BVR&MT – Gia Lai có bảy xã biên giới giáp nước bạn Cam-pu-chia thuộc ba huyện Chư Prông, Ðức Cơ và Ia Grai. Vốn là vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại cách trở, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cho nên việc phát triển kinh tế nơi đây gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, bộ mặt nông thôn vùng biên giới có nhiều thay đổi, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Diện mạo mới vùng biên
Làng Bẹk, xã Ia Bă, huyện Chư Prông có 216 hộ với 976 nhân khẩu, trong đó hơn 70% số dân là đồng bào DTTS. Ðầu năm 2019, khi được huyện chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào DTTS, làng Bẹk mới chỉ đạt 11 trong tổng số 19 tiêu chí. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự đồng lòng chung sức của hệ thống chính trị và người dân, đến nay, làng Bẹk đã hoàn thành được thêm sáu tiêu chí và phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thiện các tiêu chí còn lại gồm: thu nhập; môi trường và an toàn thực phẩm.
Bí thư Chi bộ làng Bẹk Phạm Sỹ Thiêm cho biết: Sau khi có chủ trương xây dựng làng NTM, chi bộ cùng với Mặt trận, đoàn thể thôn đã tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về chủ trương của tỉnh. Khi đã hiểu, người dân rất nhiệt tình ủng hộ, tham gia hiến đất, đóng góp ngày công để làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, sửa chữa hàng rào, phát triển sản xuất… Từ đầu năm đến nay, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân làng Bẹk đã đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng và 400 ngày công để làm hơn 1,4 km đường giao thông nông thôn. Không chỉ chung sức làm đường giao thông nông thôn, cán bộ, đảng viên, người dân trong làng còn tích cực sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, người dân làm được 25 nhà vệ sinh, kéo điện thắp sáng đường làng được 1,2 km, mua sắm trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng.
Tương tự, tại làng Mook Trê, xã Ia Dom, huyện Ðức Cơ, người dân đang tích cực chỉnh trang nhà cửa, hàng rào, cổng ngõ, vệ sinh môi trường. Trưởng thôn Ksor Bia cho hay: “Làng Mook Trê có 358 hộ, đến nay chỉ còn 10 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo. Sau khi quán triệt chủ trương của huyện về xây dựng làng NTM thông qua các cuộc họp, người dân trong làng đã đồng thuận, tích cực tham gia. Với nguồn kinh phí 200 triệu đồng do huyện hỗ trợ, chúng tôi sửa chữa nhà rông, làm hàng rào, nhà vệ sinh, sân bê-tông, cột cờ, trồng hoa tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Ðồng thời, chúng tôi bàn với người dân sắp tới sẽ kéo điện chiếu sáng đường làng với chiều dài gần 2 km, mọi người đều rất phấn khởi và tự nguyện xin đóng góp tiền mua bóng đèn và bỏ công để chôn trụ điện”.
Vì biên giới bình yên
Những đổi thay của các xã biên giới ở Gia Lai có được nhờ nỗ lực vươn lên của người dân, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ về nhiều mặt của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BÐBP). Ðược sự quan tâm của Bộ Chỉ huy BÐBP Gia Lai, hiện bảy xã biên giới đều có cán bộ biên phòng tăng cường, trong đó có sáu người đang giữ chức phó bí thư đảng ủy xã. Chính đội ngũ cán bộ tăng cường này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.
Trung tá Vũ Văn Hoằng là cán bộ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được tăng cường về xã Ia Dom, huyện Ðức Cơ từ năm 2014 và hiện đang giữ chức Phó Bí thư Ðảng ủy xã. Suốt 5 năm qua, người dân xã Ia Dom đã quen với hình ảnh người cán bộ biên phòng tận tụy “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân. Chủ tịch UBND xã Ia Dom Ngô Hữu Thiện cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Ia Dom còn là một xã nghèo, kết cấu hạ tầng thấp kém, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng bảy triệu đồng/năm và có đến gần 22% số hộ là hộ nghèo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp cho nên có rất nhiều việc phải làm và cần sự chung sức, đồng lòng của toàn dân. Năm 2016, Ia Dom là xã biên giới đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên đạt chuẩn NTM. Ðến nay, diện mạo của xã thay đổi hoàn toàn; thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,79%”.
Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã đưa 50 đảng viên về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng biên giới. Trong ba năm qua, các đảng viên BÐBP đã tham mưu giúp cấp ủy địa phương phát hiện, bồi dưỡng 160 đoàn viên ưu tú; kết nạp 126 đảng viên; bồi dưỡng, tạo nguồn 57 cán bộ thôn, xã; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra và giám sát của Ðảng. Ðội ngũ đảng viên này còn hướng dẫn, giúp các địa phương xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả như: Trồng lúa nước ở xã Ia Nan (huyện Ðức Cơ), Ia Mơr (huyện Chư Prông); trồng xen canh, trồng hồ tiêu ở xã Ia Dom (huyện Ðức Cơ), Ia O (huyện Ia Grai); chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng ở xã Ia Chía (huyện Ia Grai)… Bên cạnh đó, đội ngũ đảng viên này cũng đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh vững mạnh; vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; ngăn chặn hiệu quả tình trạng vượt biên, hoạt động truyền đạo trái phép, xâm lấn đường biên, cột mốc; hạn chế hoạt động mê tín dị đoan…
Ðại tá Vũ Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Gia Lai khẳng định: “Những đảng viên được phân công sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng đã làm tròn vai trò “cầu nối” giúp lãnh đạo, chỉ huy BÐBP các cấp nắm rõ hơn, cụ thể hơn tình hình khu vực biên giới; đồng thời giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia”.