Xào xạc những tiếng chổi tre đêm Hà Nội!

BVR&MT21 giờ 30 phút… Khi xe cộ lưu thông dần thưa thớt, đó cũng là lúc tiếng chổi loẹt xoẹt của những người lao công cất lên. Với tinh thần trách nhiệm, những con người ấy hằng đêm vẫn lam lũ, miệt mài làm việc, góp phần giúp thành phố được xanh – sạch – đẹp…

Nghề chọn người…

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Lý, 35 tuổi, công tác tại tổ Môi trường 3, khu 4 (Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội) trong khi chị đang cần mẫn quét rác trên phố Giảng Võ, nổi bật nhờ chiếc áo phản quang màu xanh, đôi tay thoăn thoắt quét rác, gom thành từng đống gọn gàng.

Chị Lý cho biết, tổ Môi trường 3 gồm 30 người, chia làm hai ca. Vì bận đưa đón  con đi học vào buổi sáng nên chị nhận làm việc vào ca tối, đều đặn 6 buổi mỗi tuần (trừ thứ 6), trên phố Giảng Võ, quận Ba Đình.

Nói là làm ca tối nhưng thực chất công việc của chị Lý đã được bắt đầu vào lúc 3 giờ chiều, từ việc chuẩn bị dụng cụ lao động (chổi, xe đẩy…) đi vào các ngõ xóm, đánh kẻng báo hiệu mọi người đổ rác. 18 giờ, những chiếc xe chở rác được đẩy đến nơi tập kết, khoảng 20 giờ 30-21 giờ sẽ có người đến lấy.

Tiếp đó, chị Lý sẽ quét dọn đường phố, nhanh nhẹn cho rác lên xe. 1 giờ sáng, khi chiếc xe ô tô chuyên thu gom rác thải rời điểm tập kết, chị Lý mới được về nhà. Tuy nhiên, không phải lúc nào hành trình “làm đẹp” đô thị cũng kết thúc vào 1h sáng. Có hôm khối lượng rác thải nhiều, quét dọn không xuể, tận 4,5 giờ sáng chị Lý mới xong việc.

Nghe chúng tôi hỏi: “Trong nhiều nghề lao động chân tay, tại sao chị lại chọn nghề này?”, chị Lý tươi cười: “Duyên cả đấy em ạ, việc tìm mình chứ mình không tìm việc. Chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ làm ở đây. Lúc mới sinh con đầu lòng xong, chị không có việc làm. Được người quen giới thiệu, chị mới thử làm ở đây xem sao”.

Vừa lau nhẹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Lý vừa bộc bạch: “Lúc mới làm lao công chị sợ lắm, chưa quen mùi nên lúc nào cũng bịt kín mít. Sau làm nhiều thành quen. Cũng không nghĩ là mình có thể trụ đến bây giờ”.

Đến với nghề nhờ chữ “duyên”, đồng hành với nghề nhờ ý thức, trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, hơn 10 năm qua, chị Lý đã làm việc miệt mài, vì sự trong lành của đô thị.

Nỗ lực và cống hiến

Sau một hồi thu gom, thấy lượng rác trên xe đã đầy, chị Lý bèn ngồi nghỉ ở một góc vỉa hè, tranh thủ uống ngụm nước mát. Vừa uống, chị vừa nói: “Làm nghề này cực lắm, giờ nghỉ thì không cố định vì còn phụ thuộc vào thời gian xe chở rác đến. Nếu thuận tiện, mình sẽ được về sớm. Không thì phải đợi đến 4-5 giờ sáng”.

“Cực” ở đây, theo cách lý giải của chị Lý là phải quét dọn đường phố vào lúc mưa gió bão bùng. Rác nhiều, ứ đọng, cường độ làm việc của các lao công phải cao gấp hai, gấp ba lần so với bình thường. Hoặc là trong dịp lễ, Tết, khối lượng rác thải nhiều hơn ngày thường, những người quét rác phải làm việc liên tục, không có khái niệm “ngày nghỉ lễ”.

“Vào đêm Giao thừa hằng năm, bọn chị tủi thân lắm. Người ta đưa con đi đón Giao thừa, con mình thì đi ngủ. Vợ chồng người ta dắt nhau đi chơi, vợ chồng nhà mình thì mỗi người một nơi. Chị nhớ nhất đêm Giao thừa năm kia, ở Hà Nội có mưa đá. Mưa to, đường không quét dọn được, mình cũng không thể về nhà. Đợi mưa ngớt, cả tổ mới chia nhau quét dọn. Bọn chị phải làm đến 4 giờ sáng mới xong”, chị Lý xúc động kể lại.

Ngoài nỗi nhọc nhằn, vất vả mà ít người thấu hiểu, khó khăn của nghề lao công còn là vấn đề lương thấp, chưa tương xứng với thời gian, công sức người lao động bỏ ra.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng chị Lý vẫn kiên trì theo nghề, đêm đêm kéo từng xe rác về điểm tập kết để chắc chắn những nơi mình đi qua đã sạch sẽ. Bởi chị quan niệm rằng, công việc mình làm sẽ có ý nghĩa với xã hội, mang lại bầu không khí trong lành, thoáng đãng.

Hơn thế, đó còn là bởi chị Lý cảm nhận được tình cảm của những lao công trong tổ Môi trường 3. “Ở đây mọi người yêu thương nhau lắm. Nay mình bận thì có người khác sẵn sàng làm thay dù không phải ca trực của người ta” – chị Lý vừa nói, vừa nhìn một người lao công đang quét dọn gần đó.

Nói rồi, chị lại đứng dậy tiếp tục công việc của mình – quét và thu gom rác. Dường như những người lao công lúc nào cũng phải tất tả, gấp rút để đảm bảo rằng trước khi bình minh lên, phố phường đã được sạch sẽ.

3 giờ sáng, chiếc xe ô tô chuyên thu gom rác thải xuất hiện. Các lao công nhanh tay đưa từng đống rác lên xe. Xe lăn bánh, cuốn đi những mệt nhọc, những giọt mồ hôi sau nhiều giờ làm việc vất vả của họ. Chứng kiến quá trình lao động của người quét rác mới thấy thấm thía đoạn thơ: “Những đêm đông/Khi cơn dông/Vừa tắt/Tôi đứng trông/Trên đường lặng ngắt/Chị lao công/Như sắt/Như đồng/Chị lao công/Đêm đông/Quét rác…”

Trà Giang – Hồng Nhung