Xăng dầu tăng giá: Doanh nghiệp Việt loay hoay tìm cách ‘chống bão’

BVR&MT – Với giá xăng dầu liên tục tăng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gồng mình chống đỡ để không lâm vào trạng thái phá sản đồng thời cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước.

Các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn khi chịu ảnh hưởng kép của dịch bệnh và xăng dầu liên tục tăng giá. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Giá xăng dầu liên tục “leo thang” và mức tăng cao nhất trong lịch sử thời gian vừa qua đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Để cầm cự và chờ đợi giá xăng dầu hạ nhiệt, đại diện các doanh nghiệp vận tải cho hay rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc giảm tiếp các loại thuế, phí; đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài; miến thuế thu nhập…

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là một giải pháp căn cơ và mang tính bền vững.

Trong khi cơn ‘đại nạn’ COVID-19 vẫn đang lơ lửng trên đầu, các doanh nghiệp vận tải lại phải gồng mình chống đỡ đợt xăng dầu tăng giá cao nhất trong lịch sử. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ, đứng trước nguy cơ phá sản trong nay mai…

Cố gắng cầm cự bên bờ vực phá sản

Chưa kịp phục hồi sau 3 năm dịch bệnh lại nhận thêm ‘cú đánh’ từ giá xăng dầu tăng cao kỷ lục vừa qua, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (chủ nhà xe Sao Việt) chỉ tay ra bãi để xe: “70% số xe còn nằm bãi nhiều ngày, bụi phủ kín mà cũng chẳng lau chùi vì ‘đắp chiếu.’ Số xe vận hành khoảng 30% nhưng gần đây dịch bệnh bùng phát mạnh nên lượng khách đi lại càng giảm, chỉ chiếm 30% công suất ghế ngồi.”

Thở dài ngao ngán, ông Bằng bảo rằng nhiều chuyến xe do quá vắng đã phải cắt để dồn chuyến và khách. Công ty càng chạy càng lỗ, nhưng không chạy thì mất khách.

“Nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay thì thời gian tới các đơn vị vận tải sẽ không cầm cự được nữa mà phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động,” ông trải lòng.

Với hàng không, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Tiếp thị truyền Thông Vietravel Airlines cho biết giá xăng dầu tăng làm chi phí nhiên liệu của hãng đã đội lên thêm 9-10 tỷ đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 25% so với trung bình các tháng trước.

“Nếu giá nhiên liệu tiếp tục duy trì hoặc tăng lên thì doanh thu của hãng cũng như các hãng hàng không khác sẽ không bù đắp được chi phí nhiên liệu bay, chưa nói đến các định phí khác. Điều này sẽ một lần nữa làm nặng thêm đôi cánh bay của các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế trong giai đoạn ngành du lịch và hàng không chỉ vừa chuẩn bị các bước tiến phục hồi chậm chạp đầu năm 2022,” ông Hoàng lo ngại.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đưa ra kịch bản nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng; nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay qua nhiều đợt dịch, đến nay hoạt động của các hãng taxi đã giảm 60-70% cả về doanh thu lẫn nhân lực. Nếu tình hình không thay đổi, sắp tới khó có hãng nào có thể trụ lại để sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, giá cước vận tải biển đi các chặng Mỹ, châu Âu tăng lại từ đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 3/2022 (hiện tăng từ 800-1.000 USD cho mỗi container 20 feet) khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục “đứng ngồi không yên.”

Với đường thủy, ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam cho biết mỗi chuyến tàu thủy doanh thu xấp xỉ 800 triệu đồng, chi phí nhiên liệu 600 triệu, phí cảng 60 triệu, chi phí ăn uống, bảo hiểm thuyền viên 200 triệu đồng… doanh nghiệp phải bù lỗ hơn 200 triệu đồng.

Đau đầu với bài toán tăng giá cước

Về mặt lý thuyết, giá xăng dầu tăng thì cước vận tải cũng sẽ tăng theo nhưng phải đi sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh vẫn còn phức tạp, lượng hành khách đi lại chưa đông nên việc tăng cước vận tải cũng ảnh hưởng tới khách đi lại nên các doanh nghiệp vận tải cũng đau đầu với bài toán này.

Do giá xăng dầu tăng cao, một số doanh nghiệp vận tải đã đăng ký tăng giá vé xe khách 10-22%; các hãng taxi, xe hợp đồng hiện phải tăng giá cước 10-15%, tương đương tăng 1.000-2.000 đồng mỗi km, có thể tăng hơn nữa theo tình hình xăng dầu thế giới.

“Doanh nghiệp đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng thông báo điều chỉnh thêm 50.000 đồng một vé (tăng 20%) so với giá cũ. Hành khách có thể kêu ca khi giá vé tăng nhưng đơn vị cũng mong mọi người chia sẻ bởi các đơn vị vận tải đang lỗ chồng lỗ, hoạt động cầm cự chứ không có lợi nhuận,” ông Đỗ Văn Bằng, chủ hãng xe Sao Việt nói.

Rất nhiều chuyến xe khi xuất bến chỉ có 5-6 hành khách. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietravel Airlines cũng đề nghị bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa. Vietnam Airlines vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay áp dụng từ 1/4/2022.

“Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt đồng thời bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng,” Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà lý giải.

Giảm tiếp các loại thuế, phí

Đưa ra các giải pháp, kế hoạch để ứng phó với giá xăng dầu tiếp tục xu hướng tăng, ngoài việc cắt giảm các chi phí nội tại của hãng bay, Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam (VABA) và các hãng hàng không kiến nghị Chính phủ hỗ trợ như tăng mức giảm một số loại thuế, phí đối với ngành hàng không.

Các hãng bay đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm; miến thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường; điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (hiện nay 7%); hỗ trợ giá dịch vụ hàng không…

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với mỗi lít xăng. Tuy nhiên, mức này vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì mà doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết bộ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; có chính sách tín dụng như hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải thủy nội địa; xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố gia hạn giảm phí, lệ phí hàng hải, phí sử dụng công trình hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng.

“Bộ Giao thông Vận tải đang theo dõi sát tình hình và đề xuất giải pháp kiểm soát giá dịch vụ vận tải, báo cáo Chính phủ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh,” ông Ngọc cho hay./.

Trước việc lỗ chồng lỗ và đang đợi chờ những gói hỗ trợ…, việc trước mắt là các doanh nghiệp cần tự thân vận động, sử dụng xăng dầu hiệu quả hơn để có thể “cầm cự” lâu dài với bão giá.