Xanh xanh làng trầu Vị Thủy

BVR&MT – Đến huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, rất nhiều du khách dành thời gian tham quan cho bằng được làng trầu được xem là lớn nhất, tồn tại lâu nhất ở khu vực ĐBSCL với nhiều câu chuyện sinh tồn theo thời gian. Đây còn được xem là niềm tự hào, nét đẹp văn hóa truyền thống của những người đã từng gắn bó với làng nghề này từ bao đời nay.

Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em trồng ké dây trầu một bên
Mai sau trăm họ lớn lên
Cau kia ra trái làm nên cửa nhà.
(Ca dao)

Gìn gìn nét đẹp quê hương

Theo những bậc lão nông tri điền tại đây cho biết: làng trầu Vị Thủy tập trung tại ấp 5, xã Vị Thủy và có gần 80 năm tuổi. Ban đầu chỉ khoảng 10 hộ chuyên canh trầu nhưng sau đó do ăn nên làm ra nên hàng trăm hộ khác bắt đầu làm theo và có được cuộc sống rất ổn định. Hiện nay làng trầu nầy đang có 33 ha chuyên canh trồng trầu lấy lá, nhiều hộ đã xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều phương tiện bơm tưới tự động, phương tiện đi lại, nghe nhìn.

Một vườn trầu ở xã Vị Thủy.

Ông Phan Văn Tư, 80 tuổi ngụ ấp 5, xã Vị Thủy kể lại: “Không hiểu sao trầu trồng ở đất nầy lại tốt đến lạ thường. Nhiều thương lái đã mua dây trầu và thử trồng trên nhiều vùng đất lân cận nhưng đều thất bại. Đây là nét rất riêng, rất “văn hóa” của dây trầu Vị Thủy. Đã có nhiều đoàn làm phim đến đây quay ngoại cảnh. Giá cả thì cũng có lúc lên xuống bất thường nhưng bà con ở đây quyết lòng không phá bỏ loại lá trầu đã từng gắn bó với ông bà mình cả trăm năm qua. Hiện nay giá bán đã tăng trở lại, người trồng trầu phấn khởi lắm”.

Điều đáng mừng là nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã rất quan tâm, hỗ trợ người trồng bằng nhiều biện pháp như: gắn với quảng bá làng trầu với các tua du lịch; đăng ký thương hiệu đặc thù; sản xuất với quy mô lớn cùng với việc không sử dụng phân thuốc độc hại; hỗ trợ vốn vay cho người trồng phát triển thêm diện tích; hình thành HTX, các tổ hợp tác chuyên canh, mua bán lá trầu. Từ đó làng nghề nầy đã đứng vững trên thương trường, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương, đồng thời giữ vững được thương hiệu “lá trầu Vị Thủy”. Đây còn là hướng phát triển chủ lực của Vị Thủy đến năm 2025.

Đâu đâu cũng thấy trầu xanh

Thật không ngoa để nói rằng, Ấp 5 đã trở thành vương quốc trầu xanh của ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay. Hộ có nọc trồng trầu nhiều nhất lên đến 1.000 nọc; hộ ít nhất cũng xấp xỉ 200 nọc trầu. Tuy nhiên thời điểm từ năm 1990 trở lại đây, trầu Vị Thủy phát triển rầm rộ hơn bao giờ hết. Người dân tranh thủ trồng trầu bất kỳ nơi nào có đất trống, từ những còn đường quê chật hẹp, lối đi, bờ ao mương quanh nhà… Nhiều hộ còn mạnh dạn phá bỏ những loại cây ăn trái kém hiệu quả kinh tế để trồng trầu với các ưu thế: dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, có thu nhập quanh năm, hiếm khi rơi vào tình trạng “dội chợ”.

Không biết thực hư ra sao nhưng những người hái lá trầu thuê đều nói rằng: trầu Vị Thủy có mùi thơm và cay nồng hơn trầu ở Bà Điểm, Hóc Môn (TPHCM) hay như ở làng trầu An Giang. Nếu không quen vị có thể sẽ bị “say trầu” rất chóng mặt và nôn ói. Thời gian hái trầu thường vào sáng sớm, lúc trời còn hơi sương. Người hái sẽ chọn những lá trầu bóng mượt, vàng ươm.

Thời gian hái trầu thường vào sáng sớm, lúc trời còn hơi sương.

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Trầu Vàng xã Vị Thủy vui vẻ kể: “cứ đến xã Vị Thủy là thấy ngay màu xanh bạt ngàn của trầu xanh. Đã có nhiều hộ giàu lên từ việc trồng trầu, diện tích trồng cũng tăng lên từng ngày. Mới đây, người trồng trầu ở đây càng phấn khởi hơn nữa khi tỉnh Hậu Giang đã có quyết định công nhận làng nghề trồng trầu ấp 5 này đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn cho người trồng trầu”.

Nhiều người trồng trầu lâu năm tại làng nghề này chia sẻ kinh nghiệm: dây trầu chỉ phát triển tốt với nguồn phân bón hữu cơ (phân sinh học, bò, dơi, trùn quế…) mới có được lá trầu to, đẹp, màu xanh bắt mắt, không bị sâu rầy cắn phá. Riêng nọc trầu phải được làm bằng cây tràm, vì vỏ tràm tạo điều kiện cho rễ dây trầu bám và phát triển tốt. Nghề trồng trầu vừa khó nhưng lại dễ. Khó đối với người không bền bỉ, thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Còn dễ là đối với những người cần cù và biết được “tính cách” của cây trầu. Theo đó, khi thấy thời tiết nắng nóng hoặc gió nhiều thì làm giàn che bóng mát, che gió và kết hợp với tưới nước, bón phân thì cây trầu sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, phải thường xuyên buộc lươn trầu (đọt trầu) vào thân nọc để không bị gãy.

Sau 3 đến 4 tháng xuống giống, dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, cứ thế khoảng 10 ngày hái 1 lần (vào mùa mưa); 12 đến 15 ngày (vào mùa nắng). Tiền trả công cho lao động hái lá trầu, phân loại, xếp lá trầu thành từng ốp (mỗi ốp có 40 lá trầu) để giao cho thương lái từ 140.000 đến 160.000 đồng/người/ngày. Chủ vườn trầu sẽ hỗ trợ bữa cơm trưa cho người làm thuê. Mỗi công đất (1.000 mét vuông) phải cần từ 2 đến 3 người canh tác mới đat yêu cầu các công đoạn như: tưới nước, bón phân, cắt cành, loại bỏ lá xấu, thu hoạch, xếp ốp… thị trường tiêu thụ lớn nhất là TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, CamPuChia, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… giá bán mỗi ốp hiện nay từ 8.000 đến 10.000 đồng, riêng dịp tết nguyên đán vừa qua, giá bán lên đến 15.000 đồng/ốp giúp hàng trăm hộ trồng trầu “trúng lớn” đón tết khá sung túc.

Hướng phát triển mới cho làng nghề trồng trầu Vị Thủy

Tuy nhiên, cùng với một số sản phẩm nông nghiệp khác, lá trầu Vị Thủy cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, giá trầu liên tục giảm. Bên cạnh đó thị trường xuất khẩu đi các nước, nhất là Trung Quốc giảm nhiều khiến một số hộ dân hết sức lo ngại. Tuy nhiên đến thời điểm đầu tháng 5/2020, tình hình xuất khẩu lá trầu đã có những chuyển biến tích cực hơn, người trồng phấn khởi để đầu tư cho làng nghề của mình. Tiêu chuẩn làng nghề cấp tỉnh là cơ hội để người trồng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hơn các biện pháp KHKT hiện đang áp dụng, được ưu đãi vay vốn. Song song đó, tỉnh sẽ hỗ trợ bằng việc tăng cường quảng bá, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm; gắn du lịch với việc giới thiệu tiềm năng, cảnh quan văn hóa truyền thống của làng trầu.

Trải qua năm tháng tháng trầm, lá trầu vàng, trái cau, miếng vôi têm vẫn còn hiện hữu trong nhiều phong tục lễ hội dân gian của người Nam bộ. Đây là nguyên nhân vì sao làng nghề trồng trầu Vị Thủy vẫn tồn tại và phát triển không ngừng. Ngoài việc mưu sinh, người dân làng nghề này luôn có ý thức bảo vệ và duy trì nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của người đi trước đi đôi với việc giữ vững tiêu chí làng nghề đã được công nhận.