đẹp.
Còn xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu – đang khoác lên mình một diện mạo mới, dáng dấp của đô thị vệ tinh của thành phố. Theo bà Dương Thị An Til, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành, với tiềm năng, lợi thế của mình, xã không chỉ tập trung phát triển thương mại, du lịch mà còn quan tâm công tác phát triển sản xuất.
Được công nhận nông thôn mới nâng cao, Hiệp Thành xây dựng nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, hình thành và phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Từng bước hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc thù của xã để trở thành sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) địa phương, quốc gia như: thương hiệu trái Thanh Nhãn, các loại rau màu mà xã có thế mạnh. Xã cũng định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái nông nghiệp… Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản góp phần nâng cao thu nhập, tạo nên những nông dân giàu trên đất sản xuất.
Tránh bệnh thành tích
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hiện có 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 3 xã được công nhận đầu năm 2022), 3 nông thôn mới kiểu mẫu, có 67/67 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu.
Riêng huyện Phước Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2017, thành phố Bạc Liêu đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020, hai đơn vị cấp huyện đang đề nghị Trung ương thẩm định công nhận nông thôn mới huyện Vĩnh Lợi và thị xã Giá Rai, các đơn vị huyện còn lại là huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải đang từng bước hoàn thành 9 tiêu chí cấp huyện và thực hiện quy trình đề nghị công nhận trong thời gian tới.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng theo đánh giá, công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua cũng còn một số khó khăn nhất định. Điển hình như một số tiêu chí đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, trong khi nguồn vốn từ ngân sách phân bổ hàng năm của tỉnh còn hạn chế. Một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng 1 vài tiêu chí chỉ đạt ở mức thấp cần được tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, thậm chí là cho nợ.
Bên cạnh đó, đường giao thông nông thôn (chủ yếu đường liên ấp) ở một số xã được đầu tư xây dựng có chiều rộng mặt đường hẹp từ 1,5 – 2,5 m, chỉ đáp ứng nhu cầu thông xe 02 bánh, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa và tiêu chí nông thôn mới. Một số nơi còn tập trung nhiều nguồn lực cho tiêu chí cơ sở hạ tầng mà hạn chế quan tâm đến các tiêu chí về an ninh trật tự, vệ sinh cảnh quan môi trường, liên kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống…
Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh xác định hướng đến chất lượng và bền vững, không chạy theo thành tích; phải gắn công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn với đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong đó, 49/49 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, sẽ tiếp tục thực hiện để đảm bảo đạt các chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của giai đoạn 2021 – 2025; phấn đấu 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân; 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao là huyện Phước Long và thành phố Bạc Liêu.
Để thực hiện đạt các mục tiêu này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp làm nền tảng cho tập trung đất đai, sản xuất hàng hóa lớn và liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh cũng xác định lồng ghép có hiệu quả các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Tỉnh đang đẩy nhanh thực hiện nhiều giải pháp nhằm sớm hoàn thành đưa vào khai thác Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đồng thời tăng diện tích nuôi trồng thủy sản cũng như đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất.
Cùng với các giải pháp trên, Bạc Liêu cũng đang kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn các cấp theo hướng ngày các chuyên nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn sẽ là cơ quan chủ trì của Chương trình phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu kịp thời cho tỉnh những quyết sách đúng đắn về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng phát triển hiện đại, bền vững.