Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần

BVR&MT – Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng nhẹ từ ngày 22-26/3, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức thấp hơn độ mặn thời kỳ từ 11-20/3.

Dự án trạm bơm thủy lợi cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) sẽ đáp ứng nhu cầu lấy nước ngọt tại vùng ngọt hóa Gò Công.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy quốc gia, chiều sâu ranh mặn 1 g/l trong thời kỳ này có khả năng: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn lên tới 100-135 km, sông Hàm Luông 80-85 km, sông Cổ Chiên 60-75 km, sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 65-70 km, sông Hậu 55-65 km, sông Cái Lớn 58-63 km.

Chiều sâu ranh mặn 4 g/l trong thời kỳ này có khả năng: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn tới 85-110 km, sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 52-60 km, sông Hàm Luông 73-78 km, sông Cổ Chiên, sông Hậu 45-55 km, sông Cái Lớn 43-52 km.

Rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở cấp độ 1-2.

Từ ngày 1-5/4, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục giảm dần. Trong thời kỳ từ 26/3-5/4, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt ngay khi có thể khi triều thấp. Khi tưới cho cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn tránh thiệt hại.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 5, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-20%. Xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3; xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, sau giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh, trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và trầm trọng hơn.

Nhiều địa phương chuyển đổi sản xuất vụ Đông Xuân

Khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện có khoảng 2.034 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do tình trạng trên.

Điển hình, Quảng Nam có 500 ha lúa bị thiếu nước một số thời điểm do phụ thuộc hoàn toàn vào lưu lượng phát điện của thủy điện thượng nguồn. Phú Yên có 684 ha lúa đang được hỗ trợ bơm tưới. Khánh Hòa có 300 ha đang phải sử dụng các giải pháp bơm tát chống hạn. Bình Thuận có 550 ha lúa vùng sản xuất tự phát ngoài kế hoạch sản xuất của tỉnh Bình Thuận, nhân dân khai thác nước từ nguồn nước cấp cho cây thanh long để tưới lúa dẫn đến bị thiếu nước…

Ứng phó với tình trạng trên, vùng Nam Trung Bộ đã có tổng diện tích rừng, chuyển đổi sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 là 26.650 ha. Riêng tỉnh Bình Thuận đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất 15.000 ha cho các diện tích sử dụng nước sau thủy điện Đại Ninh và một số công trình thủy lợi khu vực phía Bắc. Tỉnh Ninh Thuận phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho 7.500 ha trong các công trình thủy lợi vừa và nhỏ có dung tích trữ đạt thấp…

Khu vực Tây Nguyên hiện cũng có gần 5.900 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, bao gồm: Kon Tum 168 ha, Gia Lai 333 ha, Đắk Lắk và Đắk Nông 3.912 ha, Lâm Đồng 1.448 ha.