Xây dựng nông thôn mới tại vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số

BVR&MT – Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, nhiều địa phương trở thành những miền quê phát triển, đáng sống. Tuy nhiên, tại những xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng NTM vẫn còn nhiều trở ngại. Do đó, để rút ngắn khoảng cách này ngoài những đột phá từ chính sách, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của các địa phương cũng như người dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới…

Mô hình trồng cây mắc ca giúp nâng cao thu nhập cho người dân xã Tân Văn, huyện Bình Gia (Lạng Sơn).

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 5.177 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 58,2%). Đây là một kết quả đáng khích lệ, cho thấy sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân trong những năm qua. Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của các vùng miền còn chênh lệch khá lớn; những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn gặp nhiều khó khăn do địa hình, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao… khiến xây dựng NTM chậm hơn các địa phương khác.

Tân Văn là một trong 18 xã, thị trấn đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2011, Tân Văn bắt tay vào xây dựng NTM chỉ với lưng vốn vẻn vẹn 2 trong số 19 tiêu chí gồm: bưu điện và an ninh trật tự, an toàn xã hội; 17 tiêu chí còn lại, tiêu chí nào cũng khiến Tân Văn nhọc nhằn, trăn trở… Ông Nông Ngọc Thị, người dân xã Tân Văn chia sẻ, trước đây, đời sống của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất gần như bế tắc do sản phẩm không có đầu ra. Giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi gần như không có, gây cản trở rất nhiều cho sản xuất, khiến thu nhập của người dân chỉ đạt gần 9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 47%.

Tuy nhiên, Tân Văn đã chủ động xây dựng NTM theo tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Trong khi nhiều địa phương khác bắt tay xây dựng NTM cấp xã thì Tân Văn lại triển khai xây dựng mô hình thôn, bản NTM; đồng thời, lồng ghép với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM”… Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, bộ mặt nông thôn Tân Văn thay đổi rõ rệt với những con đường được trải bê-tông, sạch sẽ, nhiều ngôi nhà, trường học khang trang mọc lên.

Còn tại A Dơi, một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có 10 thôn, thì cả 10 thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hiện A Dơi có hơn ba nghìn nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người Vân Kiều (chiếm 65,3% số dân toàn xã), còn lại là người Kinh, Pa Cô với tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 48%, đang trở thành thách thức không nhỏ trong xây dựng NTM. Năm 2011, A Dơi bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm chỉ ba tiêu chí (bưu điện, chợ, điện). Sau 9 năm (2011- 2019), A Dơi đạt 9 trong số 19 tiêu chí, với tổng số vốn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2019 là 57,5 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Xa Cách chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của A Dơi chính là tiêu chí hộ nghèo và nhà ở. Hiện thu nhập bình quân đã tăng lên 7 triệu đồng/người/năm, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng thu nhập chung. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện vẫn còn tới 47,88%. Năm 2020, xã cố gắng phấn đấu đạt 16 tiêu chí NTM, riêng hai thôn Đồng Tâm và Khánh Thành phấn đấu đạt chuẩn NTM cấp thôn, bản.

Theo thống kê của UBND tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có 54 trong số 85 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Năm 2011 khi rà soát đánh giá để bắt tay vào xây dựng NTM, bình quân mỗi xã trong tỉnh chỉ đạt 2,98 tiêu chí, thậm chí có xã chỉ đạt một tiêu chí. Do đó, để các xã có thể về đích NTM là cả quá trình nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và người dân.

Những thành công ban đầu

Để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn xây dựng thành công NTM, ngoài các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương đã tính đến những cơ chế, chính sách riêng mang tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn xây dựng NTM tại mỗi xã.

Tỉnh Quảng Trị thực hiện chính sách cho vay vốn bù lãi suất và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng gia tăng giá trị sản xuất. Ngoài mạnh dạn xã hội hóa từng phần trong xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, coi giao thông, thủy lợi là mũi đột phá, đồng thời tạo cơ chế, mời gọi doanh nghiệp đầu tư về địa phương nhằm hỗ trợ, phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Năm 2016, xã A Dơi vận động người dân chuyển một số diện tích sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao-su. Từ năm 2018 tới nay, việc chuyển đổi diễn ra mạnh mẽ với hơn 180 ha cao-su được trồng mới, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Người dân xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng đã chọn được cây hồ tiêu để bắt đầu giấc mơ làm giàu. Ông Dương Văn Tài, người dân thôn An Lệ, xã Kim Thạch chia sẻ, hồ tiêu chính là cây trồng giúp gia đình ông đổi đời. Từ một héc-ta trồng hồ tiêu, mỗi năm gia đình thu ba tấn tiêu, tương đương 150 triệu đồng. Ngoài hồ tiêu, ông Tài còn trồng thêm cây mun, cây tầm và lạc, nên thu nhập cả năm cộng lại lên tới 300 triệu đồng.

Nhờ cách làm hay, hiệu quả và có chọn lọc tiêu chí nên xã Tân Văn, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) bước đầu thu được “trái ngọt” trong xây dựng NTM. Thu nhập của người dân địa phương tăng từ 9 triệu đồng/năm 2011 lên hơn 35 triệu đồng/ người/ năm 2019. Để đạt được thành tích ấy, địa phương đã vượt qua nhiều khó khăn, có nhiều giải pháp, sáng kiến, phù hợp với thực tiễn. Trước hết, là sự đổi mới tư duy trong chỉ đạo, điều hành, vận động người dân chung sức đồng lòng vì mục tiêu chung, nên những khó khăn, vướng mắc đã dần được tháo gỡ. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM tại xã Tân Văn đạt hơn 154 tỷ đồng; nhân dân hiến gần 11.890 m2 đất và hơn 28 nghìn ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Cuối năm 2017, xã Tân Văn đã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Dù thành công trong xây dựng NTM, nhưng xã Tân Văn vẫn chưa hết khó khăn. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nông Duy Nghĩa, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn ở mức 6,89%, vấn đề môi trường, thu nhập… vẫn là những thách thức không nhỏ sau NTM.

Khi nguồn thu nhập tăng lên, người dân từ thụ động, trông chờ ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng NTM đã chủ động tham gia xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) người dân đã phối hợp với Tỉnh đoàn, đồn biên phòng đóng tại địa bàn kéo thành công đường điện mang tên “Ánh sáng đường biên” dài 1,2 km trị giá hơn 60 triệu đồng. Cùng với đường điện là hàng nghìn mét vuông đất đã được hiến tặng làm đường, xây nhà văn hóa, trường học. Tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) cũng vậy. Phần lớn các công trình phúc lợi đều được hình thành từ việc hiến đất, đóng góp ngày công lao động của người dân. Ngay cả những người con của Tân Văn làm ăn xa cũng tự nguyện đóng góp kinh phí để địa phương xây dựng NTM.

Để NTM phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu NTM kiểu mẫu, không ít địa phương đẩy mạnh đầu tư chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tỉnh Quảng Trị đã dành 98 tỷ đồng cho công tác đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ chuyên trách và người đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP… Tính đến hết năm 2019, tỉnh đã có 19 sản phẩm OCOP; trong đó có hai sản phẩm đạt bốn sao, 17 sản phẩm đạt ba sao.

Theo Văn phòng điều phối NTM quốc gia, để nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn NTM và duy trì bền vững kết quả sau khi đạt chuẩn, dự kiến nguồn vốn giai đoạn tới là 106.458,2 tỷ đồng (tăng 1,68 lần so với giai đoạn 2016-2020). Trong đó, dành một phần kinh phí để thực hiện Đề án xây dựng NTM tại các vùng đặc thù, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Trần Thanh Hiền đề xuất, nên thống nhất kinh phí đầu tư trong xây dựng NTM, tách bạch nguồn kinh phí dành cho xây dựng NTM với chương trình 30A. Đầu tư có trọng điểm để các xã đặc biệt khó khăn có cơ hội vươn lên cán đích NTM.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, theo đề án xây dựng NTM, đến năm 2020, Chính phủ sẽ hỗ trợ 3.514 thôn, bản khó khăn xây dựng NTM, nhưng thực tế mới có 10% số thôn, bản trên nhận được hỗ trợ. Do đó, cần có giải pháp để thúc đẩy các thôn, bản khó khăn đẩy mạnh xây dựng NTM.

Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, nguồn đầu tư cũng sẽ tập trung vào thực hiện những tiêu chí khó khăn, nhất là các tiêu chí về hạ tầng và môi trường, làm sao đến năm 2025 các xã khó khăn trong cả nước đều đạt 15 tiêu chí trở lên…