Xây dựng lưới điện truyền tải không để xảy ra giảm phát gây thiệt hại cho nhà đầu tư

BVR&MT – 27/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Trung tâm tin tức VTV24 đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn”.

Công nhân lắp đặt tấm pin tại Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam ở huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia phân tích, đánh giá những khó khăn trong hoạt động phát triền năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam và vướng mắc trong việc giải tỏa công suất.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời đạt tổng công suất lắp đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất điện quốc gia. Con số này vượt rất xa so dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850MW điện mặt trời vào năm 2020). Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới sự quá tải, nhiều nhà máy phải giảm tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Năng lượng cho biết, để xây dựng và đưa vào vận hành một dự án NLTT chỉ mất thời gian sáu tháng đến một năm. Tuy nhiên, để triển khai các thủ tục đầu tư, và xây dựng đường dây, trạm biến áp truyền tải thông thường phải mất từ hai đến ba năm, nếu vướng mắc trong đền bù, giải tỏa mặt bằng… thời gian có thể kéo dài thêm một đến hai năm.

Ngoài ra, cũng theo ông Tuấn, sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió gây ra các “điểm nghẽn” về truyền tải. Sự “bùng nổ” của các dự án điện mặt trời trong khi hệ thống truyền tải không đáp ứng được khiến nhiều nhà máy phải giảm phát từ 10 đến trên 50%.

“Trong lúc lập và trình duyệt Quy hoạch điện VII tại thời điểm cuối 2015, đầu 2016, vì chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể, thích đáng khiến rất ít các dự án NLTT được đề xuất.

Quy mô nguồn NLTT hơn 27.000MW vào năm 2030 cũng chỉ là tính toán định hướng. Vì vậy, không thể xuất hiện các đường dây và trạm biến áp truyền tải cụ thể theo từng năm”, ông Tuấn cho hay.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho biết thêm, một nguyên nhân khiến NLTT khó phát triển là do còn nhiều “khoảng trống”, bất cập trong chính sách chưa được tháo gỡ.

“Chúng ta biết giá FIT để khuyến khích phát triển NLTT cao hơn giá điện từ các nguồn nhiệt điện truyền thống và nếu càng nhiều điện mặt trời, điện gió thì giá thành chung của sản xuất điện sẽ tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là hiện nay, giá thành điện chỉ tính trên cơ sở chi phí tài chính, chưa tính tới chi phí tránh được về kinh tế, xã hội và môi trường”, ông Tuấn nhận định.

Về vấn đề này, mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/7/2019, tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng lưới điện truyền tải, không để xảy ra tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà đầu tư… Đối với việc đầu tư lưới điện truyền tải cần rà soát các quy định pháp luật và nghiên cứu cơ chế thí điểm cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, nguy cơ thiếu điện hiện tại đã tích tụ từ nhiều năm trước. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các dự án nhiệt điện than được phát triển trở lại.

Tuy nhiên, các dự án trên không đạt tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) dẫn đến không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7.000MW điện mỗi năm. Bên cạnh đó, nguồn NLTT rất được kỳ vọng với công suất lắp đặt đạt 9% tổng công suất nguồn điện của cả nước, tuy nhiên, sản lượng điện mới đạt 2,5%.

Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt vẫn đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này đang dần cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

“Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn NLTT như: năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới”, ông Ngãi khẳng định.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2019 tập đoàn phải huy động khoảng 2,57 tỷ KWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỷ KWh. Sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ KWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ KWh, năm 2023 là 15 tỷ KWh.

“Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiên liệu than và khí cho phát điện thiếu hụt”, Phó Tổng EVN Nguyễn Tài Anh chia sẻ.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ngày một tăng, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã đặt kế hoạch đầu tư điện lớn vào các năm tới. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỷ đồng và 2021-2030 là 610.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, với các quy định, cơ chế độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính. Do vậy, tại diễn đàn nhiều ý kiến cho rằng, nên có cơ chế, chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải điện. Một mặt sẽ khắc phục được tình trạng chậm và quá tải lưới điện hiện nay và qua đó sẽ giải tỏa được hết công suất của các nhà máy điện NLTT đã và đang sắp được đầu tư, góp phần khắc phục được sự thiếu hụt nguồn điện năng.

Bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group cho rằng, hiện nay đường truyền tải 220kV ở Ninh Thuận đang bị quá tải nghiêm trọng, và để chia sẻ khó khăn, Trung Nam đã đứng ra xin đầu tư một đường dây 500kV để giải tỏa hết công suất của khu vực này, đi kèm với đó Trung Nam sẽ đầu tư một nhà máy 450MW.

“Điều này không chỉ giúp cho Ninh Thuận có thể truyền tải hết công suất của các nhà máy đã đầu tư mà còn truyền tải cho EVN dự kiến thêm khoảng 6000 MW… Tuy nhiên hiện chúng tôi vẫn đang chờ để được phê duyệt, và sẽ triển khai xây dựng, đưa vào vận hành nhằm giải tỏa nút thắt giảm công suất phát như thời gian vừa qua trên địa bàn Ninh Thuận”, ông Tiến cho biết.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần khẩn trương có những cơ chế, chính sách tháo gỡ kịp thời cho các dự án điện NLTT cũng như hạ tầng truyền tải điện thì mới góp phần bổ sung nguồn điện đang thiếu hụt, giảm áp lực thiếu điện trong những năm tới, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

https://baovemoitruong.org.vn/