BVR&MT – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, đơn vị vừa có báo cáo kết quả kiểm tra xác định nguyên nhân rừng đước ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau bị chết.
Rừng đước ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Theo đó, thời điểm rừng đước bắt đầu chết tập trung từ tháng 9-10/2017. Khu vực rừng đước bị chết của ba hộ dân nhận khoán đất rừng thuộc phân khu phục hồi sinh thái (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau), với diện tích khoảng 1,05ha.
Ba hộ dân có rừng bị chết gồm ông Trương Văn Hùng (thửa số 213, khoảnh 4, tiểu khu 4B) có diện tích cây bị chết 0,3ha; ông Nguyễn Hòa Bình (thửa 214, khoảnh 4, tiểu khu 4B) có diện tích cây bị chết 0,32ha; ông Tô Chí Nguyện (ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) là hộ nhận khoán (thửa 105, khoảnh 3, tiểu khu IVB) có tình trạng cây chết hơn 4.000m2 với hơn 1.000 cây đước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân gây chết rừng đước là vì vào thời điểm trên, thời tiết mưa nhiều, lượng mưa lớn, kết hợp với triều cường dâng cao.
Đồng thời, các khu vực có cây đước chết phía bên ngoài cao hơn khu vực giữa (do việc nạo vét bùn của các hộ nuôi tôm trong nhiều năm) làm cho ven dãy cao hơn phía bên trong.
Từ đó, nước trong rừng rút ra không kịp, bị ứ đọng lâu ngày, gây nên hiện tượng úng nước cục bộ lâu ngày và môi trường thay đổi.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân do các hộ dân không hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng ngập mặn nên chưa có biện pháp phù hợp để ngăn ngừa tác động tiêu cực của thời tiết.
Để ngăn chặn tình trạng rừng đước bị chết trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau đề nghị Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Các hộ dân nhận khoán đất rừng thường xuyên kiểm tra, khơi thông đường thoát nước tại những khu vực rừng trũng, thấp để tránh tình trạng úng nước lâu ngày.
Đồng thời, Sở đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét cho phép Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức bố trí thêm một cống xổ đối với các lô rừng giao khoán cho dân có chiều dài 500m trở lên nhưng không làm ảnh hưởng đến cây rừng.