Xanh sạch đầm phá để cá tôm tìm về

Hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng 21/3/2023

BVR&MT – Phá Tam Giang là phần tiếp giữa ba con sông xứ Huế: sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu. Ngược về hướng bắc dọc trục Quốc lộ 49B về phía Quảng Trị, đoạn phá Tam Giang chảy sang sông Ô Lâu. Nơi đây có  nhiều làng chài, bao đời này cuộc sống gắn liền với sông nước.

Ngày trước những làng chài này họ sống theo cụm dân cư, một số sống trên đò, và đánh bắt quanh năm trên sông. Những hộ dân khá hơn, cất nhà chồ san sát bên nhau, sống và làm việc trên sông nước này.

Nhà chồ là mô hình nhà tựa nhà rông Tây Nguyên. Phía dưới cột vững chắc làm trụ, nền nhà cao lên khỏi mặt nước, và thường đóng bằng ván. Xóm nhà chồ này, được cất lên nằm bên bến sông, gần chợ để thuận tiện giao thương hàng hóa…

Nhà chồ cao thoáng, nên rất mát về mùa hè trong cái nóng miền Trung xứ Huế và là điểm tựa vững chắc trong mùa đông mưa bão nơi này. Từ đời này sang đời khác, họ truyền cho nhau cách đánh bắt trên đầm phá, lòng phá rộng cho nhiều sản vật tôm cá, lươn, cua, chình,.. mỗi mùa mỗi loài tươi ngon roi rói.

Những trộ sáo trải dài trên phá, những trộ chuôm giăng lên, những lưới, những câu hay thả rùng… là những cách đánh bắt truyền thống nơi này.

Vào những thập niên của thế kỷ trước, do mật dân số còn thưa, ô nhiễm môi trường còn nhẹ, nên lòng phá luôn dồi dào sản vật. Tôm cá quanh năm. Mùa hè từng bè cua, rạm. Mùa đông cá chình, lươn,.. nhiều vô kể. Và đây là nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho người dân sống xung quanh, và một số lượng khá lớn đưa về thành phố,…

Hòa theo cuộc sống đô thị hóa nông thôn, dưới tác động môi trường khắc nghiệt và sự ô nhiễm môi trường do con người gây ra. Đã ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái dòng phá và sản lượng tôm cá… ngày càng giảm sút rõ rệt.

Theo quy hoạch địa phương, những hộ dân sông trên đò và trên nhà chồ được quy hoạch lại sống trên đất liền và tất nhiên gần phá để thuận tiện làm nghề ngư nghiệp. Thế là những xóm nhà chồ xưa không còn nữa, trả lại sự thông thoáng trên sông. Giữa dòng, nò sáo sắp xếp lại hợp lý hơn để không ảnh hưởng dòng chảy và hệ sinh thái dưới lòng phá…

Ngày nay, đến đây bạn sẽ thấy dọc phá này là bờ kênh quy mô, được lắp bằng bờ kè đá chắn sóng vào mùa lũ. Phía trong bờ kè đá là cánh đồng lúa, mỗi năm hai vụ tốt tươi trải dài mướt mát tầm mắt…

Từ ngày có bờ kè chắn sóng, nơi đây lại địa điểm lý tưởng cho người dân trong vùng. Sáng sớm, chiều muộn từng tốp người đi bộ, hít thở không khí trong lành từ phá thổi vào. Khỏe người sảng khoái, lòng người hưng khởi năng lượng tràn đầy…

Một vài năm trước đây, với sự sinh sôi của bèo tây, đã che kín một phần mặt phá, làm bế tắc dòng chảy và sự thiếu mỹ quan nơi này. Đề án làm sạch dòng sông, dòng phá trả lại môi trường xanh sạch đẹp tiếp nối. Nơi đây, cách bờ kè chắn sóng tầm 100 mét, được quy hoạch lại, nạo vét lòng phá, trục vớt bèo  tây, đặt những hàng cây sống trong môi trường nước lợ. Tôn tạo trường thông thoáng cho cá tôm về sinh sản…

Nhìn từ bờ kè chắn sóng, những hàng cây thẳng hàng thẳng lối tươi xanh, vươn mình trên mặt nước tràn trề hy vọng. Những hôm nước rặt, xung quanh những cây cừa nước mọc lên những chồi non tua tủa đầy sức sống, hứa hẹn nay mai, đây sẽ là vùng bóng mát xanh tươi, hội tụ tôm cá bầy đàn,…

Vẫn dòng sông ấy, dòng phá này. Nhưng giờ lại khác xưa về cách cải tạo, khơi thông dòng chảy, một không gian thoáng phục vụ du lịch trên sông kết hợp ẩm thực đầm phá, đang hứa hẹn một ngày không xa trên vùng sông nước này….

Cao Ngọc Toản