Xây dựng nông thôn mới phải có sức sống mới dựa vào tư duy mới, cách làm mới

BVR&MT – Ngày 27/7, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, thăm gian hàng trưng bày nông sản địa phương tại Hội nghị xây dựng NTM tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng thôn, bản nông thôn mới cách đây 5 năm và đã ban hành bộ tiêu chí của tỉnh cho riêng mô hình này. Tương tự Thanh Hoá, các tỉnh còn lại như Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai… cũng đã bắt đầu ban hành các tiêu chí về thôn, bản NTM và chủ động triển khai nhiều giải pháp quan trọng về tín dụng để khơi dậy nguồn lực đầu tư hạ tầng, sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện dân cư, địa hình của vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Hiên nay, cả nước còn 46 tỉnh với tổng số 2.139 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều tỉnh có trên 100 xã đặc biệt khó khăn (Hà Giang: 136 xã, Cao Bằng: 136 xã, Lạng Sơn: 136 xã, Sơn La: 118 xã, Điện Biên: 136 xã, Lào Cai: 104 xã, Thanh Hóa: 100 xã); có 103 xã đạt dưới 05 tiêu chí (tập trung ở Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi…).

Phát biểu tại Hội nghị, biểu dương kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu từ nay tới năm 2020, xây dựng thôn, bản, ấp NTM sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

“Xây dựng NTM luôn phải có sức sống mới dựa vào tư duy mới, cách làm mới. Trong giai đoạn này sự chỉ đạo của Trung ương là quan trọng nhưng sự sáng tạo của người dân, cộng đồng là quyết định cho thành công của chương trình“, Phó Thủ tướng nói.

Trưởng Ban Chỉ đạo dẫn chứng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM mới như NTM kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, chương trình mỗi xã một sản phẩm và đã thành công ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Nam Định…, góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ở các tỉnh này.

Về bộ tiêu chí xã NTM nói chung, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ và người dân không thể thu xếp đủ nguồn lực để nhanh chóng xây dựng các xã ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoàn thành 19 tiêu chí vì dân cư phân tán, địa hình trải dài, chia cắt.

Lấy ví dụ ở tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Văn Sơn tính toán rằng nếu để hơn 100 xã còn lại đạt chuẩn NTM thì cần phải đầu tư tới hơn 20.000 tỷ đồng (trung bình đầu tư 200 tỷ đồng/xã) – con số mà ngân sách và sự ủng hộ của xã hội không thể đáp ứng nổi trong ngắn hạn.

“Khi đời sống cư dân nông thôn ở đồng bằng ngày một thay đổi mà đời sống của bà con ở những vùng sâu, địa bàn “phên dậu” của Tổ quốc vẫn còn nhiều khó khăn thì không thể để như vậy được”, Trưởng Ban Chỉ đạo bày tỏ và quán triệt tới Hội nghị việc triển khai Đề án trong thời gian tới song song với việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh không chỉ có 35 địa phương trong phạm vi Đề án triển khai thực hiện mà các địa phương khác có địa bàn khó khăn dưới 10 tiêu chí cũng cần chủ động rà soát, thực hiện theo phương châm khơi dậy tính chủ động của người dân, cộng đồng ở thôn, bản, ấp.

Để tăng cường nguồn lực thực hiện chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng chính sách nghiên cứu, cung cấp dịch vụ tín dụng phục vụ cho Đề án này, tập trung vào các tiêu chí phục vụ sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu…

Các bộ, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp về tuyên truyền, tập huấn để nâng cao năng lực, kiến thức cho cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là cán bộ, những người có uy tín trong cộng đồng làm công tác xây dựng NTM ở xã, thôn, bản, ấp.

Trong quá trình hỗ trợ các thôn, bản, ấp xây dựng NTM, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư; để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gắn với các chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, mỗi xã một sản phẩm.

Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ NN&PTNT nhanh chóng hoàn thiện Đề án, Văn phòng điều phối NTM các địa phương tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành ngay trong năm nay kế hoạch triển khai Đề án để đạt các mục tiêu chung vào năm 2020.